Kinh tế xã hội
Tương tác giữa quy hoạch, kiến trúc với sự phát triển đô thị và nông thôn
(Congannghean.vn)-Quy hoạch và kiến trúc có tầm quan trọng đặc biệt đối với mỗi quốc gia, địa phương. Trong mỗi giai đoạn lịch sử, quy hoạch và kiến trúc có sự điều chỉnh khác nhau nhưng luôn có sự tương tác. Vì vậy, quy hoạch và quản lý quy hoạch để tạo ra kiến trúc đồng bộ, bắt nhịp với sự phát triển chung là yêu cầu được đặt ra trong thực tiễn hiện nay.
Trong công cuộc xây dựng nông thôn mới, công tác quy hoạch xây dựng nông thôn mới là công việc mang tính tiền đề, có tầm quan trọng trước mắt cũng như lâu dài đối với việc thực hiện chủ trương lớn này.
Kiến trúc đô thị TP Vinh nhìn từ trên cao |
Trong giai đoạn xây dựng nông thôn mới theo 19 tiêu chí quốc gia, công tác quy hoạch là cơ sở hoạch định đường lối trong xây dựng, phát triển nông thôn theo đúng tinh thần Nghị quyết 26 của Ban Chấp hành Trung ương khóa X.
Thực tiễn cho thấy, kiến trúc nông thôn truyền thống Việt Nam gắn liền với quá trình phát triển của dân tộc, liên quan đến sự phát triển của mỗi vùng, miền và có ý nghĩa về văn hóa, lịch sử, thậm chí là quan niệm sống… Kiến trúc mỗi vùng, miền có đặc điểm riêng và ảnh hưởng nhiều bởi điều kiện tự nhiên, văn hóa, lịch sử.
Hiện nay, xu hướng đô thị đang tác động một cách mạnh mẽ đến không gian, kiến trúc của khu vực nông thôn. Vì vậy, ngoài việc đáp ứng các nhu cầu của cuộc sống mới, đô thị hóa vô hình trung làm ảnh hưởng đến quy hoạch, kiến trúc nhà ở, thậm chí phá vỡ không gian kiến trúc của vùng.
Có thể thấy, kiến trúc nông thôn hiện nay không được quan tâm hướng dẫn cả về quy hoạch lẫn thẩm mỹ. Nhà cửa, ngõ xóm xây dựng ít khi theo quy hoạch (do yếu tố chủ quan là không được hướng dẫn theo quy hoạch), tạo nên sự hỗn độn, phá vỡ khung cảnh làng quê. Do đó, tác động của quy hoạch nông thôn đến kiến trúc về cảnh quan và không gian văn hoá làng quê đang bị phá vỡ như điều kiện môi trường sống, hạ tầng giao thông.
Kiến trúc quy hoạch được thể hiện ở 3 khu vực là đô thị, ngoại ô và nông thôn. Những thay đổi về cơ cấu ngành (từ nông nghiệp nông thôn sang dịch vụ) đã làm thay đổi cấu trúc xã hội của mỗi khu vực.
Theo ý kiến của các chuyên gia, kiến trúc sư, về việc không gian làng truyền thống bị phá vỡ, lỗi không hoàn toàn thuộc về người nông dân. Song, nếu nhận thấy hết những giá trị không gian trật tự, ổn định của làng truyền thống, nơi phát nguồn của văn minh đô thị tại Việt Nam thì nông dân sẽ biết làm mới không gian sống của mình trong một chỉnh thể ổn định vốn có của làng.
Quá trình đô thị hóa như một làn gió mới thổi vào vùng nông thôn. Thế nhưng, cho đến nay, chưa một cơ quan, tổ chức nào hướng dẫn nông dân xây dựng nhà cửa phù hợp với điều kiện kinh tế mà vẫn đảm bảo tính thẩm mỹ; cũng chưa có tổ chức, cá nhân nào giới thiệu mô hình làng đẹp ở các làng quê thành một “mẫu chung” để nhân rộng.
Mặc dù đã có nhiều cuộc hội thảo, các đợt nghiên cứu nhưng nhìn chung không gian làng truyền thống, quỹ kiến trúc chưa được nhìn nhận và nghiên cứu đúng với vai trò của nó và xa rời thực tiễn cuộc sống hiện tại.
Mới đây, tại Hội nghị lấy ý kiến xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án phát triển TP Vinh, ông Lương Bá Quảng, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Nghệ An đặt câu hỏi: “TP Vinh có còn là trung tâm của khu vực Bắc miền Trung nữa không?”. Bởi theo ông thấy, TP Vinh vẫn đứng yên còn tất cả đang chuyển động. Lý lẽ được đưa ra là các địa phương “láng giềng” như TP Thanh Hóa và TP Hà Tĩnh đang phát triển và có sự “soán ngôi”.
Trăn trở về tốc độ phát triển của thành phố, ông Quảng nêu ý kiến, một trong những động lực chính để xây dựng TP Vinh đáp ứng được các tiêu chí trung tâm vùng Bắc Trung Bộ là phải nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Muốn vậy, Vinh phải thực sự là “thành phố đáng sống”, trên cơ sở phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh thực tế thì mới thu hút được nhiều người đến định cư, sinh sống, làm việc, nâng cao sức cạnh tranh cho thành phố.
Xuân Thống