Kinh tế xã hội

Ngành chế biến bột cá điêu đứng

21:02, 21/05/2016 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Để giải quyết vấn đề thu gom hải sản sau khi ngư dân đánh bắt về, hàng loạt cơ sở, nhà máy chế biến bột cá đã được đầu tư, xây dựng. Thế nhưng, trong những năm gần đây, nguyên liệu đầu vào có nhiều biến động nên nghề chế biến bột cá rơi vào cảnh lao đao, nhiều cơ sở phải đóng cửa hoặc bị phá sản.

Thị trường tiêu thụ bột cá chững lại

Với hơn 82 km đường bờ biển và trên 4.500 tàu thuyền các loại, Nghệ An là tỉnh có số lượng lớn ngư dân tham gia đánh bắt thuỷ, hải sản. Sản lượng đánh bắt toàn tỉnh đạt khoảng trên 60.000 tấn/năm. Hải sản đánh bắt về sẽ được đưa vào các nhà máy chế biến bột cá để xuất khẩu.

Nhiều nhà máy chế biến bột cá phải hoạt động cầm chừng
Nhiều nhà máy chế biến bột cá phải hoạt động cầm chừng

Ngoài ra, một số doanh nghiệp còn đầu tư hệ thống kho cấp đông để xuất khẩu những loại hải sản có giá trị kinh tế cao. Phần lớn hải sản đánh bắt về được thu gom tại chỗ, tạo điều kiện thuận lợi để ngư dân mạnh dạn đầu tư phương tiện bám biển, vươn khơi.

Gần 10 năm trước, nhận thấy nghề chế biến bột cá làm nguyên liệu phục vụ ngành chăn nuôi có triển vọng phát triển nên nhiều cơ sở chế biến bột cá đã được đầu tư, xây dựng. Nhiều doanh nghiệp đã bỏ ra hàng chục tỉ đồng để xây dựng, mở rộng quy mô nhà máy. Chính vì vậy, việc thu gom hải sản của ngư dân cũng tấp nập, nhộn nhịp hơn trước.

“Cách đây khoảng 8 - 9 năm, lượng hải sản ngư dân đánh bắt về không đủ để chúng tôi thu mua, vì nhiều nhà máy chế biến bột cá được xây dựng trên địa bàn nên thương lái chúng tôi làm ăn gặp nhiều thuận lợi. Thế nhưng, không hiểu vì sao, vài năm trở lại đây, nhiều nhà máy lại thu mua một cách cầm chừng nên chúng tôi cũng gặp nhiều khó khăn”, anh Trần Nguyên Lợi, một thương lái chuyên thu mua cá ở huyện Quỳnh Lưu cho biết.

Qua tìm hiểu của phóng viên, do có nhiều nhà máy chế biến bột cá, trong đó có sự xuất hiện của nhà đầu tư từ Trung Quốc nên thị trường tiêu thụ hải sản có nhiều biến động. Sự phát triển ồ ạt của hệ thống các nhà máy chế biến bột cá cộng với việc thị trường tiêu thụ bột cá bị “đóng băng” là một trong những nguyên nhân khiến ngành này đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.

Loay hoay tìm đầu ra

Theo tìm hiểu của chúng tôi, tính đến thời điểm hiện nay, trên địa bàn Nghệ An có 11 cơ sở chế biến bột cá với đủ loại công suất. Những năm đầu hoạt động, các cơ sở này đã thu hút hàng trăm lao động tại chỗ, giải quyết phần lớn lượng hải sản đánh bắt về của ngư dân. Tuy nhiên, trước tác động của thị trường, hàng loạt nhà máy hoạt động một thời gian ngắn phải đứng trước nguy cơ phá sản, đóng cửa.

Nguyên nhân của tình trạng này là do trong những năm gần đây, việc xuất hiện hàng loạt nhà máy đã tạo ra sự cạnh tranh về giá thu mua. Nhiều nhà máy đã tự ý nâng giá thu mua nguyên liệu đầu vào nên nếu doanh nghiệp nhỏ không đủ năng lực tài chính thì sẽ rơi vào thế khó. Bên cạnh đó, thị trường thức ăn chăn nuôi có sự sụt giảm nhu cầu tiêu thụ khiến cho ngành chế biến bột cá gặp khó.

Theo phản ánh, cách đây khoảng 10 năm, ngành chăn nuôi gia súc, gia cầm phát triển rộng rãi trong nhân dân theo hình thức gia trại. Chính vì vậy, nguồn thức ăn cho chăn nuôi tiêu thụ rất mạnh, nhiều nhà máy phải hoạt động hết công suất mới có thể đáp ứng nhu cầu tiêu thụ sản phẩm. Tuy nhiên, những năm gần đây, ngành chăn nuôi có xu hướng chững lại nên lượng tiêu thụ thức ăn gia súc, gia cầm cũng bị ảnh hưởng.

Trên thực tế, thị trường hải sản trong nước không thiếu và hiện nay, nguồn nguyên liệu cũng được cho phép nhập khẩu với mức thuế 0%. Đây là tín hiệu đáng mừng về thị trường nguyên liệu cho ngành nghề này. Tuy nhiên, để vực dậy ngành chế biến bột cá, rất cần sự liên kết giữa các doanh nghiệp để tìm hướng mở cho thị trường ổn định, lâu dài.

Đăng Quang

Các tin khác