Kinh tế xã hội

Các công trình thuỷ điện tại Nghệ An: Những cái được và mất

08:56, 18/09/2016 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Nghệ An có 33 dự án thủy điện với tổng công suất 1.414 MW đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư và đang khảo sát xin cấp phép đầu tư. Không thể phủ nhận các dự án thủy điện này đã góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và tăng thu ngân sách cho tỉnh nhà, tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho hàng trăm lao động trên địa bàn. Tuy nhiên, việc ồ ạt xây dựng các dự án thủy điện cũng như công tác quản lý, quy hoạch đã để lại những hệ lụy, đe dọa trực tiếp đến đời sống của người dân và môi trường sinh thái.

Công trình thủy điện Suối Choăng giờ chỉ là khu đất bỏ hoang
Công trình thủy điện Suối Choăng giờ chỉ là khu đất bỏ hoang

Những mặt tích cực

Theo quy hoạch được Chính phủ, Bộ Công thương và UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt, Nghệ An có 54 dự án thủy điện với tổng công suất 1.659,2 MW, trong đó có 8 dự án quy hoạch tiềm năng và 1 dự án thủy điện Bản Cánh được xây dựng từ trước khi tiến hành quy hoạch.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, UBND tỉnh và Bộ Công thương đã đưa ra khỏi quy hoạch 22 dự án thủy điện với các lý do như chưa phù hợp, chưa hiệu quả; không có tính khả thi; triển khai chậm; gây ảnh hưởng lớn đến môi trường sinh thái.

Trong số 33 dự án thủy điện tại địa phương hiện nay có 23 dự án thủy điện đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng mức đầu tư hơn 24.800 tỉ đồng và đã được triển khai xây dựng.

Hiện nay, 23 dự án này đã và đang tiến hành công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, di dân tái định cư với diện tích đất thu hồi thực hiện các dự án là 8.310,4 ha (đất rừng, lâm nghiệp 5.687 ha; đất sản xuất 1.733,3 ha, còn lại đất khác); trong đó có 3 dự án thủy điện lớn là Bản Vẽ, Hủa Na, Khe Bố phải di dời 4.969 hộ dân đến 53 điểm tái định cư.

Tính đến thời điểm này, 10 dự án thủy điện đã đi vào hoạt động và phát điện hòa lưới điện quốc gia, tổng mức đầu tư hơn 18.300 tỉ đồng, tổng công suất 697,5 MW, sản lượng điện trung bình năm hơn 2,2 tỉ kWh. Năm 2015 sản lượng điện đạt 2,28 tỉ kWh, dự kiến trong năm nay sẽ tăng lên 3 tỉ kWh. Các dự án đi vào hoạt động đã tạo công ăn việc làm ổn định cho gần 600 lao động địa phương, trung bình mỗi năm đóng góp ngân sách hơn 200 tỉ đồng và gần 40 tỉ đồng tiền quỹ trồng lại rừng, dịch vụ môi trường rừng.

Ngoài ra, các dự án thủy điện còn đóng góp tích cực trong việc điều hòa, phân phối nguồn nước, sản xuất năng lượng điện đáng kể cho hệ thống lưới điện quốc gia, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Có thể khẳng định rằng, việc thu hút đầu tư các dự án thủy điện là một chủ trương đúng đắn, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng và phục vụ đắc lực phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà.

Nhiều bất cập trong công tác quy hoạch, thi công

Bên cạnh những mặt tích cực, trên thực tế, các công trình thủy điện vẫn tồn tại nhiều bất cập trong công tác quy hoạch, thi công.

Đơn cử: Công trình thủy điện Suối Choăng, xã Châu Khê, huyện Con Cuông sau 8 năm thi công, giờ chỉ là khu đất hoang với nhiều khối bê tông, sắt thép rỉ sét. Chị Lô Thị Hiền, người dân sống gần khu vực Công trình thủy điện Suối Choăng cho biết: Cách đây hơn 2 năm thì thấy dừng thi công, máy móc, phương tiện cũng được chuyển đi hết, không còn ai ở lại.

Còn khu tái định cư bản Khe Ò, xã Yên Na, huyện Tương Dương, thuộc dự án Thủy điện Bản Vẽ cũng gần như bỏ hoang. Hiện chỉ còn 3 hộ dân đang bám trụ với cuộc sống tạm bợ, 45 hộ dân còn lại đã đi tìm nơi ở mới.

