Kinh tế xã hội

Công trình thủy lợi 'đắp chiếu', ngành nông nghiệp 'khát nước'

10:18, 23/04/2016 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Tài nguyên nước tuy dồi dào nhưng hữu hạn. Vì thế, việc xây dựng, khai thác và quản lý hiệu quả các công trình thuỷ lợi đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc đảm bảo sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp, nông thôn. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh đang triển khai dang dở, không chỉ gây lãng phí ngân sách Nhà nước mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất và cuộc sống của người dân.

Quỳ Hợp là huyện miền núi, thường xuyên xảy ra tình trạng thiếu nước vào mùa hanh khô. Vì thế, việc đảm bảo nguồn nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất được chính quyền và các ngành đặc biệt quan tâm.

Đập Hống Vàng (huyện Thanh Chương) chưa phát huy hiệu quả, gây lãng phí và ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp
Đập Hống Vàng (huyện Thanh Chương) chưa phát huy hiệu quả, gây lãng phí và ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp

Thế nhưng, thực tế hiện nay, một số công trình thủy lợi trên địa bàn tuy được đầu tư lớn nhưng chưa phát huy tác dụng. Trong đó phải kể đến công trình đập Đồng Chùa, xã Minh Hợp. Công trình này có mức đầu tư trên 13 tỉ đồng, được khởi công từ tháng 3/2010, theo kế hoạch sẽ hoàn thành sau 2 năm (tháng 3/2012 - P.V).

Theo thiết kế ban đầu, đập Đồng Chùa sẽ cung cấp nước tưới cho 100 ha lúa và hoa màu cho xã Minh Hợp. Để thực hiện dự án, sẽ có gần 20 hộ trong vùng ảnh hưởng phải di dời với số tiền đền bù 3,5 tỉ đồng. Trong số đó, có nhiều hộ dân đã bàn giao đất cho huyện Quỳ Hợp, nhưng đến nay vẫn chưa nhận được tiền đền bù.

Do vướng mắc trong quá trình giải phóng mặt bằng, công trình đập Đồng Chùa buộc phải thay đổi thiết kế nhằm giảm chi phí đền bù. Theo thiết kế mới, đập Đồng Chùa chỉ cung cấp nước tưới cho khoảng 50 ha lúa, giảm gần một nửa so với thiết kế trước đây. Hiện tại, đập Đồng Chùa chỉ mới hoàn thành việc đắp đập, còn các hạng mục quan trọng khác như tràn xả lũ, kênh dẫn nước vẫn đang dang dở vì chờ vốn.

Dự án nâng cấp, sửa chữa đập Hống Vàng ở xã Thanh Khê, huyện Thanh Chương cũng có chung tình trạng trên. Dự án này được triển khai từ đầu năm 2011 với kinh phí đầu tư khoảng 7 tỉ đồng, thiết kế cao trình đập là 28,2 m; phục vụ tưới tiêu cho 60 ha đất sản xuất nông nghiệp trên địa bàn 5 xóm.

Sau hơn 1 năm thi công, cao trình của đập đang ở mức 24,1 m thì hết vốn và đã tạm dừng gần 5 năm nay. Hiện tại, chỉ có hệ thống kênh dẫn nước, cống xả nước đã cơ bản hoàn thành, còn các hạng mục quan trọng khác của dự án đều đang dang dở. Vì vậy, trong suốt thời gian dài, người dân nơi đây thường xuyên đối mặt với tình trạng thiếu nước sản xuất. Nhiều diện tích đất sản xuất cũng bị bỏ hoang do thiếu nước.

Theo khảo sát, trong số hơn 600 hồ, đập lớn nhỏ trên địa bàn toàn tỉnh, mực nước bình quân chỉ còn khoảng 30 - 40%. Năm 2015, lượng mưa chỉ đạt trên dưới 50%, dẫn đến mực nước tại các hồ đập thủy lợi không đạt dung tích thiết kế.

Trong số 60 hồ, đập lớn và vừa do các doanh nghiệp thủy nông quản lý, chỉ có 23 hồ đạt trên 50% dung tích thiết kế, còn lại đều rơi vào tình trạng thiếu nước ngay từ khi bước vào sản xuất vụ xuân. Vì thế, có thể thấy, việc đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi tại các địa phương là rất quan trọng nhằm phục vụ sản xuất, sinh hoạt.

Thế nhưng, với sự đầu tư dàn trải như hiện nay, việc thất thoát, lãng phí trong các dự án sử dụng nguồn ngân sách Nhà nước là không tránh khỏi. Những dự án xây dựng càng nhỏ, thất thoát càng lớn; những dự án xây dựng ở vùng sâu, vùng xa, thất thoát càng nhiều. Trong khi đó, quá trình phân cấp đầu tư, quản lý xây dựng chưa gắn với kiểm tra, kiểm soát.

Do đó, việc siết chặt hơn nữa công tác quản lý đầu tư các công trình thủy lợi để tránh gây thất thoát cho Nhà nước và ảnh hưởng đến đời sống của người dân là “bài toán” cần được quan tâm giải quyết nhằm giải quyết thực trạng trên, trong khi biến đổi khí hậu đang diễn biến phức tạp, tác động đến mọi mặt của đời sống xã hội.

Xuân Thống

Các tin khác