Kinh tế xã hội

Ông Đinh La Thăng đề xuất giao cựu chiến binh giám sát thực phẩm bẩn

15:08, 27/04/2016 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN
Bí thư Thành ủy TP.HCM đề xuất giao cho lực lượng cựu chiến binh tại địa phương giám sát các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm.

Trên tinh thần xử nghiêm vấn nạn VSATTP như Thủ tướng yêu cầu tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về VSATTP sáng nay (27/4), các tỉnh, thành nêu nhiều bức xúc từ thực trạng đến quản lý.

'Ăn bẩn vẫn vui vì có chết ngay đâu'

Từ đầu cầu TP.HCM, Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng cho rằng, tình trạng VSATTP rất đáng báo động, phức tạp, không thể chỉ là con số 5% hay 10% thực phẩm nhiễm bẩn như các bộ ngành báo cáo.

Bí thư Đinh La Thăng, thực phẩm bẩn
Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng

Theo ông, nguyên nhân số 1 là không xác định được trách nhiệm, chẳng kỷ luật được ai, từ xã, phường, quận, huyện đến tỉnh, thành.

“Không xác định được trách nhiệm nên cả làng đều vui, ăn bẩn vẫn vui vì có chết ngay đâu. Nếu trách nhiệm chưa rõ ràng thì tình trạng này chưa giải quyết được”, Bí thư TP.HCM bức xúc.

"Tố" công tác thanh tra kiểm soát không nghiêm, có bao che, thông đồng vì lợi nhuận quá lớn, ông Thăng thắc mắc: “Chẳng lẽ lò mổ ở xã phường mà không biết sao, âm thanh ầm ầm như thế mà quận, phường không biết, không ai bị xử lý?”.

Bí thư TP.HCM kiến nghị, vi phạm ở xã, phường thì bí thư, chủ tịch phường phải chịu trách nhiệm.

Ông đề nghị Thủ tướng cho phép các địa phương được chủ động tổ chức bộ máy quản lý ATTP trên nguyên tắc không tăng biên chế và kiến nghị cho TP.HCM thí điểm lập cơ quan thống nhất quản lý về ATTP, tiền xử phạt được để lại địa phương để đầu tư cho công tác quản lý, bảo đảm VSATTP.

Đối với lực lượng thực thi trong quản lý ATTP, Bí thư Đinh La Thăng cho rằng cần phải rà soát, chấn chỉnh, bố trí đúng vai trò chức năng, nhiệm vụ.

“Chúng ta nên giao cho lực lượng cựu chiến binh tại địa phương giám sát các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm”, ông đề xuất.

Phạt nặng

Theo Chủ tịch TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung, năm 2015, TP đã thực hiện trên 150.000 cuộc thanh tra, kiểm tra, xử phạt trên 20 tỉ đồng.

Quý 1 năm nay kiểm tra trên 37.000 cơ sở, phát hiện 6.900 cơ sở vi phạm, phạt hơn 10 tỉ đồng. Dù đã quyết liệt nhưng kết quả chưa đáp ứng được kỳ vọng của dân.

 

Chủ tịch Hà Nội đề xuất 9 nhóm giải pháp, trong đó nhấn mạnh tăng chế tài xử lý vi phạm. Ngoài phạt tiền, nếu vi phạm lần 2, 3 phải cấm kinh doanh, khi nào khắc phục mới được kinh doanh trở lại.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đồng tình ngay, nếu Hà Nội phạt được bao nhiêu cơ sở, cá nhân vi phạm ATTP sẽ cho giữ lại để trang bị, xử lý những vấn đề đặt ra của ATTP.

"Phạt thu 1 nghìn tỷ đồng sẽ cho để lại 1 nghìn tỷ đó khuyến khích tăng cường kiểm tra xử lý, giáo dục răn đe cả vật chất và tinh thần, tạo điều kiện cho lực lượng này”, Thủ tướng nói.

Ăn, uống, thở đều nguy hại

Bí thư Thanh Hóa Trịnh Văn Chiến lo lắng đủ việc từ cá chết không thiêu hủy, có người lấy làm mắm để bán cho dân ăn, đến nước giải khát có nhiều chất kích thích hại cho sức khỏe, không khí cũng đang bị ô nhiễm.

“Ăn, uống, thở đều nguy hại như vậy. Chuyện ta là nước có ung thư nhiều nhất cũng dễ hiểu. Có vị lão thành nói bao giờ quay về thời xưa, ăn uống không còn phải sợ nữa”, Bí thư than thở.

Ông cho rằng vai trò của mỗi địa phương vào cuộc rất quan trọng, vì thực phẩm bẩn “chạy” từ tỉnh này qua tỉnh khác. Ông đồng tình với chỉ đạo của Thủ tướng cần một hành lang pháp lý chế tài xử lý thật nặng, có thể truy tố hình sự.

Ông Chiến cũng đề nghị cần xem lại trách nhiệm chính của 3 bộ liên quan, trong đó quan trọng nhất phải là Bộ NN&PTNT.

Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát: Muốn có rau, thịt an toàn mà lại có hàng triệu hộ nông dân nhỏ lẻ thì không quản lý được. Phải đưa nông dân vào hợp tác để hướng dẫn họ thực hiện theo Viet GAP, Global GAP, kết nối với doanh nghiệp phân phối.

Thanh kiểm tra ATTP phải thay đổi cách làm từ theo kế hoạch sang đột xuất, đi cùng với tăng cường giám sát, xử lý nghiêm, truy đến cùng nguồn gốc thực phẩm vi phạm.

Từ nay đến cuối năm, Bộ NN&PTNT sẽ tiếp tục kiểm soát, tiến tới chấm dứt sử dụng chất cấm trong chăn nuôi; cơ bản kiểm soát việc buôn lậu thuốc bảo vệ thực vật, chất bảo quản, chất cấm; cơ bản kiểm soát việc làm dụng kháng sinh trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản.

Thượng tướng Bùi Văn Nam, Thứ trưởng Bộ Công an: Lãnh đạo Bộ sẽ tiếp tục chỉ đạo lực lượng cảnh sát môi trường kiên quyết trong điều tra, phát hiện xử lý các vi phạm nghiêm trọng về VSATTP.

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến: Cần kiểm soát chặt chẽ việc nhập lậu thực phẩm, đồng thời phải quản lý chặt các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, các bếp ăn tập thể… Quản lý chặt chẽ việc nhập khẩu hóa chất, xử lý nghiêm các nhà sản xuất, người dân và cán bộ sai phạm.

 

 

Nguồn: Vietnamnet

Các tin khác