Khu tái định cư bản Khe Ò chỉ còn lại 3 hộ dân
Khu tái định cư bản Khe Ò chỉ còn lại 3 hộ dân
Ông Lô Hoài Thơm, Bí thư Đảng ủy xã Yên Na, huyện Tương Dương: “Hiện tại còn 55 hộ dân trên địa bàn xã chưa được đền bù thoả đáng diện tích đất sản xuất bị mất do xây dựng công trình thủy điện Bản Vẽ. Đường giao thông của hai bản tái định cư Khe Ò và Khe Choóng nhân dân phải tự đóng góp để xây dựng. Nhân dân đòi hỏi công ty thuỷ điện phải thực hiện đúng lời hứa “Nơi ở mới tốt hơn hoặc ít nhất là bằng nơi ở cũ”, để đảm bảo quyền lợi cho người dân”.
Ông Lô Hoài Thơm, Bí thư Đảng ủy xã Yên Na, huyện Tương Dương: “Hiện tại còn 55 hộ dân trên địa bàn xã chưa được đền bù thoả đáng diện tích đất sản xuất bị mất do xây dựng công trình thủy điện Bản Vẽ. Đường giao thông của hai bản tái định cư Khe Ò và Khe Choóng nhân dân phải tự đóng góp để xây dựng. Nhân dân đòi hỏi công ty thuỷ điện phải thực hiện đúng lời hứa “Nơi ở mới tốt hơn hoặc ít nhất là bằng nơi ở cũ”, để đảm bảo quyền lợi cho người dân”.
Ông Lương Đại Thắng, bản Khe Ò, xã Yên Na, huyện Tương Dương: “Về đất sản xuất, 27 hộ dân trong bản bị mất trắng, mặc dù hứa hẹn nhưng qua bao nhiêu năm vẫn chưa được cấp lại đất, mà cũng không có tiền đền bù. Kêu nhiều rồi, nhưng đâu lại vào đấy”.
Ông Lương Đại Thắng, bản Khe Ò, xã Yên Na, huyện Tương Dương: “Về đất sản xuất, 27 hộ dân trong bản bị mất trắng, mặc dù hứa hẹn nhưng qua bao nhiêu năm vẫn chưa được cấp lại đất, mà cũng không có tiền đền bù. Kêu nhiều rồi, nhưng đâu lại vào đấy”.

Ông Lương Đại Thắng, người còn ở lại đây cho biết: Do đường xấu, đi lại khó khăn, trường học ở xa nên không thể tạo điều kiện cho con cháu học hành được. Mặt khác, khu vực này thường bị ảnh hưởng bởi sạt lở, thỉnh thoảng có những tảng đá lớn lăn xuống tiềm ẩn nguy cơ tai nạn, khiến người dân hết sức lo sợ. Điều kiện sinh sống khó khăn, trạm xá thì ở xa, vì vậy mọi người đã bỏ đi gần hết.

Tại xã Thanh Sơn và Ngọc Lâm (Thanh Chương) - hai địa bàn tái định cư của người dân thuộc diện di dời phục vụ xây dựng công trình thủy điện Bản Vẽ, hiện có 245 hộ di dời đến đây nhưng đã quay trở về khu vực lòng hồ dựng nhà, làm ăn sinh sống. Thậm chí có 33 hộ thuộc xã Chà Coong, huyện Tương Dương thuộc diện buộc phải di dân, tái định cư nhưng vẫn chưa chịu di dời khỏi vùng lòng hồ.

Nguyên nhân của tình trạng trên là do việc khảo sát, quy hoạch điểm tái định cư tại Thanh Chương chưa phù hợp với phong tục tập quán của người dân tái định cư. Quá trình thiết kế, thi công, xây dựng, duy tu bảo dưỡng cơ sở vật chất (nhà ở, trường học, nhà văn hóa, hệ thống nước sạch, đường giao thông...) tại một số điểm chưa đảm bảo chất lượng dẫn đến điều kiện sinh hoạt, sản xuất của người dân tái định cư gặp nhiều khó khăn.

Hiện nay, số lượng dự án thủy điện được quy hoạch, cấp giấy chứng nhận đầu tư quá nhiều, mật độ dày. Tại Kỳ Sơn đã có 7 dự án, Tương Dương có 8 dự án, Quế Phong có tới 12 dự án. Riêng dòng Nậm Mộ, huyện Kỳ Sơn, chỉ 1 km nhưng có tới 3 dự án đã đi vào hoạt động và 1 dự án đang khảo sát xin cấp phép đầu tư. Điều đó sẽ ảnh hưởng xấu đến môi trường sinh thái và cuộc sống của hàng trăm hộ dân đang sinh sống xung quanh những khu vực này.

So với giấy chứng nhận đầu tư đã được cấp phép thì hiện nay, tiến độ thi công của hầu hết các dự án thủy điện còn chậm. Lý giải nguyên nhân, đại diện các nhà máy thủy điện cho biết, phần vì do địa điểm khó khăn, năng lực tài chính của một số chủ đầu tư chưa đáp ứng với dự án, cá biệt có nhiều dự án đã phải chuyển giao cho nhà đầu tư khác, thậm chí là bỏ dở giữa chừng, gây lãng phí rất lớn.

