Kinh tế xã hội
Nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng trong tái cơ cấu doanh nghiệp
(Congannghean.vn)-Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2015 đã xác định, tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước là 1 trong 3 trụ cột trong quá trình tái cơ cấu nền kinh tế (cùng với tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu ngân hàng và tổ chức tín dụng).
Theo đó, việc sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp Nhà nước là một trong những nội dung quan trọng của công cuộc cải cách nền kinh tế để doanh nghiệp Nhà nước có cơ cấu hợp lý hơn; tập trung vào ngành, lĩnh vực then chốt, cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích thiết yếu cho xã hội và quốc phòng - an ninh, làm nòng cốt để kinh tế Nhà nước thực hiện vai trò chủ đạo trong nền kinh tế quốc dân.
Thời gian qua, cùng với các địa phương khác trong cả nước, Nghệ An đã đẩy mạnh tái cơ cấu doanh nghiệp trên nhiều lĩnh vực và đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Trong đó, Đảng ủy Khối doanh nghiệp tỉnh đã tập trung lãnh đạo các tổ chức cơ sở Đảng thực hiện tốt quá trình sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp Nhà nước.
Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng trong các doanh nghiệp Nhà nước gắn liền với phát triển sản xuất, đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất lao động (Ảnh trong bài: Công nhân Công ty TNHH MTV Cấp nước Nghệ An đang vận hành máy móc) |
Theo số liệu của Ban Thường vụ Đảng ủy khối Doanh nghiệp tỉnh Nghệ An, Đảng bộ khối Doanh nghiệp hiện có 135 tổ chức cơ sở Đảng, với tổng số đảng viên là 5.018, tổng số lao động trong các doanh nghiệp là 19.365 người. Giai đoạn 2011 - 2015, có 5 doanh nghiệp Nhà nước chuyển đổi tái cơ cấu, gồm: Công ty TNHH MTV Cấp nước Nghệ An, Công ty in báo Nghệ An, Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển hạ tầng Nghệ An (doanh nghiệp do tỉnh quản lý) và Công ty Cổ phần Cảng Nghệ Tĩnh, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam chi nhánh TP Vinh (doanh nghiệp do Trung ương quản lý).
Trong thời gian qua, do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu nên nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Phần lớn doanh nghiệp thiếu vốn sản xuất, việc tiếp cận nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ đối với một số doanh nghiệp không thực hiện được do nhiều ràng buộc, vướng mắc liên quan đến thủ tục pháp lý.
Theo ông Thái Khắc Thư, Bí thư Đảng ủy khối Doanh nghiệp, thực hiện Nghị quyết TW9 “Về sắp xếp, đổi mới phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước” và Nghị định 59/2011 của Chính phủ “Về chuyển doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước thành Công ty cổ phần”, Đảng ủy khối Doanh nghiệp đã phối hợp với các cấp, các ngành và Ban Đổi mới doanh nghiệp tỉnh tăng cường lãnh đạo các cấp ủy, cơ sở thực hiện tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, người lao động về chủ trương sắp xếp, chuyển đổi, nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp Nhà nước.
Trong 2 năm 2014 và 2015, các đơn vị thuộc diện tái cơ cấu đã đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi. Riêng về mô hình tổ chức Đảng được chuyển sang mô hình tổ chức Đảng trong công ty cổ phần hoặc công ty TNHH MTV Nhà nước chi phối vốn.
Trong quá trình tái cơ cấu, việc đổi mới phương thức lãnh đạo của tổ chức Đảng trong doanh nghiệp cổ phần hóa đóng vai trò rất quan trọng. Bám sát sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Đảng ủy khối Doanh nghiệp đã thông qua cấp ủy, cơ sở chỉ đạo các tổ chức, đoàn thể như Công đoàn, Đoàn Thanh niên tham gia vận động công nhân viên, người lao động hiểu rõ chủ trương chuyển đổi, cổ phần hóa doanh nghiệp.
Sau khi tiến hành chuyển đổi, tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, để nhanh chóng ổn định tổ chức và đánh giá hiệu quả việc tái cơ cấu doanh nghiệp, trong thời gian 6 tháng hoặc 1 năm, cấp ủy tiến hành làm việc với các tổ chức, đoàn thể để phối hợp, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị, công tác xây dựng Đảng trong doanh nghiệp, nhằm xây dựng doanh nghiệp ngày càng phát triển.
Qua nghiên cứu tình hình thực tế tổ chức cơ sở Đảng trong doanh nghiệp, Ban Thường vụ Đảng ủy khối phối hợp với các đơn vị chỉ đạo công tác cán bộ cơ sở gắn chủ trì cấp ủy với lãnh đạo chuyên môn theo mô hình “ 3 trong 1” hoặc “2 trong 1” để nâng cao hiệu quả lãnh đạo của tổ chức Đảng. Trong 5 doanh nghiệp tái cơ cấu, có 4 doanh nghiệp đã thực hiện mô hình Bí thư kiêm Chủ tịch Hội đồng thành viên và Giám đốc Công ty, còn 1 doanh nghiệp thuộc Trung ương quản lý thực hiện Bí thư kiêm Giám đốc (Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam chi nhánh TP Vinh).
Có thể thấy, nhìn chung, tại các doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi, các cấp ủy, cơ sở đã từng bước đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của Đảng, qua đó từng bước khẳng định và phát huy vai trò là hạt nhân chính trị, lãnh đạo thành công quá trình sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp.
Cùng với đó, lãnh đạo cán bộ đảng viên và người lao động sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, hoàn thành các nghĩa vụ với Nhà nước, đảm bảo hài hòa mối quan hệ về quyền lợi và nghĩa vụ của các thành viên, đổi mới và thường xuyên chăm lo công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị tại doanh nghiệp.
Hiện nay, sau khi cổ phần hóa, các doanh nghiệp vẫn giữ vững hoạt động sản xuất, kinh doanh nhưng chưa mạnh dạn đầu tư đổi mới trang thiết bị, công nghệ để đẩy nhanh quá trình phát triển và mở rộng quy mô doanh nghiệp. Đặc biệt, có doanh nghiệp thuộc Trung ương quản lý trước khi cổ phần hóa vì nợ xấu quá lớn, không thể tiếp tục hoạt động nên phải sáp nhập cả hệ thống vào đơn vị khác. Vì vậy, việc tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng tại các doanh nghiệp có ý nghĩa quan trọng, góp phần kịp thời phát hiện những khó khăn, vướng mắc để chỉ đạo tháo gỡ, đồng thời kiến nghị các cấp có thẩm quyền có biện pháp xử lý hiệu quả.
Mai Hậu