Kinh tế xã hội

Phân bón giả, người dân gánh hậu quả thật

10:00, 27/04/2016 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Chống hàng giả, hàng “nhái”, không rõ nguồn gốc, xuất xứ và chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm đang nhận được sự vào cuộc của cả cộng đồng. Tuy nhiên, việc phát hiện hàng trăm tấn phân bón giả trên địa bàn các huyện Quỳnh Lưu, Nghĩa Đàn (Nghệ An) vào thời gian qua đã gây hoang mang, lo lắng trong nhân dân.

Theo thông tin từ Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Nghệ An, sau khi Đội Quản lý thị trường số 6 đóng tại TX Thái Hoà phát hiện số lượng lớn phân bón Mặt Trời giả do Công ty CP Dịch vụ nông nghiệp Agripro, trụ sở tại Hà Nội sản xuất, cung ứng cho Công ty CP Mía đường Nghệ An cấp cho nông dân trồng mía ở xã Nghĩa Thắng, huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An, đơn vị này còn phát hiện khối lượng lớn phân bón giả trên địa bàn.

Số lượng lớn phân bón nhãn hiệu Mặt Trời nghi là giả được phát hiện trong một nhà dân ở xã Quỳnh Thắng, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An
Số lượng lớn phân bón nhãn hiệu Mặt Trời nghi là giả được phát hiện trong một nhà dân ở xã Quỳnh Thắng, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An

Sau khi nhận được thông tin phản ánh của người dân và báo chí, các cơ quan chức năng đã nhanh chóng vào cuộc điều tra, xử lý. Phía đơn vị cung ứng và sản xuất phân bón bị phát hiện là giả, kém chất lượng đã có cam kết thu hồi cũng như hỗ trợ thiệt hại cho người dân trồng mía trên địa bàn.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu thì trước khi phát hiện sự việc nói trên, hàng trăm hộ dân trồng mía ở các huyện Nghĩa Đàn, Quỳnh Lưu, TX Thái Hoà cũng đã sử dụng một lượng lớn phân bón Mặt Trời giả để bón cho cây mía từ hồi đầu năm 2016 đến nay.

Vì vậy, nguy cơ cây mía sinh trưởng kém, còi cọc, đất bị ô nhiễm… sẽ hiện hữu trong thời gian tới nếu các cấp, ngành không có giải pháp khắc phục kịp thời. Điều đáng nói là, việc người nông dân sử dụng phân bón giả sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng sản phẩm nông nghiệp.

Qua phân tích của các nhà khoa học, hệ luỵ của tình trạng sản xuất, sử dụng phân bón giả, kém chất lượng sẽ tác động rất lớn tới chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Bởi khi người dân sử dụng phân bón giả trong quá trình sản xuất nông nghiệp thì sự liên kết phản ứng hoá học trong đất sẽ biến đổi theo chiều hướng xấu.

Đó là tình trạng hoang hoá đất, ô nhiễm môi trường đất… dẫn đến quá trình sinh trưởng và phát triển của cây trồng cũng bị biến đổi. Chưa kể, trước việc cây còi cọc, kém phát triển, người nông dân sẽ dễ sa vào thói quen sử dụng số lượng lớn thuốc kích thích, trừ sâu và các loại chất cấm trong nông nghiệp.

Từ đó, dư lượng độc tố do thuốc bảo vệ thực vật có trong sản phẩm nông nghiệp sẽ ảnh hưởng đến chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm trên thị trường. Khi đó, hệ luỵ kép từ việc sử dụng phân bón giả sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới sức khoẻ của con người. Thế nhưng, vì lợi nhuận, nhiều doanh nghiệp, cá nhân vẫn lén lút sản xuất phân bón giả, kém chất lượng để tung ra thị trường.

“Từ nhiều năm nay, người dân chúng tôi chủ yếu trồng mía. Do được cung ứng, bao tiêu sản phẩm nên khi nhà máy mía đường cấp phân bón, chúng tôi đã nhận và bón cho cây mía theo đúng thời vụ mà không thể phân biệt được thật, giả. Đầu tháng 4 vừa qua, khi nghe thông tin phân bón Mặt Trời sử dụng trong thời gian qua là giả thì người dân đã bón cho mía gần hết số lượng cung ứng trên địa bàn. Bây giờ ra thăm ruộng, thấy cây mía còi cọc, đất không tơi xốp như vụ mùa trước, chúng tôi cũng hoang mang lắm. Không biết bao giờ người dân mới xử lý được tình trạng này đây”, anh Nguyễn Văn Tuy trú tại xóm Đông Xuân, xã Quỳnh Châu, huyện Quỳnh Lưu cho biết.

Không chỉ người dân ở xã Quỳnh Châu mà các xã Quỳnh Thắng, Tân Thắng, huyện Quỳnh Lưu cũng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi hàng trăm tấn phân bón nhãn hiệu Mặt Trời giả.

Ông Nguyễn Xuân Dinh, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quỳnh Lưu cho biết: “Sau khi phát hiện sự việc phân bón Mặt Trời nghi là giả mà người dân trên địa bàn đã bón cho cây mía, Phòng đã phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra. Qua đó, đơn vị cũng đã có thông báo rộng rãi tới người dân về việc ngừng sử dụng lượng phân bón Mặt Trời đã đưa về cho từng hộ trồng mía trước đó. Tuy nhiên, theo tôi, để chấm dứt tình trạng này, các cơ quan chức năng cần thường xuyên kiểm tra, giám sát chặt chẽ hơn nữa, tránh gây hậu quả cũng như hệ luỵ lâu dài tới ngành nông nghiệp”.

Còn theo ông Nguyễn Văn Thắng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường tỉnh, việc đơn vị sản xuất, cung ứng phân bón giả, kém chất lượng cho người dân là vi phạm pháp luật.

Tuy nhiên, theo quy định tại Nghị định 163/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hóa chất, phân bón… thì việc xử lý vi phạm đối với hành vi này chưa đủ sức răn đe. Chính vì vậy, tình trạng các đơn vị, cá nhân, doanh nghiệp lén lút hoặc cố tình sản xuất phân bón giả vẫn diễn ra, gây ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm.

Thời gian tới, các hành vi vi phạm liên quan đến sản xuất hàng giả, hàng “nhái”, mua bán, vận chuyển chất cấm trong nông nghiệp sẽ bị xử phạt từ 5 - 20 năm tù theo Luật Hình sự sửa đổi, bổ sung năm 2015, có hiệu lực từ ngày 1/7/2016.

Tuy nhiên, để ngăn chặn tình trạng sử dụng hàng giả, hàng “nhái”, hàng kém chất lượng trong nông nghiệp, trong đó có phân bón, các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Ngọc Thái

Các tin khác