Kinh tế xã hội
Yên Thành: Kênh tiêu nước Vách Bắc bị xâm lấn nghiêm trọng
(Congannghean.vn)-Từ 198 lô đất dọc theo kênh Vách Bắc được UBND xã Đô Thành bán cho người dân (giai đoạn 1988 - 1995), đến nay, qua quá trình sang nhượng, chia tách đã phát sinh thành 220 lô đất. Hiện có 198 ngôi nhà kiên cố mọc lên trong lòng kênh, ảnh hưởng không nhỏ đến công tác quản lý và tiêu thoát nước. Tuy nhiên, qua nhiều năm, chính quyền các cấp từ xã đến tỉnh vẫn chưa tìm ra lời giải cho “bài toán” hóc búa này.
Kênh Vách Bắc “kêu cứu”
Theo tìm hiểu, kênh tiêu Vách Bắc được xây dựng từ năm 1976, có độ dài 15 km để tiêu thoát nước cho 13 xã của huyện Yên Thành và vùng phụ cận. Thế nhưng, chỉ ít năm sau khi kênh được xây dựng, chính quyền xã Đô Thành đã tự ý cho các hộ dân nhận đấu thầu vô thời hạn, thu tiền một lần.
Mái tôn được dựng lên chưa lâu trên kênh Vách Bắc (Ảnh chụp ngày 19/5/2016) |
Phiếu thu và giấy tờ liên quan đều ghi nội dung đất đấu thầu, ốt quán kinh doanh… nhưng dường như người mua, kẻ bán đều ngầm định với nhau đó là đất ở lâu dài. Vì thế, đã có hàng trăm công trình trái phép được dựng lên trên hành lang, lòng kênh Vách Bắc.
Theo hồ sơ còn lưu lại tại Xí nghiệp đầu mối thuộc Công ty TNHH MTV Thủy lợi Bắc Nghệ An, từ năm 1992, Công ty này đã có văn bản gửi UBND xã Đô Thành và UBND huyện Yên Thành phản ứng việc các hộ dân xây dựng công trình trái phép trên hành lang và trong lòng kênh Vách Bắc.
Từ đó đến nay, giữa người vi phạm, UBND xã Đô Thành, UBND huyện Yên Thành, Công ty TNHH MTV Thủy lợi Bắc Nghệ An và UBND tỉnh Nghệ An đã có hàng trăm buổi làm việc nhưng những ngôi nhà kiên cố, khang trang vẫn tiếp tục mọc lên.
Ngày 19/5, phóng viên có chuyến khảo sát thực tế dọc theo kênh Vách Bắc để mục sở thị hoạt động xây dựng trái phép trên hành lang, lòng kênh của người dân. Theo quan sát, tại vị trí gần sát biển chỉ dẫn đường về Thọ Thành, Đức Thành có một mái tôn vừa được dựng lên trên kênh Vách Bắc, diện tích ước chừng trên 150 m2.
Tại vị trí khác, chúng tôi bắt gặp hình ảnh những chiếc xe tải đang đổ đất, xe lu, máy xúc san ủi mặt bằng… Đặc biệt, có một căn nhà đang xây dựng phần móng ngay sát chân cầu vào UBND xã.
Tìm hiểu sâu hơn, chúng tôi được biết, một số cán bộ xã Đô Thành qua các thời kỳ và cán bộ hiện đang đương chức cũng sở hữu những ngôi nhà xây dựng trái phép trong hành lang bảo vệ kênh Vách Bắc.
Theo thống kê của Xí nghiệp Thủy lợi đầu mối thuộc Công ty TNHH MTV Thủy lợi Bắc Nghệ An, năm 2015, đơn vị này đã phát hiện, lập biên bản đình chỉ 37 trường hợp lấn chiếm, san nền, xây công trình trái phép trên lòng kênh, mái kênh Vách Bắc.
Trong 3 tháng đầu năm 2016 phát hiện 9 vụ vi phạm, chủ yếu là đổ đất, cơi nới nhà, xây nhà trái phép trong lòng kênh Vách Bắc. Trong năm 2015, hệ thống kênh tưới thuộc quyền quản lý của Xí nghiệp cũng có 10 trường hợp vi phạm như lấn chiếm hành lang xây bờ rào, chôn cọc bê tông. Tuy nhiên, số vụ vi phạm dường như vẫn chưa dừng lại.
Loay hoay tìm cách giải quyết
Trao đổi với phóng viên, cán bộ Xí nghiệp thủy lợi đầu mối thuộc Công ty TNHH MTV Thủy lợi Bắc Nghệ An cho biết, việc phát hiện, xử lý các công trình xây dựng trong hành lang bảo vệ kênh Vách Bắc là việc làm như cơm bữa. Theo quy trình, khi cán bộ Xí nghiệp phát hiện công trình xây dựng trái phép sẽ báo cáo với Công ty và phối hợp với chính quyền địa phương (xã, huyện) cùng giải quyết.
Tuy nhiên, việc xử lý chưa đem lại hiệu quả. Bằng chứng là, hồ sơ lưu trữ biên bản các vụ vi phạm dày lên theo thời gian nhưng người dân vẫn tiếp tục xây dựng các công trình trái phép trong hành lang bảo vệ kênh. Trong khi đó, thẩm quyền của Công ty chỉ dừng lại ở mức yêu cầu đình chỉ công trình vi phạm chứ không có chức năng xử phạt cũng như cưỡng chế tháo dỡ.
