Kinh tế xã hội
'Cứu cánh' cho doanh nghiệp
(Congannghean.vn)-Thời gian qua, cả nước nói chung và địa bàn tỉnh nói riêng, tình trạng nhiều doanh nghiệp (DN) nợ thuế với số tiền lớn trở thành vấn đề nan giải. Trước thực trạng trên, mới đây, Bộ Tài chính đã đề nghị xóa gần 8.000 tỉ đồng tiền nợ thuế, tiền phạt chậm nộp và khoanh nợ thuế hơn 6.700 tỉ đồng cho các DN.
Theo đánh giá, khi được áp dụng, động thái này sẽ giúp DN trên cả nước nói chung và Nghệ An nói riêng từng bước tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; từ đó tạo động lực thúc đẩy sự phát triển nhanh và bền vững.
Việc xóa nợ, khoanh nợ theo quy định giúp DN từng bước ổn định, phát triển sản xuất - kinh doanh |
Rà soát kỹ DN được xóa nợ, khoanh nợ
Theo thống kê, 7 tháng đầu năm, cả nước có gần 42.630 DN tạm ngừng hoạt động kinh doanh và hoàn tất thủ tục phá sản trên tổng số 64.000 DN thành lập mới. Mặc dù trong 7 tháng qua có 16.700 DN hoạt động trở lại, nhưng theo tính toán, mỗi ngày, cả nước có 200 DN tạm ngừng hoạt động. Một trong những nguyên nhân chính khiến nhiều DN phải tạm ngừng hoạt động là do tình hình sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn, trong đó nhiều DN giải thể vẫn còn nợ thuế với số tiền lớn.
Tại Nghệ An, tính đến đầu tháng 8/2016, có 15.200 DN đăng ký hoạt động. DN trên địa bàn tỉnh phát triển đa dạng trên các lĩnh vực, chiếm tỉ trọng lớn nhất là lĩnh vực thương mại - dịch vụ (32,19%), xây dựng (24%), công nghiệp khai thác - chế biến (12,64%), còn lại là các ngành nghề khác. Tuy nhiên, đến khoảng giữa tháng 7/2016, nợ thuế vẫn còn ở mức khá cao, khoảng 900 tỉ đồng.
Trên thực tế, có nhiều DN nợ thuế xuất phát từ nhiều nguyên nhân khách quan. Đó là các DN vừa và nhỏ, được biết đến với vai trò là nhà thầu phụ trong quá trình thi công các công trình, dự án vốn Nhà nước. Tuy nhiên, sau khi công trình hoàn thành, do ngân sách Nhà nước thanh toán chậm dẫn đến DN không có tiền để thực hiện nghĩa vụ thuế, từ đó phát sinh vấn đề nộp tiền phạt. Như vậy, nếu chiếu theo đề nghị của Bộ Tài chính, các DN thuộc diện như trên sẽ được xóa nợ.
Đối tượng thứ hai được xem xét xóa hoặc khoanh nợ (hình thức "hoãn" các khoản dư nợ còn lại của đối tượng đi vay, đến một thời điểm nào đó trong tương lai sẽ tiếp tục trả nợ như thỏa thuận cũ trong hợp đồng cho vay) là các đơn vị đã bị phá sản, giải thể do điều kiện kinh tế khó khăn, gặp rủi ro, hoàn toàn không còn khả năng trả nợ.
Đảm bảo sự bình đẳng, minh bạch
Thực tế thực hiện công tác xử lý nợ thuế trong thời gian qua trên địa bàn tỉnh cho thấy, những quy định của pháp luật về xóa nợ thuế đối với các trường hợp nêu trên chưa bao quát hết thực trạng kinh doanh, chưa xử lý dứt điểm tồn tại về nợ thuế không thể thu hồi; nhất là trong giai đoạn kinh tế có nhiều biến động bất lợi từ ngày 31/12/2013 trở về trước.
Theo đại diện một số DN, đề xuất của Bộ Tài chính là đúng đắn, cần thiết, đặc biệt là trong bối cảnh nền kinh tế có dấu hiệu “chững” lại trong những năm gần đây, dẫn đến việc DN phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, làm suy giảm khả năng trả nợ thuế. Để đảm bảo tính công khai, minh bạch, việc xóa nợ, khoanh nợ sẽ có sự bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, đồng thời phù hợp với thông lệ quốc tế và các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã ký kết và tham gia.
Như vậy, có thể khẳng định, việc xóa hoặc khoanh nợ cho các đối tượng DN mà Bộ Tài chính nêu ra trong đề nghị khi được thông qua sẽ thực sự tạo ra động lực lớn, giúp các DN từng bước vượt qua khó khăn trước mắt để có thể tiếp tục tham gia sản xuất, kinh doanh, từ đó có đóng góp nhất định vào nguồn thu thuế và giải quyết việc làm cho người lao động.
Hồng Hạnh