Kinh tế xã hội

Miền Tây Nghệ An

Đã chuyển mình nhưng vẫn còn nhiều thách thức

08:43, 15/09/2016 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Ngày 4/12/2013, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 2355/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án phát triển kinh tế - xã hội miền Tây tỉnh Nghệ An đến năm 2020. Đây là Đề án quan trọng trong việc phát huy tiềm năng, lợi thế của các địa phương khu vực miền Tây Nghệ An nhằm góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, từng bước nâng cao đời sống của người dân.

Sau 3 năm thực hiện, miền Tây Nghệ An đã có nhiều khởi sắc trên các lĩnh vực kinh tế - văn hoá - xã hội… Tuy nhiên, trong thời gian tới, để thực hiện thành công các mục tiêu mà Đề án đề ra thì vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức.

 Nông dân áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp
Nông dân áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp

Động lực thúc đẩy miền Tây

Theo thống kê, hiện nay, khu vực miền Tây Nghệ An chiếm 83,15% tổng diện tích tự nhiên và 36,93% dân số toàn tỉnh. Bên cạnh đó, với đặc thù địa hình trải rộng, có 419 km biên giới trên đất liền tiếp giáp với 3 tỉnh của nước CHDCND Lào là Bô-ly-khăm-xay, Xiêng Khoảng và Hủa Phăn, miền Tây Nghệ An trở thành địa bàn quan trọng về kinh tế - xã hội và Quốc phòng - An ninh không chỉ của tỉnh nhà mà còn cả vùng Bắc Trung Bộ và cả nước. Chính vì vậy, việc xây dựng miền Tây Nghệ An phát triển toàn diện về mọi mặt là nhiệm vụ quan trọng đối với các cấp, ngành trong bối cảnh hiện nay.

Ngoài ra, miền Tây Nghệ An còn được đánh giá là nơi có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng về chủng loại, nhất là khoáng sản phục vụ sản xuất vật liệu xây dựng.

Cụ thể, trữ lượng đá vôi làm xi măng có gần 4 tỉ tấn, đá vôi trắng hơn 900 triệu tấn, đất sét làm nguyên liệu xi măng hơn 1,2 tỉ tấn, đất sét làm gốm sứ cao cấp 5 triệu m3, đá xây dựng hơn 500 triệu m3, đá bazan 260 triệu m3, đá ốp lát Granit phục vụ các công trình xây dựng khoảng 150 triệu m3, Mable 300 triệu m3... Trữ lượng các loại khoáng sản nói trên tập trung chủ yếu ở các huyện như Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn, Tân Kỳ, Con Cuông, Tương Dương.

Đó là chưa kể một số địa phương có trữ lượng lớn khoáng sản có giá trị kinh tế cao như vàng sa khoáng và đá quý (Quế Phong, Quỳ Châu, Nghĩa Đàn, Tương Dương, Con Cuông), đá trắng, quặng, thiếc (Quỳ Hợp)…

Với số liệu trên có thể khẳng định, miền Tây Nghệ An có nhiều tiềm năng để phát triển ngành công nghiệp khai khoáng, phục vụ nguyên liệu dồi dào cho các ngành nghề phụ trợ.

Tại Quyết định số 2355/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án phát triển kinh tế - xã hội miền Tây tỉnh Nghệ An đến năm 2020 cũng đã đưa ra quan điểm rất cụ thể. Đó là, tập trung khai thác có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế về tài nguyên khoáng sản, đất đai khu vực miền Tây tỉnh Nghệ An nhằm thu hút đầu tư, tạo đột phá để phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững.

Ngoài ra, công tác đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, hình thành các vùng sản xuất cây nguyên liệu, chăn nuôi tập trung quy mô lớn gắn với phát triển công nghiệp chế biến để góp phần tăng nhanh tỉ trọng công nghiệp, giải quyết việc làm và phân công lại lao động trên địa bàn.

Nhiều thách thức cần tháo gỡ

Sau khi Đề án phát triển kinh tế - xã hội miền Tây được phê duyệt, Nghệ An đã dồn sức, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc nhằm từng bước thay đổi diện mạo của địa phương. Qua đó, hệ thống cơ sở hạ tầng như điện - đường - trường - trạm… đã được đầu tư, nâng cấp và mở rộng.