Trong quá trình thi công, vận hành, một số dự án có dấu hiệu vi phạm quy trình, quy định, thiết bị chưa đảm bảo tiêu chuẩn dẫn đến các sự cố trong quá trình vận hành. Mặc dù chưa hoàn thành các thủ tục pháp lý và được các cấp có thẩm quyền cấp phép nhưng một số dự án thủy điện vẫn tiến hành xây dựng, tích nước chạy thử máy. Một số dự án thủy điện không tuân thủ quy trình tích nước, xả lũ, làm thiệt hại tài sản của người dân trên địa bàn.

Theo phản ánh của người dân, Nhà máy thủy điện Nậm Mô xả lũ với lưu lượng lớn làm thiệt hại tài sản, gây sạt lở nhà dân; Nhà máy thuỷ điện Chi Khê tích nước sai quy trình khiến nhiều diện tích lúa, hoa màu bị tàn phá nặng nề; Nhà máy thủy điện Bản Ang, Nhạn Hạc trong quá trình nổ mìn thi công đã gây nứt, lún nhà dân. Điều này khiến người dân hết sức lo lắng, bức xúc, dẫn đến khiếu kiện.

Cộng với việc người dân tái định cư bỏ nơi ở mới quay trở về quê cũ làm ăn sinh sống gây khó khăn trong công tác quản lý nhân hộ khẩu, tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh trật tự, ảnh hưởng đến công tác an sinh xã hội.

Vấn đề ổn định cuộc sống và môi trường sinh thái

Hiện nay, toàn tỉnh có 11 hồ đập thủy điện được cấp phép với dung tích gần 2,57 tỉ m3, lượng nước trong hồ thường đạt khoảng 60%. Mặc dù các hồ đập đều có quy trình vận hành hồ chứa cụ thể, tuy nhiên các nhà máy thủy điện mới chỉ quan tâm đến hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Ông Nguyễn Quang Hòa, kỹ sư thủy lợi, nguyên Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Nghệ An cho biết: Quá trình xây dựng, vận hành các công trình thủy điện trên địa bàn đã gây ra nhiều khó khăn trong sinh hoạt, sản xuất của người dân, ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, gia tăng tác hại của hạn hán, lũ lụt. Bởi xây dựng nhà máy thủy điện đi cùng với việc xây dựng các hồ đập để tích nước, dẫn đến mất rừng, mất đất sản xuất; phù sa bị giữ lại lòng hồ tạo nên “dòng nước trong” đổ về hạ lưu, là tác nhân gây ra xói lở lòng sông, bờ sông. Vào mùa khô, thuỷ điện tích nước dẫn đến lưu lượng nước ở các sông, suối thấp, người dân vùng hạ lưu thiếu nước sinh hoạt, sản xuất; ngược lại, mùa mưa thì xả lũ gây ra tình trạng ngập lụt, sạt lở. Vì vậy, để đảm bảo dòng chảy cơ bản của dòng sông, các nhà máy cần phải có quy trình vận hành khoa học.

Một điểm chung của hầu hết các khu tái định cư là tiến độ công tác đền bù, giải phóng mặt bằng triển khai còn chậm; người dân tái định cư sau khi về nơi ở mới hoặc chưa được cấp hoặc được cấp quá ít đất sản xuất.

Khi chuyển về khu tái định cư ở bản Đại Sơn, xã Thanh Sơn, huyện Thanh Chương, do thiếu đất sản xuất nên ông Vi Đình Hoan cùng gia đình đã quay về vùng lòng hồ thủy điện Bản Vẽ để làm nương rẫy, sau khi thu hoạch thì vận chuyển về khu tái định cư. Theo ông Hoan, so với nơi ở mới thì quê cũ dễ sống, dễ sản xuất hơn.

Cùng hoàn cảnh như gia đình ông Hoan, anh Lô Đại Phú ở bản Kim Hồng, xã Ngọc Lâm, huyện Thanh Chương cũng chọn cách quay về quê cũ để làm ăn sinh sống. “Ở đây chúng tôi không đủ đất sản xuất, lại thiếu nước sinh hoạt, đi làm thuê thì bữa được bữa không, trong khi về trên kia có thể kiếm ăn đủ sống hàng ngày. Biết rằng vi phạm pháp luật khi di cư bất hợp pháp, nhưng chúng tôi không còn cách nào khác, phải quay về quê cũ để làm ăn thôi”, anh Phú tâm sự.

