Kinh tế xã hội
Vay tiêu dùng: Cần tìm hiểu kỹ để tránh hệ lụy
(Congannghean.vn)-Trong bối cảnh nền kinh tế hội nhập và phát triển sâu rộng như hiện nay, đời sống của người dân ngày càng được nâng cao, kéo theo nhu cầu chi tiêu lớn. Xuất phát từ thực tế trên, hoạt động vay tiêu dùng dần trở nên quen thuộc với đông đảo người dân, đặc biệt là đối tượng có thu nhập từ mức thấp đến trung bình. Tuy nhiên, để tránh những hệ lụy không mong muốn, người có nhu cầu vay tiêu dùng cần nghiên cứu kỹ hợp đồng và các thông tin, điều khoản liên quan đến loại hình cho vay này.
Người dân cần cảnh giác trước hình thức vay tiêu dùng “trôi nổi” |
“Bùng nổ” cho vay tiêu dùng
Hiện nay, các khoản vay tiêu dùng được đánh giá là nguồn tài chính quan trọng, đáp ứng các nhu cầu cần thiết của người dân trong cuộc sống như: Mua nhà ở, phương tiện đi lại, đồ dùng sinh hoạt, học tập, du lịch, y tế… Các khoản cho vay tiêu dùng thường được cung ứng bởi ngân hàng và các tổ chức tín dụng phi ngân hàng, dưới các hình thức như cho vay theo lương, cho vay qua thẻ tín dụng…
Nắm bắt được thực tế trên, thời gian qua, các ngân hàng đã đẩy mạnh hoạt động cho vay tiêu dùng để tăng dư nợ, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế đang trên đà phục hồi như hiện nay.
Theo thống kê, năm 2015, thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam tiếp tục chứng kiến sự tăng trưởng mạnh nhất trong vòng 5 năm qua. Hoạt động này đang chiếm 10,4% GDP và 6,8% tổng dư nợ của nền kinh tế.
Tại Nghệ An, từ đầu năm đến nay, các ngân hàng trên địa bàn tỉnh đã giải ngân hàng nghìn tỉ đồng cho người dân vay để phục vụ nhu cầu tiêu dùng, mua sắm. So với cùng kỳ năm trước, dư nợ tăng ở mức trung bình. Xét về nhu cầu cho vay phục vụ đời sống, dư nợ cho vay đối với hầu hết các nhu cầu vốn cho vay tiêu dùng đều tăng.
Hiện, các gói kích thích vay tiêu dùng có mức lãi suất từ 6,99% đến 11% tùy thời gian vay ngắn hạn, trung hạn hay dài hạn. Nhằm tăng tính hấp dẫn cho loại hình vay vốn này, các ngân hàng “tung” ra các gói tín dụng ưu đãi về lãi suất cho người vay vốn.
Cần thận trọng
Hoạt động vay tiêu dùng mang lại lợi ích thiết thực là vậy; song trên thực tế, do thói quen của một bộ phận người dân không tìm hiểu kỹ các thông tin về bên cho vay trước khi ký hợp đồng, cộng với việc không nghiên cứu kỹ các điều khoản trong hợp đồng vay vốn nên loại hình này đã phát sinh một số hệ lụy không mong muốn.
Cụ thể, trong quá trình người vay thực hiện việc trả góp hàng tháng, vì nhiều lý do, họ không thanh toán đúng hạn theo quy định, dẫn đến số tiền phải trả hàng tháng tăng lên do phải nộp thêm khoản phí phạt trả chậm.
Cũng liên quan đến hoạt động cho vay tiêu dùng, thời gian qua, tại nhiều thành phố trên cả nước nói chung và TP Vinh nói riêng, không khó để bắt gặp nhiều tờ rơi được dán trên các cột điện, bảng tin khu vực chờ xe buýt… có nội dung cho vay với thủ tục đơn giản và không cần thế chấp của các công ty cho vay tiêu dùng bên ngoài.
Hình thức cho vay này thường áp dụng trong thời gian ngắn hạn, tuy nhiên có nhiều người sau khi vay xong thì không có khả năng trả nợ vì tình trạng lãi mẹ đẻ lãi con, với mức lãi suất “cắt cổ”. Hệ lụy của thực trạng trên là nhiều vụ vỡ nợ lớn với thiệt hại lên tới hàng tỉ đồng.
Từ những sự việc trên cho thấy, Ngân hàng Nhà nước là tổ chức tín dụng uy tín, an toàn hơn so với các công ty cho vay tiêu dùng bên ngoài. Với số lượng tổ chức tín dụng tham gia cho vay tiêu dùng ngày càng tăng, các ngân hàng sẽ phải cạnh tranh mạnh mẽ để cung cấp các sản phẩm tín dụng có lãi suất thấp hơn và có nhiều ưu đãi, kết nối khép kín chu trình sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng. Qua đó, người tiêu dùng có thể tiếp cận được khoản vay rẻ hơn, với nhiều ưu đãi hơn.
Hồng Hạnh