(Congannghean.vn)-Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành tình cảm sâu nặng với quê hương. Bao nhiêu năm bôn ba nơi xứ người, những tháng ngày bộn bề với việc nước, việc dân, Người vẫn luôn hướng về “nơi chôn rau cắt rốn” và mong quê hương, đồng bào yên ấm, phát triển. Sự quan tâm đó được thể hiện sâu sắc qua hai bức thư mà Người gửi về cho Đảng bộ, đồng bào xứ Nghệ. Những chia sẻ và mong muốn của Người đã trở thành “kim chỉ nam”, động lực để các thế hệ CBCS, nhân dân Nghệ An không ngừng nỗ lực, phấn đấu, góp phần xây dựng quê hương, đất nước.
Nhân dân huyện Nam Đàn vui mừng đón Bác về thăm quê năm 1957 (Ảnh tư liệu) |
Chủ tịch Hồ Chí Minh sinh ra ở một vùng quê giàu truyền thống văn hiến và nồng nàn tình yêu nước. Truyền thống đó đã ảnh hưởng sâu sắc đến thời thơ ấu của Bác, góp phần hình thành nhân cách, tư tưởng của Người. Dù bôn ba khắp các châu lục, đặt chân đến nhiều quốc gia nhưng Người vẫn giữ chất giọng quê hương nằng nặng, trầm ấm, vang vọng; sử dụng rộng rãi, linh hoạt các thể loại văn học truyền thống, các hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian như tập Kiều, lẩy Kiều; yêu quý, giữ gìn làn điệu ví, giặm thân thương…
Ngày 17/9/1945, sau khi đọc bản Tuyên ngôn độc lập, Bác đã lấy danh nghĩa của một người đồng chí già viết thư “để san sẻ ít nhiều kinh nghiệm với các đồng chí tỉnh nhà”. Ngay những ngày đầu dựng nước, cả nước ta đứng trước những thử thách cực kỳ nghiêm trọng, vận mệnh của dân tộc như “ngàn cân treo sợi tóc”.
Xác định những khó khăn, Bác Hồ còn chỉ rõ: “Chúng ta phải thừa nhận rằng kinh nghiệm chúng ta còn ít, tài năng chúng ta thì kém, mà công việc thì nhiều: nào quân sự, nào ngoại giao, nào tài chính... trăm đầu, nghìn mối, đều những việc mới lạ cho chúng ta”. Trong thư, Người tiếp tục làm sâu sắc thêm quan điểm, tư tưởng về mối quan hệ giữa những người làm việc trong bộ máy chính quyền mới với nhân dân, nghĩa vụ của chính quyền đối với nhân dân: “Các cơ quan của Chính phủ, từ toàn quốc đến các làng đều là công bộc của dân, nghĩa là để gánh vác chung cho dân chứ không phải đè đầu dân... Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh...”.
24 năm sau, ngày 21/7/1969, khi đất nước đang bước vào giai đoạn ác liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ, dù bận trăm công nghìn việc, sức khỏe yếu đi nhiều nhưng Bác vẫn viết thư thăm hỏi, động viên Đảng bộ và đồng bào quê hương. Trong thư, Bác khen ngợi những thành tích chiếu đấu và phục vụ chiếu đấu tốt của các đơn vị, một số tiến bộ trong sản xuất nông nghiệp; công nghiệp và đời sống nhân dân nói chung ổn định, nhưng phải cố gắng nhiều vì kinh tế Nghệ An tiến còn chậm; đồng thời, các ngành trong tỉnh đã bước đầu sửa chữa tệ quan liêu, mệnh lệnh, cố gắng đi sát nhân dân để tổ chức vận động nhân dân thực hiện các chính sách của Đảng và Nhà nước.
Một lần nữa, Người lại nhấn mạnh tầm quan trọng đặc biệt của việc xây dựng mối quan hệ máu thịt giữa Đảng và nhân dân, nâng cao sức chiến đấu của Đảng, gắn với việc bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, đảng viên nhằm phấn đấu để thực sự trở thành người lãnh đạo, người đầy tớ thật trung thành của nhân dân.
Để đạt được mục tiêu đó, Bác Hồ đã xác định những việc mà Đảng bộ phải làm: Thực hiện dân chủ; khôi phục và phát triển kinh tế; giữ vững tư thế sẵn sàng chiến đấu, giữ vững công tác phòng không công tác…
Những lời căn dặn của Bác, tuy ngắn gọn nhưng hết sức sâu sắc, không những đối với Đảng bộ trên quê Bác trong giai đoạn, thời kỳ cụ thể, mà còn là những chỉ dẫn quý báu, gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chiến lược của mọi thời kỳ cách mạng ở nước ta.
Trong suốt thời gian qua, khắc ghi lời Bác dạy, Đảng bộ Nghệ An luôn đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng và xây dựng mối quan hệ gắn bó giữa Đảng và nhân dân, chú trọng công tác bồi dưỡng đào tạo cán bộ, rèn giũa đảng viên. Các mặt hoạt động sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, chăm lo đời sống nhân dân, nhất là các đối tượng người có công được thực hiện thường xuyên, liên tục.
47 năm qua, đất nước nói chung và Nghệ An nói riêng đã đổi mới toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Năm 2015, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, lần đầu tiên, tổng thu ngân sách của Nghệ An đạt xấp xỉ 1.000 tỉ đồng, công tác thu hút dự án đầu tư, nhất là dự án FDI đã có sự chuyển biến mạnh mẽ. Về nông nghiệp, từ một tỉnh thiếu ăn, phải nhập khẩu lúa, Nghệ An trở thành tỉnh có sản lượng lương thực có hạt đạt 1,2 triệu tấn/năm.
Đất nước đã bước qua những ngày tháng chiến tranh, tuy nhiên, nhiệm vụ đảm bảo Quốc phòng - An ninh vẫn còn rất nặng nề. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp. Nhận thức rõ điều đó, những năm qua, lực lượng vũ trang tỉnh Nghệ An đã quán triệt sâu sắc quan điểm, đường lối của Đảng, phát huy vai trò nòng cốt cùng với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh; thực hiện tốt công tác quân sự, quốc phòng địa phương, góp phần xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Nhiệm vụ phát triển kinh tế gắn liền với đảm bảo Quốc phòng - An ninh luôn được Đảng bộ và các cấp chính quyền thực hiện xuyên suốt trong suốt thời gian qua.