Kinh tế xã hội
Nuôi bồ câu, thu lãi gần 1 tỉ đồng/năm
(Congannghean.vn)-Nhận thấy chim bồ câu có đặc tính dễ nuôi và mang lại hiệu quả kinh tế cao nên anh Nguyễn Văn Khanh trú tại xóm 10A, xã Nghi Kiều, huyện Nghi Lộc quyết định mở trang trại nuôi bồ câu thương phẩm để nâng cao thu nhập cho gia đình. Với sự năng động, dám nghĩ dám làm cùng nỗ lực của bản thân, đến nay, anh đã sở hữu trang trại nuôi bồ câu lớn, mang về doanh thu gần 1 tỉ đồng/năm.
Đến thăm mô hình nuôi chim bồ câu của anh Nguyễn Văn Khanh, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước quy mô trang trại và cách nuôi, chăm sóc bồ câu khoa học của anh. Hàng nghìn cặp bồ câu được nuôi nhốt trong từng ngăn được xây bằng bê tông xếp thành dãy dài rất quy mô và khoa học. Anh cho biết, hiện tại, trang trại của gia đình có trên 4.000 cặp bồ câu sinh sản.
Anh Khanh (trái) giới thiệu về mô hình nuôi bồ câu của gia đình |
Việc nuôi chim bồ câu của gia đình anh Khanh bắt đầu vào thời điểm cuối năm 2012. Sau khi biết đến mô hình nuôi bồ câu bằng hình thức nhốt qua các phương tiện truyền thông, nhận thấy đây là mô hình mới, có nhiều triển vọng mang lại hiệu quả kinh tế cao và phù hợp với điều kiện của gia đình, anh đã quyết định đầu tư 2 tỉ đồng xây dựng chuồng trại nuôi bồ câu trên diện tích đất hơn 1 ha và mua gần 4.000 cặp bồ câu về nuôi.
Dẫn chúng tôi đi tham quan mô hình nuôi bồ câu của gia đình, anh Khanh chia sẻ kinh nghiệm và kỹ thuật chăm sóc loài chim này: Chim bồ câu rất dễ nuôi vì sức đề kháng cao, ít bệnh tật, sinh sản nhanh và dễ tiêu thụ. Người nuôi chỉ cần tuân thủ nghiêm ngặt các điều kiện vệ sinh chuồng trại, cách phòng dịch và thức ăn. Chuồng trại phải bố trí ở nơi cao ráo, thoáng mát, yên tĩnh, đảm bảo tránh mưa và không có gió lùa.
Nhận thức rõ điều đó, anh đã xây dựng chuồng trại bằng xi măng kiên cố để tránh các tác động tiêu cực của thời tiết. Trong diện tích 1.000 m2 trên 1 chuồng nuôi, anh Khanh chia làm 500 ô, mỗi ô 2 con bồ câu giống bố mẹ, trong ô đặt một chiếc ổ lót bằng rơm khô để chim đẻ trứng; ngoài ra còn có máng ăn, máng uống thường xuyên được vệ sinh sạch sẽ. Bồ câu nuôi 6 tháng sẽ bắt đầu sinh sản, với 7 - 8 lứa/năm, mỗi lứa 2 trứng. Thức ăn chính của chúng là lúa, ngô trộn lẫn, cho ăn 2 lần/ngày (vào buổi sáng và buổi chiều).
Với 4.000 cặp bồ câu ở giai đoạn sinh sản, mỗi tháng, gia đình anh Khang xuất bán khoảng gần 2.000 cặp bồ câu. Nếu tính giá bán 60.000 đồng/cặp thì mỗi năm, trừ mọi chi phí, gia đình anh thu về gần 1 tỉ đồng/năm.
Trên đà thành công, anh Khanh dự định thời gian tới sẽ tăng số lượng bồ câu bố mẹ lên khoảng 8.000 cặp nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Thời gian gần đây, bên cạnh việc cung cấp bồ câu thịt thương phẩm cho các quán ăn, nhà hàng, khách sạn trên địa bàn, anh Khanh còn phân phối bồ câu giống cho bà con trong và ngoài vùng nên đầu ra luôn đảm bảo tính ổn định.
Ông Hồ Văn Ninh, Phó Chủ tịch UBND xã Nghi Kiều cho biết: “Những năm 2000 trở về trước, trong xã cũng đã có nhiều hộ nuôi chim bồ câu nhưng quy mô nhỏ lẻ, số lượng cặp giống đếm trên đầu ngón tay, chủ yếu phục vụ nhu cầu của gia đình.
Phong trào nuôi bồ câu bắt đầu rộ lên từ năm 2010, nhất là khi thấy mô hình của anh Nguyễn Văn Khanh thành công, người dân trên địa bàn xã đã chú trọng tới việc xây dựng chuồng trại nuôi bồ câu với quy mô lớn.
Hiện, toàn xã có hơn 100 hộ nuôi loài chim này, trong đó có 3 hộ nuôi nhốt theo hình thức công nghiệp, quy mô từ 100 cặp bố mẹ trở lên. Trong đề án phát triển chăn nuôi đến năm 2020, chúng tôi cũng đã khuyến khích người dân phát triển hoạt động này trên diện rộng; từ đó mở ra hướng đi phù hợp trong phát triển kinh tế nông nghiệp - nông thôn, góp phần nâng cao thu nhập cho người lao động trên địa bàn”.
Hồng Vinh