Kinh tế xã hội

TP Vinh, tỉnh Nghệ An

Nhiều mô hình kinh tế trang trại cho thu nhập cao

09:39, 19/05/2016 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Những năm qua, để thúc đẩy kinh tế nông nghiệp phát triển, TP Vinh đã chỉ đạo các xã ngoại thành vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhằm nâng cao năng suất và giá trị sản xuất. Theo đó, nhiều hộ nông dân đã mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế trang trại, gia trại theo hướng hàng hóa, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Hiện nay, trên địa bàn phường Đông Vĩnh, TP Vinh có 40 trang trại, gia trại chăn nuôi vừa và nhỏ với tổng diện tích 50 ha, sản lượng cá  nuôi đạt từ 3 - 4 tấn/ha. Mỗi năm, các trang trại cung cấp cho thị trường TP Vinh và các vùng lân cận hàng trăm tấn cá thương phẩm.

Người dân thu hoạch cá ở trang trại
Người dân thu hoạch cá ở trang trại

Cùng với phát triển nuôi trồng thủy sản, nhiều nông hộ đã khai thác tối đa diện tích chuồng trại dọc các bờ ao khu dân cư để chăn nuôi gà vịt với quy mô lớn, bình quân mỗi ngày cung cấp cho thị trường khoảng 35 vạn quả trứng.

Trong đó, điển hình như trang trại chăn nuôi gà đẻ, với quy mô 1,2 vạn con của hộ anh Nguyễn Đức Luân ở khối Yên Duệ, mỗi tháng cung cấp cho thị trường 18 vạn quả trứng. Trừ các khoản chi phí, mỗi năm gia đình anh thu lãi ròng 500 triệu đồng.

Những năm qua, nhiều hộ dân ở xã Hưng Chính đã mạnh dạn nhận đất đầu tư xây dựng phát triển kinh tế tổng hợp. Đến nay, toàn xã có 16 hộ làm kinh tế trang trại ngoài đồng với tổng diện tích 30 ha. Các trang trại đều ở xa khu dân cư nên vấn đề môi trường luôn được đảm bảo.

“Xã đã khuyến cáo người dân không được sử dụng chất cấm trong chăn nuôi để đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng. Hầu hết các mô hình trang trại kết hợp sản xuất lúa và chăn nuôi theo vòng tròn khép kín. Theo đó, lúa sản xuất ra được sử dụng làm thức ăn cho lợn, vịt; thức ăn dư thừa, chất thải của lợn, vịt và cỏ trên bờ ao được tận dụng để làm thức ăn cho cá; qua đó góp phần giảm chi phí, tăng hiệu quả kinh tế; các sản phẩm chăn nuôi đều sạch và đảm bảo an toàn”, ông Nguyễn Hồng Quang, Phó Chủ tịch UBND xã Hưng Chính cho biết.

Trang trại của gia đình anh Hồ Đức Hồng, chị Nguyễn Thị Hoa ở xóm 1, xã Hưng Chính nằm giữa cánh đồng lúa mênh mông, cách xa khu dân cư. Với hơn 4 ha diện tích, anh Hồng đã quy hoạch mô hình chăn nuôi vườn - ao - chuồng.

Anh Hồng cho biết: “Năm 2002, gia đình tôi nhận thầu hơn 4 ha ruộng trũng bị hoang hóa. Sau đó, tôi thuê máy móc, nhân công cải tạo thành ao nuôi cá và chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy cầm. Tùy theo nhu cầu của thị trường, năm nào lợn được giá thì tôi tập trung nuôi lợn, có năm nuôi trâu bò, lúc cao điểm tôi mua 10 cặp bò về nuôi, khi được giá thì bán. Hiện tại, trang trại của gia đình tôi chỉ tập trung nuôi vịt đẻ, vịt thịt, trồng lúa và nuôi cá”.

Với diện tích 4 ha, anh Hồng đã cải tạo 2,1 ha ao nuôi cá các loại để mở dịch vụ câu cá. Với mức giá 25 nghìn đồng/giờ/người, bình quân mỗi ngày, anh thu 1 triệu đồng. Trừ những ngày mưa gió, mỗi năm, gia đình thu về từ 250 - 300 triệu đồng. Mỗi năm, trang trại của anh Hồng, chị Hoa có 4 con lợn nái sinh sản, 1.000 con vịt đẻ và 3.500 - 4.500 con vịt thịt. Trừ các loại chi phí như thức ăn, con giống, gia đình thu về từ 150 - 200 triệu đồng/năm.

Trên diện tích 1,5 ha ruộng vừa trồng lúa kết hợp nuôi cá, gia đình thu hoạch từ 13 - 15 tấn lúa và 1 tấn cá thịt/năm. Ngoài ra, anh Hồng, chị Hoa còn đầu tư mua 2 máy cày đa chức năng và 1 máy gặt đập liên hoàn, mỗi năm thu 100 triệu đồng từ dịch vụ làm đất và thu hoạch lúa, nâng tổng thu nhập của trang trại lên 700 triệu đồng/năm.

Hiện nay, ở TP Vinh có 10 trang trại, hơn 230 gia trại chăn nuôi tổng hợp, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hàng nghìn lao động. Tuy nhiên, phần lớn các mô hình kinh tế này còn mang tính tự phát. Nhiều gia trại, trang trại không nằm trong vùng quy hoạch đất nông nghiệp của thành phố. Hạ tầng kênh mương thủy lợi xuống cấp, còn phụ thuộc nhiều vào các yếu tố thiên nhiên, chưa chủ động được nguồn nước cũng như quản lý dịch bệnh nên dễ gặp phải rủi ro.

Phát triển chăn nuôi tập trung gắn với bảo vệ môi trường đang là hướng đi đúng trong phát triển nông nghiệp. Từ hiệu quả của các mô hình phát triển kinh tế trang trại, gia trại trên địa bàn TP Vinh cho thấy, đây là hướng đi bền vững cho người nông dân, giảm áp lực về việc làm, thúc đẩy chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế nông nghiệp, góp phần hiện thực hóa mục tiêu xây dựng nông thôn mới của các xã ven đô TP Vinh.

Hồng Quang

Các tin khác