Kinh tế xã hội
Tạo đà chuyển dịch cơ cấu kinh tế
(Congannghean.vn)-Việc quy hoạch phát triển các cụm công nghiệp (CCN), khu công nghiệp (KCN) nhỏ ở các địa phương tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm cho người lao động, góp phần thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa của tỉnh nhà.
Phát triển CCN trên toàn tỉnh
Nghệ An là một trong những địa phương sớm thực hiện chủ trương quy hoạch, xây dựng và thu hút đầu tư vào các KCN, CCN nhỏ. Theo đó, đến năm 2020, trên địa bàn tỉnh sẽ phát triển 50 CCN nhỏ ở 20 huyện, thành, thị với diện tích 1.043,7 ha. Trong đó: giai đoạn 2006 - 2010, quy hoạch và tiếp tục đầu tư phát triển 23 CCN để đảm bảo mỗi huyện, thành, thị có ít nhất 1 CCN đáp ứng thu hút các dự án đầu tư trên địa bàn, di dời các cơ sở sản xuất đã đầu tư nằm trong khu dân cư, đô thị gây ô nhiễm.
Một góc CCN Nghi Phú, TP Vinh |
Tính đến hết năm 2015, toàn tỉnh đã có 33 CCN thực hiện các bước đầu tư xây dựng (lập, phê duyệt quy hoạch chi tiết CCN; lập, phê duyệt dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật CCN; thực hiện đầu tư hạ tầng kỹ thuật CCN và tổ chức thu hút đầu tư sản xuất kinh doanh).
Trong đó có 9 CCN đã lấp đầy, 6 CCN đang thực hiện đầu tư và có doanh nghiệp (DN) đầu tư sản xuất kinh doanh, 5 CCN đang thực hiện đầu tư xây dựng hạ tầng, 13 CCN đã lập và phê duyệt quy hoạch chi tiết. Các CCN đã thu hút trên 180 dự án đầu tư, chủ yếu là các DN nhỏ và vừa, trong đó có 3 dự án đầu tư nước ngoài. Tổng vốn đầu tư các DN, CCN đạt 2.038 tỉ đồng (bình quân 11,38 tỉ đồng/DN). Số lao động làm việc trong các CCN khoảng 11.745 người.
Động lực phát triển của các địa phương
Nằm trong lộ trình quy hoạch phát triển, mới đây nhất, vào ngày 5/8/2016, huyện Yên Thành tổ chức công bố quy hoạch chi tiết xây dựng CCN Tràng Kè tại xã Mỹ Thành. CCN này được thành lập theo Quyết định số 1323/QĐ-UBND ngày 30/3/2016 của UBND tỉnh Nghệ An. Đây là CCN tập trung vừa và nhỏ, nằm hai bên Quốc lộ 7A, thuộc địa bàn xóm 12 và 13, xã Mỹ Thành, có tổng diện tích 513.333,7 m2.
Sau lễ công bố, huyện Yên Thành sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để sớm triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm, tạo điều kiện thu hút đầu tư. Với việc ra đời của CCN Tràng Kè, hy vọng sẽ phát triển các ngành nghề, giải quyết việc làm, tạo thu nhập cho người lao động, tăng nguồn thu ngân sách, góp phần quan trọng trong phát triển công nghiệp và kinh tế - xã hội của địa phương.
Theo ông Nguyễn Văn Thế, Trưởng phòng Quản lý Công nghiệp, Sở Công thương Nghệ An, trong số các CCN đã đi vào hoạt động thì CCN Tháp - Hồng - Kỷ (Diễn Châu), CCN Nghi Phú (TP Vinh), CCN Nam Giang (Nam Đàn), Lạc Sơn (Đô Lương), Nghĩa Long (Nghĩa Đàn), Châu Quang (Quỳ Hợp) là những CCN điển hình, hoạt động hiệu quả, trở thành điểm nhấn của các địa phương; đồng thời khai thác tốt các lợi thế, tiềm năng và giải quyết vấn đề việc làm cho lao động địa phương.
Nhờ đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật và có chính sách thu hút đầu tư thông thoáng, đến nay, CCN Tháp - Hồng - Kỷ đã thu hút 31 DN, hộ gia đình, cá nhân đầu tư với tổng vốn đăng ký 382 tỉ đồng. Hiện tại, CCN có 26/31 DN đầu tư xây dựng dự án và đi vào hoạt động với các sản phẩm chủ lực, có giá trị kinh tế cao. Nhờ sản xuất - kinh doanh hiệu quả, doanh thu CCN đạt 260 tỉ đồng/năm.
