Kinh tế xã hội
Giải pháp nâng cao giá trị xuất khẩu hàng nông sản
(Congannghean.vn)-Để nâng cao tính cạnh tranh cho sản phẩm, tăng giá trị kim ngạch xuất khẩu hàng nông sản là vấn đề đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành Nông nghiệp với ngành Công thương. Thời gian qua, việc tiêu thụ nông sản phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức; lượng sản phẩm nông sản xuất khẩu giảm, ảnh hưởng đến tổng kim ngạch xuất khẩu chung của Nghệ An.
Sản lượng tăng, giá trị thấp
Thực tế trên địa bàn tỉnh Nghệ An cho thấy, phần lớn các cơ sở chế biến nông sản đều hoạt động dưới hình thức thủ công, truyền thống. Các sản phẩm đa số có giá trị kinh tế thấp, chưa tạo dựng được thương hiệu riêng, dẫn đến khả năng cạnh tranh trên thị trường chưa cao. Cơ cấu hàng xuất khẩu chưa hợp lý: Đa phần là hàng sơ chế, số lượng sản phẩm công nghiệp chế biến tinh có giá trị lớn còn ít, chủng loại hàng hóa xuất khẩu đơn điệu, ít xuất hiện mặt hàng mới với kim ngạch cao.
Sản phẩm lạc ở Nghệ An đang mất dần thị phần xuất khẩu |
Trong nội ngành công nghiệp chế biến, giá trị sản xuất của lĩnh vực chế biến nông, lâm, thủy sản có bước tăng trưởng đột biến, đặc biệt là mặt hàng thực phẩm, đồ uống (sữa), sản xuất sản phẩm gỗ và lâm sản, cao su.
Năm 2015, đã tạo thêm nguồn sản phẩm chất lượng cao, nâng cao khả năng cạnh tranh; thúc đẩy nông nghiệp Nghệ An phát triển. Các vùng chuyên canh cây công nghiệp tập trung tiếp tục được duy trì, phát triển theo hướng hàng hóa, đáp ứng nguồn nguyên liệu cho các nhà máy chế biến.
Giá trị sản xuất ngành công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản phục vụ xuất khẩu (theo giá cố định năm 2010) đạt 24.000 tỉ đồng, tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2016 - 2020 bình quân từ 12,2 - 12,5%/năm. Kim ngạch xuất khẩu hàng nông sản chế biến trên địa bàn đạt 500 triệu USD, chiếm 66,7% kim ngạch xuất khẩu hàng hóa, tăng bình quân 17,02%/năm. Thế nhưng, lượng hàng hóa xuất khẩu được sản xuất tại Nghệ An còn khiêm tốn, chỉ đạt xấp xỉ 50% trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
Việc xuất khẩu hàng nông sản hiện nay đang gặp nhiều vướng mắc: Có những sản phẩm, vùng nguyên liệu dồi dào lại gặp khó khăn do công tác chế biến, tìm đầu ra cho sản phẩm. Còn với các sản phẩm có thị trường tiêu thụ thì vùng nguyên liệu không đáp ứng, quy mô hàng hóa nhỏ, giá thành cao. Cây chè ở Nghệ An là một ví dụ điển hình.
Các sản phẩm chè trên địa bàn đã cơ bản đạt chất lượng vệ sinh ATTP, vùng nguyên liệu đảm bảo nhưng khâu chế biến được đánh giá là chưa đáp ứng yêu cầu thị trường, nhất là thị trường châu Âu.
Ngay như Công ty TNHH một thành viên ĐTPT chè Nghệ An là doanh nghiệp mạnh về sản xuất, chế biến và xuất khẩu chè trên địa bàn nhưng hiện nay vẫn gặp khó khăn trong các khâu tổ chức sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm.
Ông Hồ Viết An, Giám đốc Công ty cho biết: Hiện nay, doanh nghiệp gặp khó khăn do quỹ đất không còn nhiều để mở rộng diện tích, nguyên liệu chè không đủ đáp ứng công suất chế biến, trong khi đó, trên địa bàn có nhiều cơ sở chế biến trên một vùng nguyên liệu…
Trên thực tế, các mặt hàng như lạc nhân được xem là mặt hàng xuất khẩu truyền thống và là thế mạnh của các doanh nghiệp Nghệ An nhưng thời gian qua kim ngạch xuất khẩu giảm khá mạnh. Năm 2010 có 10 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu trực tiếp với kim ngạch đạt trên 3,8 triệu USD, sang thị trường Thái Lan, Indonesia và Trung Quốc, nhưng năm 2013 chỉ đạt 0,143 triệu USD, năm 2014 đạt 0,29 triệu USD.
Theo ông Lê Thái, Giám đốc Công ty TNHH chế biến phụ phẩm thuỷ sản Xuri Việt Trung, nếu như trước đây đơn vị xuất khẩu sản phẩm sang thị trường Trung Quốc là chủ yếu thì năm nay, do thị trường này không ổn định, đơn vị chuyển sang bạn hàng Thái Lan và sẽ cố gắng duy trì và phát triển mối quan hệ bạn hàng truyền thống; đồng thời củng cố thêm thương hiệu lạc nhân Nghệ An.
Tuy nhiên, tâm lý chung của người sản xuất tại các vùng lạc trọng điểm ở các huyện Diễn Châu, Nghi Lộc là tạm trữ sản phẩm để chờ “được giá” nên hiện một số doanh nghiệp xuất khẩu đang gặp khó khăn do thiếu hàng. Một số doanh nghiệp xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh cũng đã chào bán chính ngạch sang thị trường các nước ASEAN nhưng không cạnh tranh được với lạc Ấn Độ; giá tại cảng Indonesia chỉ đạt khoảng 1.450 USD/tấn.