Tại các huyện miền núi, hệ thống giao thông đã vào đến tận bản, làng, cơ cấu kinh tế được chuyển dịch mạnh mẽ, đời sống văn hoá của người dân được nâng lên rõ rệt. Nhiều trục tăng trưởng kinh tế vùng, miền bắt đầu phát huy hiệu quả, tạo điều kiện cho các ngành nghề khác phát triển.

Đời sống văn hoá - xã hội của miền Tây xứ Nghệ đã có nhiều khởi sắc
Đời sống văn hoá - xã hội của miền Tây xứ Nghệ đã có nhiều khởi sắc

Trong quá trình thực hiện Đề án, UBND tỉnh đã kịp thời chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương phải bám sát mục tiêu, chương trình đã đề ra. Bên cạnh đó, công tác nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân tại các địa phương thực hiện Đề án cũng được triển khai rộng rãi, đi vào thực tiễn.

Nhờ đó, sau 3 năm thực hiện Đề án, đến nay, miền Tây Nghệ An đã đạt và hoàn thành 15/31 chương trình đề ra. Một số lĩnh vực có mức tăng trưởng, đạt hiệu quả khả quan như quy hoạch, phát triển vùng cây, con tạo vùng nguyên liệu phục vụ chế biến xuất khẩu của vùng, hệ thống giao thông, thuỷ lợi, cơ sở hạ tầng… bước đầu đã được xây dựng.

Theo thống kê, tốc độ tăng trưởng bình quân của miền Tây Nghệ An giai đoạn 2013 - 2015 đạt 8,04%, cao hơn mức tăng trưởng bình quân của cả tỉnh. Bên cạnh đó, nhiều lĩnh vực như công nghiệp - xây dựng - dịch vụ, sản xuất nông nghiệp đều có mức tăng trưởng khá.

Theo ông Vi Lưu Bình, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong quá trình thực hiện Đề án, tỉnh đã thường xuyên có các văn bản chỉ đạo cơ sở thực hiện các mục tiêu đề ra một cách hiệu quả. Vì vậy, sau 3 năm triển khai, miền Tây Nghệ An đã có nhiều khởi sắc, nhất là về nông nghiệp. Đây cũng là tiềm năng và lợi thế của vùng nên trong quá trình quy hoạch, Sở NN&PTNT cũng đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.

Tuy nhiên, để miền Tây xứ Nghệ thực sự phát huy hiệu quả tiềm năng sẵn có thì vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ. Đơn cử, trong quá trình xây dựng nông thôn mới, nhiều tiêu chí tại các xã vùng cao khó đạt nếu áp dụng vào thực tiễn. Ngoài ra, điều kiện về con người, nguồn nhân lực, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất chăn nuôi… hiện nay còn nhiều hạn chế, đặt ra nhiều thách thức trong thời gian tới.

Ngày 7/9/2016, tại buổi làm việc với các sở, ban, ngành và địa phương về nội dung nhìn lại 3 năm thực hiện Đề án phát triển miền Tây Nghệ An, đồng chí Lê Minh Thông, Uỷ viên BTV Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá cao công tác triển khai trong thời gian qua; đồng thời yêu cầu các sở, ban, ngành địa phương khẩn trương khắc phục, tháo gỡ khó khăn trong quá trình thực hiện các chương trình mục tiêu đã được phê duyệt.

Mặt khác, công tác kiểm tra, giám sát các địa phương trong quá trình triển khai cần phải có lộ trình, kế hoạch cụ thể để từ nay đến năm 2020 sẽ đạt được tỉ trọng các ngành nông - lâm - thủy sản, công nghiệp - xây dựng - dịch vụ chiếm 24% - 37% - 39% và 30% số xã đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2020. Tuy nhiên, để làm được điều đó đòi hỏi sự vào cuộc tích cực của các cấp, ngành, địa phương và toàn thể nhân dân.

Ngọc Thái - Phương Thuỷ

Các tin khác