Kinh tế xã hội
Nghệ An: Bất thường việc xử lý 100 tấn phân bón giả Mặt Trời
(Congannghean.vn)-Để giúp nông dân có sản phẩm tốt nhất, Công ty CP Mía đường Nghệ An (Nasu) đã ký hợp đồng với Công ty CP Dịch vụ nông nghiệp Agripro, trụ sở tại Hà Nội về việc cung ứng 300 tấn phân bón nhãn hiệu Mặt Trời cho bà con nông dân. Theo đó, 100 tấn đầu tiên đã được phân phối đến bà con nhưng lại bị phát hiện là hàng giả, hàng kém chất lượng.
Ngày 14/4, ông Trần Đăng Ninh, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) Nghệ An cho biết: Số phân bón NPK nhãn hiệu Mặt Trời do Công ty CP Dịch vụ nông nghiệp Agripro (Công ty Agripro), địa chỉ số 41A Lý Thái Tổ, phường Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội sản xuất vào ngày 18/1/2016 và được Công ty CP Mía đường Nghệ An (Công ty Nasu), trụ sở tại xã Nghĩa Xuân, huyện Quỳ Hợp cung ứng cho người dân Nghệ An đều là phân bón giả.
Cơ quan chức năng kiểm tra, niêm phong số phân bón giả |
Sau khi tiêu hủy, trước sự thừa nhận sai sót của đơn vị cung ứng là Công ty Nasu, Chi cục QLTT Nghệ An cũng đã có văn bản kiến nghị cơ quan chức năng xử phạt Công ty Nasu số tiền 160 triệu đồng.
100 tấn phân bón giả phân phối qua Công ty Mía đường
Trước đó, vào ngày 4/3, Đội QLTT số 6 thuộc Chi cục QLTT Nghệ An phối hợp với Công an xã Nghĩa Thắng, huyện Nghĩa Đàn bất ngờ kiểm tra cơ sở kinh doanh phân bón của ông Phan Bá Duy tại xóm Tân Phong, xã Nghĩa Thắng.
Tại đây, lực lượng chức năng phát hiện lô hàng gồm 53 bao phân bón, có trọng lượng 1.325 kg, nhãn hiệu NPK Mặt Trời 10-5-15 TE để bón cho cây mía, do Công ty Agripro sản xuất không có hóa đơn chứng từ, nghi là phân bón kém chất lượng nên đã tịch thu để đưa về kiểm định.
Tiếp đó, ngày 11/3, Đội QLTT số 4 phối hợp với Công an xã Quỳnh Thắng và Công an huyện Quỳnh Lưu tiến hành kiểm tra cơ sở cung ứng phân bón của Công ty Nasu tại nhà Nguyễn Thị Thương (xóm 5), qua đó phát hiện lô hàng 500 bao phân bón, có trọng lượng 12.500 kg, nhãn hiệu phân bón NPK Mặt Trời 10-5-15 TE của Công ty Agripro, mã hàng tương tự lô hàng đã phát hiện trước đó tại huyện Nghĩa Đàn. Nghi ngờ là phân bón giả, kém chất lượng, lực lượng chức năng đã niêm phong lô hàng để lấy mẫu đi giám định.
Kết quả cho thấy, toàn bộ lô hàng phân bón NPK nhãn hiệu Mặt Trời do Công ty Agripro cung ứng cho các hộ trồng mía tại xã Quỳnh Thắng, huyện Quỳnh Lưu và xã Nghĩa Thắng, huyện Nghĩa Đàn theo đơn đặt hàng của Công ty Nasu, theo công bố trên bao bì sản phẩm thì hàm lượng đạm - lân - kali là 10-5-15.
Thế nhưng, kết quả thử nghiệm từ Trung tâm Kỹ thuật đo lường chất lượng 2 - Bộ Khoa học và Công nghệ đóng tại Đà Nẵng cho thấy, hàm lượng trong lô hàng đạt dưới 50% so với mức công bố. Nhiều chỉ số ở dưới ngưỡng 50% hàm lượng, cũng có chỉ số chỉ đạt 0,8 - 1%. Vì vậy, số phân bón Mặt Trời này là phân bón giả.
