Kinh tế xã hội

Doanh nghiệp vận tải khó khăn vì thuế, phí

15:14, 15/09/2016 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Với việc quy định mức doanh thu tối thiểu để tính thuế năm sau cao hơn năm trước, cùng với đó, Cục Thuế Nghệ An ban hành Công văn số 727 ngày 22/5/2014 về việc quản lý đối với hoạt động kinh doanh vận tải theo hình thức khoán thuế khi chưa thực hiện khảo sát tình hình và thực trạng kinh doanh tại các doanh nghiệp để xây dựng định mức doanh thu tối thiểu đã khiến không ít đơn vị kinh doanh vận tải “méo mặt” vì các khoản thuế, phí.

Chật vật với chính sách thuế khoán

Ngày 8/4/2014, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Quyết định số 1405/QĐ-UBND, bãi bỏ Quyết định số 41/2012/QĐ-UBND ngày 15/6/2012 của UBND tỉnh ban hành quy định về doanh thu tối thiểu và tỉ lệ phần trăm (%) chi phí tiêu hao nhiên liệu tối đa so với doanh thu của từng loại xe ôtô, máy thi công để làm cơ sở xác định số thuế phải nộp. Trên cơ sở đó, ngày 22/5/2014, Cục Thuế Nghệ An có Công văn số 727 về việc quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh vận tải.

Việc áp mức thuế khoán như hiện nay khiến nhiều doanh nghiệp vận tải lao đao
Việc áp mức thuế khoán như hiện nay khiến nhiều doanh nghiệp vận tải lao đao

Theo nội dung công văn, để đảm bảo công tác quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh vận tải được thống nhất trên địa bàn toàn tỉnh, đồng thời phù hợp với tình hình kinh doanh tại các địa bàn, Cục Thuế Nghệ An đã hạn định mức doanh thu tối thiểu để tính thuế đối với hộ, cá nhân kinh doanh vận tải, xã viên hợp tác xã là chủ phương tiện tự kinh doanh vận tải nộp thuế  theo phương pháp khoán trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

Riêng các doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải nộp thuế theo kê khai không phân biệt vùng.

Cụ thể, mức thuế được chia làm 3 khu vực, bao gồm vùng đồng bằng ven biển, vùng trung du và vùng núi cao, mức chênh lệch là không đáng kể. Đối với dịch vụ vận tải hành khách từ 4 - 9 chỗ ngồi (hoạt động taxi), mức thuế được áp giá là 30 triệu đồng/tháng đối với đồng bằng ven biển, 23 triệu đồng/tháng với vùng trung du và 18 triệu đồng/tháng với vùng núi cao. Theo đại diện các hãng taxi, hiện nay, việc khoán tài xế phải thu nhập được 1 triệu đồng mỗi ngày gần như là điều không thể.

Anh Thành, một tài xế có thâm niên của hãng taxi Mai Linh cho biết, trừ khi gặp khách đi đường xa trên 50 km, còn lại cần mẫn chạy từ sáng đến khuya trong thành phố cũng chỉ kiếm được khoảng từ 500.000 - 700.000 đồng đã là thu nhập “khủng” của tài xế taxi, trong bối cảnh nhiều hãng cạnh tranh và nhất là xe buýt phát triển rầm rộ như hiện nay.

Cũng không riêng gì taxi, với việc áp mức thuế ngất ngưởng đối với các dịch vụ vận tải khác như hiện nay đã đẩy nhiều doanh nghiệp vận tải vào “thế khó”. Bởi ngoài thuế thu nhập, doanh nghiệp còn phải “cõng” một loạt các loại thuế, phí khác như thu nhập cá nhân, môn bài, phí cầu, đường… Thực trạng đó đã buộc ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Nghệ An ngày 20/8/2016 phải ký công văn “cầu cứu” gửi HĐND, UBND tỉnh Nghệ An.

Liệu đã khách quan?

Theo trình bày của Hiệp hội, hiện nay các hội viên Hiệp hội là đơn vị kinh doanh vận tải bằng ôtô đang phải gánh quá nhiều loại thuế, phí, trong đó quy định mức doanh thu tối thiểu để tính thuế tại Công văn 727 về quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh vận tải là quá cao so với doanh thu thực, chưa sát với tình hình và thực trạng kinh doanh tại các doanh nghiệp.

Hiệp hội Vận tải ôtô Nghệ An đã nhiều lần có văn bản kiến nghị Cục Thuế Nghệ An tổ chức thực hiện khảo sát thực trạng kinh doanh tại các doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải khách trên địa bàn, có sự tham gia của Hiệp hội để có cơ sở xây dựng định mức doanh thu tối thiểu, sát với thực tế, làm căn cứ nộp thuế cho phù hợp, song vẫn không được đáp ứng, trả lời.

Trao đổi với phóng viên, đại diện ngành thuế cho rằng, việc xác định các hộ cá nhân, tập thể kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán thuế trên địa bàn tỉnh Nghệ An được thực hiện trên cơ sở kết quả điều tra khảo sát của các Chi cục Thuế, ý kiến tham vấn của Hội đồng tư vấn thuế các xã, phường, thị trấn; kết quả kê khai của một số doanh nghiệp kinh doanh vận tải hạch toán đầy đủ; tiếp thu ý kiến của Sở Giao thông Vận tải, hướng dẫn các Phòng, các Chi cục Thuế việc quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh vận tải.

Một giám đốc điều hành hợp tác xã vận tải (xin được giấu tên) cho rằng, doanh nghiệp của mình đã có thâm niên hàng chục năm kinh doanh vận tải chở khách, hoạt động từ Hà Nội đến Thanh Hóa, vào tận Quảng Bình nhưng việc kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán thuế chỉ có duy nhất tại tỉnh Nghệ An.

Luật sư Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng Chi nhánh Công ty Luật TNHH Đại Thành (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) tại Nghệ An cho biết: Cơ quan thuế xác định số thuế phải nộp theo phương pháp khoán thuế, được áp dụng đối với các trường hợp hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ chế độ kế toán, hoá đơn, chứng từ; hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh không có đăng ký kinh doanh, không đăng ký thuế hoặc cơ quan thuế căn cứ vào tài liệu kê khai của hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh, cơ sở dữ liệu của cơ quan thuế, ý kiến của hội đồng tư vấn thuế xã, phường, thị trấn để xác định mức thuế khoán.

Thiên Thảo

Các tin khác