Một số DN có doanh thu lớn là Công ty TNHH Nam sung VINA đạt 100,7 tỉ đồng, Nhà máy ống thép Thành Phát đạt 16 tỉ đồng, Công ty CP xây dựng Hải Anh đạt 7,2 tỉ đồng, Công ty TNHH Đông Anh đạt 6,5 tỉ đồng... CCN Tháp - Hồng - Kỷ hoạt động hiệu quả đã góp phần tăng nguồn thu ngân sách Nhà nước và giải quyết việc làm cho trên 2.300 lao động; trong đó, riêng Công ty TNHH Nam sung VINA giải quyết việc làm cho gần 2.000 lao động.
Quá trình sản xuất cửa kính của Công ty Austdoor tại CCN Nghi Phú |
Nỗ lực khắc phục khó khăn, thách thức
Việc quy hoạch phát triển CCN sẽ mở ra nhiều hy vọng về cơ hội việc làm cho người lao động, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tuy nhiên, làm thế nào để kỳ vọng đó sớm trở thành hiện thực còn tùy thuộc vào cách làm của mỗi địa phương. Bởi thực tế hiện nay, nhiều CCN sau khi quy hoạch, thậm chí công bố xong rồi “đắp chiếu”.
Đơn cử, tại CCN xã Nghĩa Dũng (Tân Kỳ), sau nhiều năm quy hoạch, đến nay vẫn đang là một bãi đất trống. Tương tự, cũng là địa điểm nằm trong quy hoạch, được UBND tỉnh phê duyệt hạ tầng kỹ thuật từ tháng 10/2014, nhưng đến nay, CCC Na Khứu trên địa bàn huyện Quế Phong (diện tích gần 13 ha, tổng mức đầu tư gần 26 tỉ đồng) vẫn chưa được xây dựng, công tác thu hút đầu tư khó khăn vì vẫn chưa thực hiện xong đền bù, giải phóng mặt bằng do chưa được phân bổ vốn.
Theo báo cáo của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Quế Phong, vừa qua, UBND tỉnh đã có kế hoạch phân bổ vốn năm 2016 với số tiền 2 tỉ đồng cho hạ tầng kỹ thuật CCN Na Khứu. Với số tiền này, trước mắt, UBND huyện Quế Phong sẽ đầu tư làm 2 tuyến giao thông ra, vào CCN; đồng thời, triển khai công tác đo đếm tài sản của người dân trên diện tích đất đã quy hoạch để làm cơ sở đền bù, giải phóng mặt bằng.
Trên thực tế, một số CCN sau khi đi vào hoạt động đã trở thành nỗi lo lắng của người dân khi liên tiếp gây ô nhiễm môi trường, tiếng ồn và khói bụi, đơn cử như CCN Đông Vĩnh (TP Vinh).
Theo đánh giá của Sở Công thương Nghệ An, CCN đóng vai trò rất quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu về địa điểm xây dựng nhà máy ngày càng lớn của nhà đầu tư, đảm bảo sử dụng tiết kiệm quỹ đất, giảm chi phí đầu tư hạ tầng, đảm bảo môi trường sinh thái, gắn với việc hình thành đô thị mới, khôi phục và phát triển các ngành nghề truyền thống…
Hiện nay, ngoài CCN Đông Vĩnh có đơn vị đầu tư kinh doanh hạ tầng là một đơn vị sự nghiệp có thu, các CCN còn lại không có DN đầu tư kinh doanh hạ tầng CCN. Chủ đầu tư công trình hạ tầng kỹ thuật là UBND các huyện, thành phố, thị xã.
Theo ông Nguyễn Văn Thế, để CCN phát triển bền vững cần phải có sự đầu tư đồng bộ về cơ sở hạ tầng, tuy nhiên trên thực tế, do nguồn vốn hạn chế nên để xây dựng hoàn chỉnh các CCN trước khi đưa vào sử dụng là rất khó. Ở tỉnh ta hiện nay phần lớn xây dựng cơ sở hạ tầng cơ bản như đường và mặt bằng, rồi kêu gọi các DN vừa hoàn thiện cơ sở hạ tầng, vừa đầu tư sản xuất. Hơn nữa, do sự phát triển thiếu quy hoạch, quản lý Nhà nước về phát triển các KCN nhỏ thiếu chặt chẽ, và do những khó khăn khách quan tác động nên đến nay, các CCN hoạt động chưa thực sự có hiệu quả như kỳ vọng.
Việc đầu tư phát triển mô hình CCN, KCN nhỏ là bước ngoặt quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của các địa phương. Khi các CCN được hình thành sẽ giải quyết vấn đề việc làm, ô nhiễm môi trường và nâng cao thu nhập cho người dân.
Có thể nói, trong tương lai, CCN chính là động lực thúc đẩy các khu vực nông thôn chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa. Tuy nhiên, nhiều DN vẫn e dè trong việc tham gia CCN do các chính sách chưa thông thoáng. Vì thế, cần có những cơ chế, chính sách phát triển cụ thể và chế độ hỗ trợ đặc thù đối với các DN để DN phát huy được thế mạnh của mình khi tham gia CCN.
Phương Thủy