Trong khi đó, giá thành lạc nhân Nghệ An loại 1 tại cảng xuất lên tới ít nhất 36.000.000 đồng/tấn, tương đương 1.650 USD/tấn. Đây cũng là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến kim ngạch xuất khẩu lạc nhân giảm sút trong biểu đồ mặt hàng xuất khẩu của Nghệ An trong suốt những năm qua.
Năm nay, tuy chưa đến thời điểm xuất khẩu nhưng theo nhận định, xuất khẩu lạc vẫn chủ yếu qua đường tiểu ngạch, dù lạc năm nay được đánh giá là sẽ được mùa, được giá.
Chủ doanh nghiệp Sỹ Thắng - một doanh nghiệp xuất khẩu lạc ở Diễn Châu chia sẻ: “Lạc sen Nghệ An một thời là thương hiệu được nhiều thị trường như Indonesia, Thái Lan, Malaysia ưa chuộng, nhưng sau đó vì tư duy làm ăn chụp giật của một số hộ dân muốn tăng lợi nhuận đã ủ nước cho lạc, khiến sản phẩm khi xuất sang các nước đối tác bị nảy mầm; thêm vào đó, giá thành lạc Nghệ An cao hơn những địa phương khác, không cạnh tranh được về giá ở thị trường ASEAN nên chúng ta dần mất đi các thị trường tiềm năng. Hiện nay, lạc Nghệ An chủ yếu xuất khẩu sang Trung Quốc theo đường tiểu ngạch nên giá cả, số lượng khá bị động…”.
Trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu có Nhà máy Nước dứa cô đặc Quỳnh Lưu của Công ty CP Nafoods Group. Nơi đây là một vùng nguyên liệu tiềm năng nhưng sau một thời gian, Nhà máy hoạt động không hiệu quả, vùng nguyên liệu bị thu hẹp, diện tích dứa nguyên liệu giảm dần.
Năm 2010, diện tích dứa nguyên liệu của tỉnh Nghệ An là 1.275 ha, năm 2014 giảm còn 1.077 ha. Năm nay, doanh nghiệp đã hoạt động trở lại nhưng vẫn chưa thu mua hết sản phẩm cho nông dân. Người trồng dứa ở các xã Tân Thắng, Quỳnh Thắng, Quỳnh Châu (Quỳnh Lưu) lại rơi vào cảnh sản phẩm “được mùa, mất giá”.
Cần có thêm nhiều chính sách hỗ trợ nông dân để tránh tình trạng “được mùa, mất giá” |
Một hạn chế nữa đó là rất nhiều mặt hàng xuất khẩu của các doanh nghiệp vẫn còn phụ thuộc vào nguồn hàng của các tỉnh lân cận, như tinh bột sắn, cao su, gạo tẻ, nguyên liệu chanh leo, sản phẩm gỗ và thị trường ngoài nước. Tương tự, mặt hàng cao su xuất khẩu chủ yếu qua đường tiểu ngạch sang Trung Quốc và 90% kim ngạch của mặt hàng này là thu gom ở tỉnh bạn.
Đầu tư trọng tâm, trọng điểm
Thực tế cho thấy, diễn biến xuất khẩu hàng nông, thủy sản vừa qua là rất đáng lo ngại, nhiều sản phẩm vừa có dấu hiệu thừa - thiếu về cung và khó nâng cao khả năng cạnh tranh. Do đó, để từng bước đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản, tăng tỉ trọng sản phẩm chế biến và sản phẩm có giá trị gia tăng cao, 2 ngành Nông nghiệp và Công thương cần phối hợp giải quyết nhiều vấn đề còn vướng mắc.
Theo các chuyên gia trong ngành, để tăng nhanh giá trị xuất khẩu hàng nông sản, đáp ứng yêu cầu cạnh tranh, đưa KHCN vào sản xuất, chế biến, cần phải nghiên cứu việc sản xuất sản phẩm gì, theo hướng nào, chỉ phục vụ nhu cầu trong nước hay xuất khẩu để có định hướng cụ thể. Đặc biệt là phải tiếp tục xây dựng các vùng chuyên canh cây công nghiệp tập trung như mía, chè, sắn, cao su…, phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, đáp ứng nguồn nguyên liệu cho các nhà máy chế biến.
Song song với đó, tăng cường công tác quản lý và thực hiện đúng quy hoạch, tránh tình trạng chạy theo phong trào. Mục tiêu đến năm 2020 là tăng thêm nguồn hàng phục vụ nhu cầu thị trường nội địa và xuất khẩu.
Bà Võ Thị An, Phó Giám đốc Sở Công thương Nghệ An cho rằng: “Khi hiệp định thương mại tự do được thực thi, bên cạnh những khó khăn thì cũng có không ít cơ hội mở ra cho ngành nông sản nước ta. Các doanh nghiệp có thể mở rộng thị phần vào các thị trường, được hưởng lợi từ một số loại thuế được miễn giảm. Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu của các thị trường “khó tính”, cần phải nghiên cứu kỹ thói quen tiêu dùng, thị hiếu của khách hàng để tổ chức sản xuất đáp ứng nhu cầu thị trường. Bên cạnh đó, phải chú trọng tới việc xây dựng thương hiệu sản phẩm, nâng tầm giá trị sản phẩm nông sản…”.
Hoàng Trinh