Kinh tế xã hội
Đề án bệnh viện vệ tinh: Cần thêm những bệ phóng
(Congannghean.vn)-Đề án thành lập bệnh viện vệ tinh là chủ trương của Chính phủ với mục tiêu chính là giảm tải tuyến trên, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh (KCB) tuyến dưới. Cùng với các địa phương khác trong cả nước, Nghệ An đã triển khai đề án trên tại 2 đơn vị: Bệnh viện Ung bướu và Bệnh viện Sản - Nhi. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai đề án đã có nhiều vấn đề mới nảy sinh, đòi hỏi sự tham gia tích cực của các bên từ Trung ương đến địa phương, tạo bệ phóng quan trọng để người dân được tiếp cận, hưởng thụ dịch vụ y tế tiên tiến.
Bác sĩ Phạm Vĩnh Hùng siêu âm cho bệnh nhân tại Bệnh viện Ung bướu Nghệ An |
Thực hiện Đề án giảm quá tải bệnh viện giai đoạn 2013 - 2020 do Chính phủ phê duyệt, Bộ Y tế đã triển khai Đề án bệnh viện vệ tinh giai đoạn 2013 - 2020, nhằm mục tiêu nâng cao năng lực y tế tuyến dưới về KCB thông qua hoạt động đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, cải tạo cơ sở vật chất, nâng cấp trang thiết bị y tế, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc tiếp cận dịch vụ y tế chất lượng cao. Trong đó, ưu tiên 5 chuyên khoa: Ung bướu, ngoại - chấn thương, tim mạch, sản và nhi.
Bộ Y tế hy vọng, việc xây dựng bệnh viện vệ tinh sẽ góp phần giảm cơ bản số lượng người dân trong tỉnh đến các bệnh viện tuyến trên KCB, đồng thời là cơ sở để các bệnh viện tại địa phương nâng cao năng lực KCB trên một số lĩnh vực có thể tương đương với bệnh viện tuyến trên.
Theo phân tích của các chuyên gia y tế, bệnh viện vệ tinh thực chất là việc mở rộng, phát triển dựa trên nền tảng của Đề án chuyển giao kỹ thuật 1816, chỉ đạo từ tuyến trên với tuyến dưới.
Về quy trình thành lập bệnh viện vệ tinh, ông Phạm Ngọc Quy, Trưởng phòng Nghiệp vụ Y, Sở Y tế Nghệ An cho biết, muốn hình thành bệnh viện vệ tinh, phía bệnh viện hạt nhân sẽ yêu cầu bệnh viện vệ tinh xây dựng đề án cụ thể tại cơ sở. Sau đó, đề án này phải trình UBND tỉnh xem xét theo đúng quy định. Việc chuyển giao kỹ thuật gì, cụ thể nhiệm vụ từng giai đoạn cũng được thông qua trong đề án này.
Để được chọn làm bệnh viện vệ tinh phụ thuộc rất nhiều yếu tố: Điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, trình độ nhân lực, khả năng tiếp nhận công nghệ kỹ thuật, thủ tục hành chính… theo các quy định của Bộ Y tế. Thực tế hiện nay, việc hỗ trợ của bệnh viện hạt nhân cho các tỉnh để xây dựng bệnh viện vệ tinh gặp khá nhiều khó khăn. Hiện, các bệnh viện tuyến cuối đang phải gồng gánh quá nhiều nhiệm vụ trong tình cảnh vốn thiếu, nhân lực hạn chế, khó khăn chồng chất khó khăn.
Tại Nghệ An, thực hiện theo Quyết định 774 của Bộ Y tế phê duyệt Đề án bệnh viện vệ tinh giai đoạn 2013 - 2020, trên địa bàn tỉnh có Bệnh viện Ung bướu là bệnh viện vệ tinh của Bệnh viện K Trung ương; Bệnh viện Sản - Nhi là bệnh viện vệ tinh của Bệnh viện Tim Hà Nội.
Theo Thạc sĩ Phạm Vĩnh Hùng, Phó Giám đốc Bệnh viện Ung bướu Nghệ An, sau 3 năm thực hiện Đề án bệnh viện vệ tinh, nhiều gói kỹ thuật đã được Bệnh viện K Trung ương chuyển giao như: Phẫu thuật một số bệnh ung thư vùng đầu cổ, phẫu thuật một số bệnh ung thư tiêu hóa, tiết niệu, phụ khoa, xạ trị một số bệnh ung thư vùng đầu cổ....
