(Congannghean.vn)-Nghệ An là địa phương có nhiều thế mạnh để phát triển nông nghiệp, đặc biệt là các mặt hàng trong lĩnh vực nông - lâm - thủy sản. Những năm qua, lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn của tỉnh đã đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận: Tốc độ tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế nội ngành chuyển dịch theo hướng tích cực; sản xuất nông nghiệp chuyển hướng nhanh sang nông nghiệp hàng hóa, nâng cao giá trị trên đơn vị diện tích, đảm bảo an ninh lương thực. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế trong lĩnh vực phát triển cơ sở hạ tầng, thị trường và quan hệ sản xuất trong nông nghiệp, phát triển nông thôn.
“Trải thảm” doanh nghiệp đầu tư
Theo thống kê, năm 2010, toàn tỉnh có gần 1.500 doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Đến năm 2013, đã có trên 1.800 doanh nghiệp hoạt động ở địa bàn nông thôn với nhiều ngành nghề kinh doanh khác nhau. Mặc dù số lượng doanh nghiệp “nhảy” vào đầu tư lĩnh vực này có xu hướng tăng, song nhìn chung, các doanh nghiệp có số vốn thấp so với yêu cầu, hiệu quả sản xuất kinh doanh còn hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế và yêu cầu đặt ra của tỉnh.
Trong khi đó, ở địa phương, các chính sách của Nhà nước, của tỉnh về khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn chưa phát huy hiệu quả như mong muốn. Nguyên nhân thuộc về yếu tố khách quan là việc đầu tư vào lĩnh vực này có nhiều rủi ro, môi trường kinh doanh chưa thuận lợi; chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư chưa đủ “hấp dẫn”, chưa thực sự lôi cuốn các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này.
Đồng chí Nguyễn Xuân Đường- Chủ tịch UBND tỉnh cùng đoàn công tác kiểm tra Trại ươm giống cây chanh leo của Công ty CP Đầu tư phát triển nông nghiệp NAPAGA, thuộc Công ty Nafoods đầu tư trên địa bàn huyện Quế Phong |
Thực tế trong những năm qua, thực hiện chủ trương thu hút đầu tư của tỉnh, nhiều doanh nghiệp đã mạnh dạn thăm dò, khảo sát tại các địa phương và đi đến quyết định đầu tư trên lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh. Tiêu biểu như Nhà máy thủy sản Royal Foods của Thái Lan đầu tư vào Khu kinh tế Đông Nam khi thu mua nguyên liệu cá ở dọc các tỉnh miền Trung và cả nước với công suất nông - thủy hải sản và thịt đông lạnh 9.150 tấn/năm; nông - thủy hải sản và thịt sơ chế 2.700 tấn/năm và cả chế biến bột cá 6.000 tấn/năm, đến nay Nhà máy đã đi vào sản xuất ổn định.
Ngoài ra còn có các doanh nghiệp đầu tư với quy mô lớn như Nhà máy chế biến thức ăn gia súc, Nhà máy chế biến gỗ dăm MDF, Nhà máy dứa, sữa, sắn…hay tại doanh nghiệp đến các địa phương miền núi, trung du đầu tư khai thác về gạch (huyện Tân Kỳ), xi măng (huyện Đô Lương)… Có thể khẳng định, địa phương nông thôn nào được các nhà máy, công ty “ưu ái” lựa chọn đầu tư kinh doanh thì nơi đó bộ mặt, diện mạo có sự khởi sắc, đời sống của người dân được nâng cao, các tài nguyên về đất đai, nhân lực được “đánh thức”.
Tháo gỡ những vướng mắc
Những năm qua, chính sách và những cơ chế liên quan đến lĩnh vực đầu tư vào nông nghiệp của tỉnh luôn dành sự ưu tiên cho các doanh nghiệp đầu tư, nhưng nhìn chung, số lượng doanh nghiệp tập trung ở khu vực nông thôn còn chiếm tỉ lệ thấp (trên dưới 25%). Do đó, mặc dù Nhà nước đã thực hiện nhiều chính sách khuyến khích đầu tư vào khu vực nông thôn song vẫn chưa phát huy hết tác dụng hoặc mức độ tác động của chính sách này chưa lớn, chưa thực sự hiệu quả.
Năm 2015, tỉnh đã ban hành Quyết định 08, quy định một số chính sách đặc thù khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2015 - 2020. Đề án đã xác định những chính sách cụ thể, phù hợp với định hướng phát triển nông nghiệp, nông thôn, trình độ và quy mô đầu tư của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, góp phần tạo chuyển biến trong lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững; khai thác tiềm năng và góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn.
Tuy nhiên, các chính sách này chỉ áp dụng cho các doanh nghiệp thực hiện dự án thuộc dự án nông nghiệp đặc biệt ưu đãi đầu tư, dự án nông nghiệp ưu đãi đầu tư, dự án nông nghiệp khuyến khích đầu tư theo quy định tại Điều 3 Nghị định số 210/2013/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.
Nghĩa là dự án nông nghiệp ưu đãi đầu tư là dự án thuộc lĩnh vực nông nghiệp đặc biệt ưu đãi đầu tư thực hiện tại địa bàn thuộc danh mục địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và vùng nông thôntheo quy định pháp luật về đầu tư. Đây thực sự là những khó khăn và rào cản đối với mỗi doanh nghiệp khi đầu tư vào nông thôn, những nơi có thể đem lại lợi ích hài hòa giữa “3 nhà”.
Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, đã đến lúc cần phải thay đổi cách nhìn về vai trò của doanh nghiệp trong nông nghiệp. Doanh nghiệp phải đóng vai trò then chốt, là người dẫn dắt nông nghiệp trong bối cảnh nền kinh tế hội nhập sâu rộng như hiện nay. Do đó, theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát, phải tập trung tháo gỡ vướng mắc về đất đai, tín dụng bảo hiểm trong nông nghiệp; ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng chuỗi liên kết…
Trong bối cảnh hội nhập hiện nay, lĩnh vực nông nghiệp phải tiến hành tái cơ cấu và đổi mới, hướng đến nền nông nghiệp cạnh tranh quốc tế. Nông nghiệp vừa phải đảm bảo an ninh lương thực, vừa góp phần nâng cao thu nhập của đa số người dân Việt Nam là nông dân. Để làm được điều này, doanh nghiệp đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Việc hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn để doanh nghiệp phát triển chính là hỗ trợ cho nông dân.