Kinh tế xã hội

Đẩy nhanh việc kiện toàn Ban chỉ đạo hội nhập kinh tế quốc tế

15:55, 27/08/2016 (GMT+7)

Tại phiên họp Ban chỉ đạo hội nhập quốc tế về kinh tế, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng việc nhanh chóng kiện toàn thành viên Ban chỉ đạo và xây dựng đội ngũ chuyên gia tư vấn có ý nghĩa quan trọng đối với việc rà soát, kiến nghị hoàn thiện các văn bản pháp luật, bảo đảm phù hợp với các quy định của các thị trường thương mại tự do mà Việt Nam tham gia.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu nhanh chóng kiện toàn thành viên Ban chỉ đạo hội nhập kinh tế quốc tế.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu nhanh chóng kiện toàn thành viên Ban chỉ đạo hội nhập kinh tế quốc tế.

Như tin đã đưa, phiên họp này diễn ra chiều 26/8 tại Trụ sở Bộ Công Thương - cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo - nhằm đánh giá công tác hội nhập kinh tế trong thời gian qua, định hướng triển khai các nhiệm vụ trong thời gian tới.

Tại phiên họp, các thành viên Ban chỉ đạo tập trung đánh giá lại các kết quả thực hiện và ký kết các hiệp định thương mại tự do (FTA) trong thời gian qua và việc kiện toàn bộ máy của Ban chỉ đạo để đáp ứng được công việc trong thời gian tới, đặc biệt là khi các FTA lớn như TPP, Việt Nam-EU đi vào thực hiện.

Theo đó, lãnh đạo các bộ, ngành khẳng định cần thiết phải duy trì cơ chế Ban chỉ đạo để thực hiện nhiệm vụ rà soát hệ thống văn bản pháp luật của Việt Nam phù hợp với các cam kết về thương mại, chính trị, tài chính, sở hữu trí tuệ… trong các FTA.

Kết luận phiên họp, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo hội nhập quốc tế về kinh tế cho rằng Chính phủ, các bộ, ngành đã tích cực và chủ động hội nhập quốc tế, trong đó hội nhập quốc tế về kinh tế là trọng tâm, theo đúng tinh thần của Nghị quyết số 22/NQ-TW ngày 10/4/2013 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế.

“Năm 2015, chúng ta đã gặt hái được rất nhiều FTA quan trọng. Tất cả đối tác kinh tế lớn thì Việt Nam đều có quan hệ quan hệ thương mại như toàn bộ khối G7, hầu hết các nền kinh tế trong G20 và các đối tác chiến lược lớn của Việt Nam”, Phó Thủ tướng nhận xét và cho biết qua đàm phán, lợi ích cốt lõi của Việt Nam đều đạt được theo đúng chỉ đạo của Trung ương và Chính phủ.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng do tính chất của việc tham gia vào các FTA thế hệ mới nên đòi hỏi cơ quan điều phối, tổ chức thực hiện phải liên ngành từ trung ương tới địa phương và một cơ quan giúp việc chuyên trách, trực thuộc Bộ Công Thương. Do đó, lãnh đạo Chính phủ yêu cầu Thường trực Ban chỉ đạo phối hợp với Văn phòng Chính phủ trình Thủ tướng Chính phủ phương án kiện toàn Ban chỉ đạo về nhiệm vụ, chức năng và phân công nhiệm vụ cho văn phòng Ban chỉ đạo trong tháng 9 tới.

Bên cạnh đó, văn phòng Ban chỉ đạo phối hợp với các cơ quan của Văn phòng Chính phủ tập hợp nhóm các chuyên gia tư vấn về hội nhập kinh tế quốc tế, ưu tiên các thành viên tham gia đoàn đàm phán để phối hợp với các thành viên Ban chỉ đạo tiếp tục hỗ trợ, tư vấn cho các bộ, ngành, địa phương việc hoàn thiện pháp luật, báo cáo Trưởng Ban chỉ đạo quyết định.

Theo đó, Tổng Thư ký và văn phòng Ban chỉ  đạo tham mưu, đề xuất cho Trưởng Ban, Thủ tướng Chính phủ việc theo dõi tiến độ phê chuẩn TPP và FTA Việt Nam-EU và kiến nghị cấp thẩm quyền phê chuẩn các hiệp định này vào thời gian phù hợp.

Ngoài ra, Ban chỉ đạo, tổ tư vấn tiếp tục đánh giá tổng quan về việc Việt Nam tham gia về các FTA, trong đó điểm lại cam kết các nhóm, việc chuẩn bị của Việt Nam đến đâu và thích ứng của bộ, ngành, doanh nghiệp, ngành hàng sản phẩm để vượt qua thách thức. Xem xét việc Việt Nam đang gia tăng nhập khẩu hàng hóa của các nước ASEAN là nhất thời hay là xu hướng và phải có lý giải, đề xuất giải pháp tháo gỡ.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng đề nghị Văn phòng Ban chỉ đạo có báo cáo về việc rà soát hoàn thiện văn bản pháp luật của các bộ, ngành như một báo cáo độc lập với báo cáo của Bộ Tư pháp để có lộ trình sửa đổi, lấp đầy lỗ hổng pháp luật trong thực thi các cam kết. Phó Thủ tướng cho rằng đây là nhiệm vụ rất quan trọng, đặt lên trên nhiệm vụ hỗ trợ doanh nghiệp thích ứng với các FTA để từ đó khuyến cáo doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, các bộ, ngành, địa phương cần chuẩn bị những gì để tận dụng cơ hội về tự do thương mại mang lại.

Đối với việc xác định các đối tác cần đàm phán FTA trong thời gian tới, Trưởng Ban chỉ đạo lưu ý đánh giá khả năng ký kết với Israel khi quốc gia này có kim ngạch xuất nhập khẩu với Việt Nam tăng nhanh lên 2 tỷ USD trong năm ngoái, có cơ cấu kinh tế hỗ trợ, không cạnh tranh với Việt Nam.

Phó Thủ tướng cũng chỉ đạo văn phòng Ban chỉ đạo đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về các FTA, có tính tương tác với người dân và doanh nghiệp; biên soạn cẩm nang tích hợp các nội dung hiệp định theo chuyên đề…

Nguồn: Chinhphu.vn

Các tin khác