Kinh tế xã hội
Nghệ An: Dự án trồng cây đinh lăng 'chết yểu'
(Congannghean.vn)-Hàng vạn cây đinh lăng từ dự án của tổ chức Oxfam tài trợ cho 17 hộ dân tại 2 bản Tân Hương và bản Tờ, xã Yên Khê, huyện Con Cuông, Nghệ An đã bị chết yểu, dẫn đến việc dự án thất bại hoàn toàn.…
Để giúp bà con các dân tộc thiểu số tại xã Yên Khê chuyển đổi cây trồng, tổ chức Oxfam đã lập dự án hỗ trợ cho 17 hộ dân trên địa bàn trồng cây đinh lăng. Theo thông tin bà con được biết thì sau 3 năm trồng đinh lăng sẽ cho thu hoạch với mức giá 200.000 đồng/cây. Điều này đồng nghĩa với việc mỗi ha trồng 27.000 - 30.000 cây đinh lăng sẽ cho thu nhập từ 5,4 – 6 tỉ đồng/ha.
Cây đinh lăng mà bà con bản Tờ trồng giờ chỉ còn trơ gốc |
Dự án bắt đầu triển khai thực hiện từ tháng 8/2015 và 17 hộ dân đã mua giống đinh lăng về trồng. Ông Lô Văn Duyệt ở bản Tân Hương cho biết, ngoài 2.000 cây giống do dự án cấp, gia đình ông còn bỏ vốn mua thêm 3.000 cây với giá 7.000 đồng/cây. Tuy nhiên, sau 6 tháng dày công chăm sóc, đến nay, toàn bộ 5.000 cây đinh lăng đều bị chết, gây thiệt hại hơn 20 triệu đồng tiền giống, chưa kể công làm đất và chăm bón.
Còn gia đình ông Lô Văn Tý trú cùng bản mua 10.000 cây giống với tổng số tiền 100 triệu đồng. Tuy nhiên, đến nay, trên 90% số cây bị chết, số còn lại dự đoán cũng không thể tiếp tục phát triển trong thời điểm nắng hạn sắp tới. Ngoài hộ ông Duyệt, ông Tý, 15 hộ dân khác trồng đinh lăng cũng gặp phải tình cảnh tương tự.
Trao đổi với chúng tôi, bà Phạm Thị Ngân, Kỹ sư nông học, Trưởng trạm Bảo vệ thực vật huyện Con Cuông cho biết, trước khi đưa cây đinh lăng về trồng, huyện không tham khảo ý kiến của Trạm mà chỉ sau khi đưa giống về, huyện mới mời Trạm vào kiểm dịch giống. Cán bộ trong Trạm thấy rằng, nếu đưa cây đinh lăng về huyện, nên chọn nơi có trình độ dân trí cao và đất tốt thì mới có tính khả thi.
Đây không phải là lần đầu tiên dự án đưa cây giống về trồng tại khu vực bà con dân tộc thiểu số sinh sống gặp thất bại mà đã có hàng chục dự án khác cũng gặp phải tình cảnh tương tự bởi trước khi tiến hành chuyển đổi cây trồng, chính quyền địa phương chưa quan tâm đến trình độ dân trí, phong tục tập quán và chưa tiến hành tập huấn kỹ thuật cho bà con. Vì thế nên các dự án trồng cà phê, tiêu, xoài, vải, nhãn, hồng, thậm chí là đưa cây chè công nghiệp vào trồng ở vùng này cũng bị thất bại.
Được biết, cây đinh lăng vừa để làm cảnh, vừa là thứ rau ăn kèm với một số món ăn như nem cuốn, gỏi cá…
Ngoài ra, cây còn được dùng để làm thuốc. Rễ đinh lăng được lấy ở những cây trồng từ 5 năm trở lên. Sau khi đào, rễ được rửa sạch, cắt bỏ phần rễ sát với gốc thân, rễ nhỏ thì dùng cả, nếu rễ to thì dùng phần vỏ rễ. Rễ thái nhỏ, phơi khô ở chỗ râm mát, thoáng gió để giữ mùi thơm. Lá đinh lăng có tác dụng chống bệnh co giật ở trẻ em, lá non và lá già phơi khô, lót dưới gối hoặc trải giường cho trẻ nằm rất tốt cho sức khỏe. Thân cành đinh lăng sắc uống chữa bệnh đau lưng, mỏi gối, tê thấp, dùng phối hợp với rễ cây xấu hổ, cúc tần, cam thảo dây…
Dự án ra đời với mục đích giúp bà con các dân tộc thiểu số xóa đói, giảm nghèo bền vững là điều rất cần thiết. Tuy nhiên, trước khi đưa cây gì, con gì cần thử nghiệm trước và phải tập huấn kỹ thuật, nghiên cứu kỹ về chất đất và chế độ sinh lý của từng loại, còn nếu làm theo “phong trào” thì sẽ rất khó thành công.
Phùng Văn Mùi