Kinh tế xã hội

Quản lý giết mổ gia súc tại TP Vinh: 'Xã, phường chưa vào cuộc'

09:32, 25/05/2016 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Với mục tiêu đưa gia súc tiêu thụ trên địa bàn vào các cơ sở giết mổ gia súc tập trung, đảm bảo VSATTP, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, TP Vinh đã chỉ đạo các phường, xã thực hiện tốt đề án giết mổ gia súc tập trung để tăng cường công tác quản lý. Tuy nhiên, do không kiểm soát được hết các điểm giết mổ và mua bán gia súc, gia cầm nên hiện nay, việc cung ứng sản phẩm thịt gia súc, gia cầm từ các chợ trên địa bàn đang nảy sinh nhiều bất cập.

Thịt gia súc bày bán tràn lan

Hiện nay, ở các chợ tạm, chợ cóc hay các điểm trung tâm, các ngã ba, ngã tư một số tuyến đường trên địa bàn TP Vinh, gia súc, gia cầm vẫn được giết mổ, bày bán công khai. Ngoài các hộ trên địa bàn trực tiếp giết mổ gia súc, gia cầm thì hàng ngày, thịt lợn và các loại gia cầm còn được vận chuyển từ các huyện Hưng Nguyên, Nam Đàn, Nghi Lộc đến các địa điểm trên để bán.

Tình trạng các hộ dân bày bán thực phẩm trên lòng, lề đường chưa đảm bảo quy định về kiểm soát giết mổ và VSATTP còn diễn ra
Tình trạng các hộ dân bày bán thực phẩm trên lòng, lề đường chưa đảm bảo quy định về kiểm soát giết mổ và VSATTP còn diễn ra

Theo báo cáo của Trạm Chăn nuôi và Thú y TP Vinh, toàn thành phố có 3 lò giết mổ tập trung, 8 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ được thành phố cấp phép. Trong đó, có 2 lò ở Nghi Phú là Trường Lan với quy mô 150 - 250 con lợn/ngày; lò ông Hướng quy mô 30 con trâu, bò/ngày; 1 lò ở xã Hưng Chính quy mô 100 con lợn/ngày. Qua đánh giá chung của cơ quan chuyên môn, việc giết mổ gia súc cơ bản đã được kiểm soát, còn giết mổ gia cầm vẫn chưa thể quản lý.

Nhằm thực hiện đúng Pháp lệnh Thú y và các quy định hiện hành của Nhà nước về công tác quản lý và giết mổ gia súc tập trung; đồng thời ngăn ngừa có hiệu quả việc lây lan dịch bệnh cho gia súc, đảm bảo VSATTP, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc kiểm soát giết mổ gia súc và công tác thú y trước khi đưa sản phẩm ra thị trường tiêu thụ, ngày 13/1/2015, UBND TP Vinh đã ban hành Kế hoạch 12 về việc tổ chức thực hiện công tác giết mổ gia súc tập trung trên địa bàn thành phố.

Theo Kế hoạch này, bắt đầu từ ngày 5/2/2015, các đơn vị liên quan gồm Phòng Kinh tế, Phòng TN&MT, Trạm Chăn nuôi và Thú y, Đội Quản lý đô thị và UBND các xã, phường có trách nhiệm tổ chức vận động các hộ đưa gia súc vào lò mổ; đồng thời chỉ đạo Đội kiểm tra liên ngành thành phố, các phường, xã tổ chức ra quân thực hiện kiểm tra xử lý vi phạm.

Địa phương đang đứng “ngoài cuộc”

Sau hơn 1 năm triển khai thực hiện Kế hoạch 12, mặc dù đã tập trung tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho các hộ giết mổ gia súc, các hộ kinh doanh thực phẩm về công tác giết mổ gia súc tập trung nhưng tại địa bàn một số phường, xã, tình trạng các hộ kinh doanh thịt gia súc trên lề đường, vỉa hè trái quy định của pháp luật còn diễn ra.

Trước tình hình đó, ngày 17/3/2016, UBND TP Vinh ban hành Văn bản 1029 về việc tập trung kiểm tra, xử lý các hộ kinh doanh thịt gia súc trên vỉa hè, lề đường. Trong đó, giao Phòng Kinh tế chỉ đạo Trạm Chăn nuôi và Thú y phối hợp với UBND các xã, phường thường xuyên kiểm tra, xử lý, kiểm soát giết mổ, vệ sinh thú y đối với các hộ kinh doanh không đúng quy định.

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Tiến Đức, Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y TP Vinh cho biết: Theo quy định, từ ngày 5/2/2015, tổ chức vận động các hộ đưa gia súc vào lò mổ. Đến nay, các chủ giết mổ gia súc cơ bản đã chấp hành, còn lại hộ giết mổ nhỏ lẻ giao cho các xã, phường. Tuy nhiên, trên địa bàn TP Vinh, việc thực hiện các văn bản liên quan còn bất cập, trong đó sự vào cuộc của chính quyền các phường, xã, các cán bộ chuyên trách còn bị xem nhẹ.

Qua các đợt phối hợp kiểm tra, các địa phương còn hạn chế và có biểu hiện đứng ngoài cuộc. Họ cho rằng đây là trách nhiệm của ngành thú y. Đơn cử là khi có nghi ổ dịch, Chi cục và Trạm đến làm việc thì gặp nhiều khó khăn do tư tưởng, ý thức chống dịch ở địa phương còn hạn chế, thiếu trách nhiệm và công tác phối hợp kiểm soát thiếu chặt chẽ.

Trong khi đó, các lò mổ sau khi được cấp dấu kiểm soát giết mổ cho từng con thì có quyền bán lại cho các hộ khác để kinh doanh nhỏ lẻ nên khó kiểm soát trong vấn đề đảm bảo VSATTP.

“Chúng tôi khuyến cáo người tiêu dùng nên sử dụng sản phẩm gia súc, gia cầm đã qua kiểm soát của các cơ quan chức năng, có dấu kiểm soát giết mổ hoặc tem “kiểm tra vệ sinh thú y” của ngành thú y”, ông Nguyễn Tiến Đức cho biết thêm.

Xuân Thống

Các tin khác