Bệnh viện Ung bướu cũng đã mua sắm thêm một số trang thiết bị phục vụ công tác KCB như: Máy chuyển bệnh phẩm tự động, máy siêu âm xách tay. Áp dụng nhiều tiến bộ kỹ thuật nên tình trạng bệnh nhân chuyển tuyến lên bệnh viện trung ương đã có chiều hướng giảm. Riêng năm 2015, tỉ lệ chuyển tuyến là 1,29%, còn 6 tháng đầu năm 2016 tỉ lệ chuyển tuyến là 1,72%.
Tuy nhiên, hiện nay, tại Bệnh viện Ung bướu, việc thực hiện Đề án trên đang gặp một số khó khăn.
Cụ thể, quá trình chuyển giao kỹ thuật phụ thuộc rất nhiều vào trang thiết bị, cơ sở vật chất của bệnh viện vệ tinh trong khi nguồn kinh phí từ Trung ương cấp cho Bệnh viện Ung bướu còn hạn chế.
Riêng máy hội chẩn thông tin qua mạng (giúp các bác sĩ tuyến trên có thể hướng dẫn, trao đổi với bác sĩ tuyến dưới trực tuyến), dù đã được phê duyệt trong Đề án nhưng đến nay vẫn chưa được trang bị tại Bệnh viện Ung bướu Nghệ An. Trong khi đó, kinh phí của địa phương (vốn đối ứng) lại hạn chế, gây khó khăn trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng để chuyển giao kỹ thuật. Đơn cử như Trung tâm Xạ trị tại xã Nghi Kim, TP Vinh, do giải phóng ngân sách chậm nên việc triển khai xây dựng rất chậm trễ. Vì thế, hiện nay, bệnh nhân ung thư muốn xạ trị hầu như phải ra Hà Nội chứ chưa thể thực hiện tại Nghệ An…
Trong khi đó, số lượng và chất lượng nguồn nhân lực cũng có nhiều tồn tại. Hiện nay, tại bệnh viện có 480 giường kế hoạch nhưng lên tới 750 giường thực kê. Tình trạng quá tải khiến việc chăm sóc, điều trị bệnh nhân gặp nhiều khó khăn. Mặt khác, theo ông Phạm Vĩnh Hùng, do tại các bệnh viện hạt nhân, số lượng y, bác sĩ cũng đang thiếu nên hoạt động tăng cường, hỗ trợ cho bệnh viện vệ tinh cũng chưa thể thường xuyên, liên tục.
Còn tại Bệnh viện Sản - Nhi Nghệ An, từ khi trở thành bệnh viện vệ tinh của Bệnh viện Tim Hà Nội, nhiều kỹ thuật khó đã được chuyển giao như: Phẫu thuật tim hở, các kỹ thuật can thiệp: Bít dù ống động mạch, nong hẹp van động mạch phổi, bít dù thông liên nhĩ, thông liên thất. Tuy nhiên, do phẫu thuật tim nói chung và phẫu thuật tim bẩm sinh nói riêng là loại phẫu thuật chuyên biệt, khó khăn nên dù đã được đào tạo, để hoàn chỉnh một ca mổ thông thường hay xa hơn là xử lý các tình huống khó phát sinh, các phẫu thuật viên vẫn cần sự hỗ trợ hiệu quả của các chuyên gia giàu kinh nghiệm.
Hiện, sau khi kết thúc giai đoạn 1 của Đề án, Bệnh viện Sản - Nhi chuẩn bị các cơ sở vật chất để chuyển sang giai đoạn 2 với nhiều kỹ thuật chuyên sâu hơn được chuyển giao. Bệnh viện cũng đang xây dựng kế hoạch để trở thành bệnh viện vệ tinh của Bệnh viện Phụ sản Trung ương.
Có thể thấy, mục tiêu, một số kết quả từ Đề án bệnh viện vệ tinh tại cơ sở đã rất rõ ràng. Việc chuyển giao, áp dụng các kỹ thuật hiện đại giúp người dân dễ dàng tiếp cận và thụ hưởng dịch vụ y tế cao do các chuyên gia đầu ngành của tuyến trên thực hiện tại tỉnh nhà, tạo điều kiện thuận lợi và giảm bớt chi phí cho việc đi lại, chăm sóc người thân. Tuy nhiên, theo đánh giá và ghi nhận của các bên thực hiện, chất lượng y tế tại bệnh viện tuyến dưới vẫn chưa đáp ứng nhu cầu của người bệnh trong điều trị, KCB.
Đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án trên đòi hỏi nỗ lực từ các phía, nhất là của địa phương trong giải quyết vốn đối ứng để đầu tư về cơ sở vật chất, góp phần chuyển giao, áp dụng nhiều kỹ thuật khó, chuyên biệt tại các bệnh viện tuyến dưới.
Mai Hậu