Hành lang bảo vệ kênh Vách Bắc bị xâm lấn nghiêm trọng (Ảnh chụp ngày 19/5/2016) |
Lý giải vấn đề này, ông Lê Xuân Dương, Phó Chủ tịch UBND xã Đô Thành cho rằng, khi xây dựng hệ thống kênh tiêu Vách Bắc, xã đã mất đi một quỹ đất nhất định, dẫn đến áp lực về đất sản xuất, đất ở rất lớn. Vì vậy, khi đấu thầu được đất kinh doanh, họ xây dựng luôn nhà ở; lúc đầu mới chỉ xây dựng tạm bợ để kinh doanh, sinh sống nhưng sau đó đã xây dựng thành các công trình kiên cố.
Còn ông Hồ Sỹ Tân, cán bộ địa chính xã Đô Thành cho biết, có nhiều vụ việc sau khi địa phương lập biên bản đình chỉ xong, ngày hôm sau lại tiếp tục thi công. Năm 2014, 2015 và đầu năm 2016, UBND xã Đô Thành đã phải thuê máy múc trả lại mặt bằng những lô đất người dân vi phạm. Thế nhưng, tình trạng trên vẫn tái diễn.
Theo ông Lê Xuân Dương, đây là lỗi do lịch sử để lại và việc giải quyết vấn đề này không còn nằm trong tầm tay của địa phương. “Giải phóng toàn bộ để trả lại hành lang kênh Vách Bắc là vấn đề quá sức của địa phương, cần đến vài ba trăm tỉ đồng, cùng với đó là các chính sách về an sinh xã hội, đất đai tái định cư…. Nói chung, tầm của địa phương không thể giải quyết được. Chúng tôi chỉ mong UBND huyện Yên Thành, UBND tỉnh Nghệ An tìm cách tháo gỡ. Nếu không thể di dời tái định cư thì có thể tìm ra phương án khả thi như kiểm tra cụ thể quy trình đầu tư xây dựng kè kênh khỏi bồi trúc để người dân vẫn được giữ nguyên hiện trạng, ổn định cuộc sống”.
Ngày 6/10/2014, sau khi thành lập đoàn kiểm tra liên ngành, Sở Tài nguyên và Môi trường Nghệ An có Báo cáo số 3998/BC-STNMT, báo cáo kết quả kiểm tra việc UBND xã Đô Thành, huyện Yên Thành cấp đất, thu tiền sử dụng đất.
Theo Báo cáo này, việc xử lý các cá nhân sai phạm là điều khó thực hiện bởi các cán bộ xã thời kỳ 1988 - 1996 hầu hết đã qua đời hoặc đã hết thời hiệu giải quyết khiếu nại, tố cáo. Tuy nhiên, một số cá nhân, tổ chức thời kỳ sau đã bị kỷ luật, khiển trách, cảnh cáo, buộc thôi việc…
Báo cáo cũng kiến nghị UBND tỉnh Nghệ An giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nghệ An chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan xem xét, nghiên cứu để lồng ghép công tác giải phóng mặt bằng đối với các hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất trong phạm vi kênh Vách Bắc khi thực hiện Dự án Khôi phục, nâng cấp hệ thống thủy lợi Bắc Nghệ An hoặc dự án khác; giao UBND huyện Yên Thành chủ trì phối hợp với UBND xã Đô Thành, Công ty TNHH MTV Thủy lợi Bắc Nghệ An lập phương án chi tiết giải tỏa mặt bằng nằm trong phạm vi bảo vệ kênh Vách Bắc…; giao UBND huyện Yên Thành yêu cầu các hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất nằm trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi kênh Vách Bắc giữ nguyên hiện trạng.
Tuy nhiên, đến nay, văn bản vẫn chỉ nằm trên giấy. Thực tế, việc xây dựng các công trình trái phép trong hành lang bảo vệ kênh Vách Bắc vẫn diễn ra trước sự bất lực của chính quyền địa phương và Công ty TNHH MTV Thủy lợi Bắc Nghệ An.
Ông Hoàng Nghĩa Hiếu, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nghệ An cho rằng, vấn đề quan trọng nhất bây giờ là không để phát sinh việc xây dựng trái phép. “Từ trước đến nay, việc đảm bảo không xảy ra tình trạng xây dựng các công trình trái phép thuộc về chính quyền địa phương, sâu sát nhất là thôn, xã. Không thể nói một công trình mọc lên mà thôn, xã không biết. Ngành thủy lợi không được trang bị các công cụ để xử lý trong khi chính quyền địa phương có đầy đủ công cụ và lực lượng. Thời điểm này, để lồng ghép một chương trình, dự án vào giải quyết hậu quả của tình trạng xây dựng trái phép trong hệ thống bảo vệ hành lang kênh Vách Bắc là rất khó. Vì vậy, việc cần nhất là không để phát sinh vi phạm mới trước khi tìm ra phương án giải quyết những vụ việc đã xảy ra trong thời gian qua”.
Như vậy, cho đến nay, “bài toán” xâm lấn kênh Vách Bắc vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Theo đó, nhiệm vụ duy trì nguyên hiện trạng được giao cho UBND xã Đô Thành gần như không đem lại hiệu quả.
Vinh Thành