Theo anh Lang Văn Thoại, Trưởng bản Khủn Na 2, xã Đồng Văn, huyện Quế Phong, hiện tại người dân nơi đây còn gặp một số khó khăn, vướng mắc. Thứ nhất là đất sản xuất chia cho các hộ dân còn ít, Công ty thuỷ điện Hủa Na chưa khai hoang được ruộng nước cho người dân; thứ hai là thiếu nước sinh hoạt do hệ thống cấp nước bị hư hỏng; thứ ba là tiền đền bù chưa thoả đáng, quá thấp so với thực tế.

Bên cạnh đó, công tác đào tạo nghề, chuyển đổi việc làm cho người dân tái định cư chưa được quan tâm đúng mức, chưa hiệu quả khiến người dân loay hoay trong việc ổn định cuộc sống. Theo ông Lô Quang Dung ở bản Đại Sơn, xã Thanh Sơn, huyện Thanh Chương, cần phải có cán bộ, chuyên gia về tận nơi hướng dẫn, giúp đỡ người dân trong việc trồng trọt, chăn nuôi, có như thế bà con mới ổn định được cuộc sống.

Bà Lương Thị Cúc, bản Đại Sơn, xã Thanh Sơn, huyện Thanh Chương: “Bản thân tôi cũng như dân bản mong muốn được sớm giải quyết về đất đai, sớm ổn định để chúng tôi bớt khổ”.
Bà Lương Thị Cúc, bản Đại Sơn, xã Thanh Sơn, huyện Thanh Chương: “Bản thân tôi cũng như dân bản mong muốn được sớm giải quyết về đất đai, sớm ổn định để chúng tôi bớt khổ”.
Ông Lô Trung Thông, Chủ tịch UBND xã Thanh Sơn, huyện Thanh Chương: “Điều mong mỏi nhất của người dân tái định cư hiện nay là đất đai để sản xuất. Bởi tại xã Thanh Sơn, một số bản thì có đủ đất, nhưng nhiều bản lại không có đất để cấp cho các hộ dân. Đề nghị cấp trên quan tâm giúp đỡ để người dân sớm ổn định cuộc sống”.
Ông Lô Trung Thông, Chủ tịch UBND xã Thanh Sơn, huyện Thanh Chương: “Điều mong mỏi nhất của người dân tái định cư hiện nay là đất đai để sản xuất. Bởi tại xã Thanh Sơn, một số bản thì có đủ đất, nhưng nhiều bản lại không có đất để cấp cho các hộ dân. Đề nghị cấp trên quan tâm giúp đỡ để người dân sớm ổn định cuộc sống”.

Mong ước một cuộc sống ổn định

Khi được hỏi về nguyện vọng của mình, hầu hết người dân tái định cư đều bày tỏ mong muốn được sự quan tâm của cấp trên, của các công ty thủy điện trong việc đền bù, cấp đất sản xuất, xây dựng hạ tầng giao thông để người dân từng bước ổn định cuộc sống, xây dựng một tương lai lâu dài tại nơi ở mới.

Bà Lô Thị Mai, bản Đình Tiến, xã Tam Đình, huyện Tương Dương: “Tôi mong muốn họ trả tiền đền bù đất đầy đủ, cấp đất cho người dân chúng tôi làm ăn, sản xuất”.
Bà Lô Thị Mai, bản Đình Tiến, xã Tam Đình, huyện Tương Dương: “Tôi mong muốn họ trả tiền đền bù đất đầy đủ, cấp đất cho người dân chúng tôi làm ăn, sản xuất”.

Rõ ràng, những hiệu quả đem lại từ các dự án thủy điện là không thể phủ nhận, tuy nhiên, hệ lụy từ những dự án này đã và đang ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường sinh thái và cuộc sống của hàng nghìn hộ dân.

Các cấp, ngành cần khảo sát, đánh giá toàn diện các dự án thuỷ điện trên địa bàn, trên cơ sở đó kịp thời đưa ra khỏi quy hoạch, rút giấy phép đầu tư các dự án không khả thi, hiệu quả thấp, triển khai chậm tiến độ hoặc chưa triển khai, ảnh hưởng lớn đến môi trường sinh thái.

Có sự phối hợp chặt chẽ trong công tác quy hoạch, quản lý các dự án thủy điện; đôn đốc chủ đầu tư thực hiện nghiêm túc các quy định trong xây dựng, quản lý, vận hành công trình thủy điện cũng như xây dựng các điểm tái định cư. Có như thế, những công trình thủy điện trên địa bàn mới thực sự phát huy được hiệu quả trong phát triển kinh tế, hạn chế thấp nhất những hậu quả có thể xảy đến, đảm bảo cuộc sống ổn định cho người dân.

Hữu Thành

Các tin khác