“Ngày 11/4, tại buổi làm việc với Chi cục QLTT Nghệ An, đại diện Công ty Nasu đã thừa nhận việc nhập số phân bón giả này từ Công ty Agripro, theo hợp đồng trồng mía với số lượng 300 tấn, giá 5,5 triệu đồng/tấn. Trong số 100 tấn đã phân phối đến nông dân, có 70 tấn ở huyện Nghĩa Đàn và 30 tấn ở huyện Quỳnh Lưu”, ông Nguyễn Văn Minh, Phó Giám đốc Sở Công thương Nghệ An cho biết.
Bất thường trong việc xử lý
Trao đổi với phóng viên, đại diện Công ty Nasu cho rằng, để đảm bảo nguyên liệu cho nhà máy, từ nhiều năm qua, Công ty Nasu đã nhận cung ứng phân bón theo hợp đồng với các hộ trồng mía. Công ty không thu tiền của nông dân khi cung ứng phân bón mà cam kết thu mua sản phẩm và khấu trừ khi vào vụ thu hoạch. Phía nhà máy cam kết chịu trách nhiệm kiểm soát chất lượng phân bón đúng theo hàm lượng được công bố trên bao bì và trong hợp đồng.
Sản phẩm phân bón Mặt Trời được sản xuất theo đơn đặt hàng của Công ty TNHH Mía đường Nghệ An |
Thực tế từ nhiều năm qua, việc phối hợp này rất nhuần nhuyễn và phía Nasu cũng được hưởng lợi thực sự khi có nguồn nguyên liệu đầu vào đảm bảo chất lượng. Sự cố phân bón Mặt Trời không đủ hàm lượng như công bố là rất đáng tiếc.
Sau khi phát hiện sự việc, phía Công ty Nasu đã nhận toàn bộ trách nhiệm và sẽ không thu tiền lượng phân bón giả đã được phân phối, đồng thời tiến hành bồi thường thiệt hại cho người dân đã bón phân giả do nhà máy cung ứng. Ngoài ra, phía Công ty Agripro cũng đã có văn bản nhận trách nhiệm về lô phân bón mà đơn vị sản xuất.
Mặc dù vậy, điều dư luận quan ngại là, sự việc trên mang tính nghiêm trọng nhưng cơ quan chức năng lại “phớt lờ” trong cách xử lý và cảnh báo đến nông dân. Khi phát hiện sự việc, lực lượng QLTT đã không chủ động công bố rộng rãi để người dân biết và phòng ngừa. Kết quả là khi thông báo đến được với nông dân thì bà con đã sử dụng gần hết số phân bón giả này.
Thậm chí, khi Đội QLTT số 6 bắt lô phân bón NPK nhãn hiệu Mặt Trời nghi là giả, đáng lẽ động thái đầu tiên là phải thông báo rộng rãi để tránh thiệt hại cho nông dân; đồng thời phối hợp, bàn giao tang vật cho cơ quan Công an vào cuộc để điều tra, mở rộng thì đơn vị này lại tổ chức tiêu hủy toàn bộ số phân bón giả nói trên.
Về kiến nghị xử phạt hành chính Công ty Nasu, đại diện Chi cục QLTT Nghệ An cho rằng, chỉ mới có chế tài xử lý cá nhân chứ chưa có quy định xử lý đối với tổ chức liên quan đến phân bón giả nên chỉ đề xuất xử lý hành chính với Công ty Nasu.
Điều 195 Bộ luật Hình sự 2015: “Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, vật nuôi” quy định: Cá nhân hoặc cơ quan pháp nhân sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, vật nuôi thì bị phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 1 tỉ đồng hoặc phạt tù từ 1 - 20 năm tùy theo tính chất, mức độ vi phạm. Điều 10 Nghị định số 15/2010/NĐ-CP ngày 1/3/2010 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động sản xuất, kinh doanh phân bón thì phạt tiền từ 1 - 100 triệu đồng. |
Thiện Thành