Kinh tế xã hội

Ngăn ngừa sử dụng chất cấm trong nông nghiệp

Cần đề cao trách nhiệm của cộng đồng

13:49, 24/01/2016 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Hiện nay, việc sử dụng chất cấm trong nông nghiệp ở các khâu sản xuất, chế biến, đặc biệt là trong lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt đang trở thành vấn đề đáng báo động; vì vậy rất cần sự quan tâm và trách nhiệm của cả cộng đồng.

Nghệ An là tỉnh có diện tích rộng, người dân chủ yếu sản xuất nông nghiệp, trồng trọt, chăn nuôi. Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có trên 700.000 con trâu, bò,  trên 1 triệu con lợn và 17 triệu con gia cầm. Những năm gần đây, ngành chăn nuôi trở thành thế mạnh của tỉnh và được xác định là mũi nhọn trong phát triển kinh tế nông nghiệp.

Bên cạnh việc đảm bảo sự ổn định cho nguồn thực phẩm, phục vụ nhu cầu của người dân trong tỉnh, hiện ngành chăn nuôi đang được chú trọng đầu tư nhằm tạo ra khối lượng sản phẩm lớn, phục vụ thị trường trong và ngoài nước. Việc tuân thủ các quy trình kỹ thuật, giữ vững uy tín trong chăn nuôi đang được các ngành cũng như các địa phương và nhân dân quan tâm thực hiện; đặc biệt là tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các hộ chăn nuôi về việc không sử dụng các chất cấm trong gia súc, gia cầm.

Sử dụng chất cấm trong chăn nuôi là tội ác - Ảnh minh họa
Sử dụng chất cấm trong chăn nuôi là tội ác - Ảnh minh họa

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc tăng cường quản lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và sử dụng chất cấm trong sản xuất, nuôi trồng, chế biến thực phẩm nông, lâm, thủy sản, đoàn kiểm tra chuyên ngành của Sở NN&PTNT đã tổ chức kiểm tra 3 nhà máy sản xuất, 26 tổng kho, đại lý cấp 1 thức ăn chăn nuôi, tiến hành lấy 52 mẫu để kiểm tra; theo đó các mẫu này đều nằm trong ngưỡng cho phép. Đoàn cũng đã lấy 66 mẫu thức ăn gia súc công nghiệp để phân tích, qua đó phát hiện 1/82 chỉ tiêu dương tính với chất cấm.

Cũng theo đánh giá của cơ quan chức năng, việc quản lý, ngăn chặn hành vi sử dụng chất cấm trong sản xuất nông nghiệp, nhất là trong chăn nuôi hiện đang gặp rất nhiều khó khăn. Bởi quy mô sản xuất, chế biến các sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn phần lớn còn nhỏ lẻ, theo kiểu hộ gia đình. Việc sản xuất không tập trung, quy mô nhỏ gây khó khăn cho công tác thanh, kiểm tra. Đó là chưa kể đến việc, qua kiểm tra bằng mắt thường thì rất khó xác định mẫu sản phẩm có tồn dư hóa chất hay không.

Thêm vào đó, chế tài xử phạt đối với những vi phạm này còn nhiều bất cập. Vì vậy, nhằm ngăn chặn hành vi sử dụng chất cấm trong nuôi trồng, chế biến sản phẩm nông nghiệp, Sở NN&PTNT đã thành lập đoàn kiểm tra chuyên ngành thực hiện đợt cao điểm hành động năm vệ sinh an toàn thực phẩm, đồng thời tiến hành các cuộc kiểm tra định kỳ và đột xuất tại hầu hết các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn.

Cùng với đó, ngành cũng hướng dẫn, thực hiện tốt việc chuyển giao quy trình sản xuất nông nghiệp để từng bước làm thay đổi tư duy của người dân từ sản xuất chạy theo lợi nhuận sang sản xuất chất lượng theo hướng an toàn. Đơn cử như mô hình nuôi lợn sạch, trồng rau an toàn theo các tiêu chuẩn trong nông nghiệp nhằm mang lại hiệu quả bền vững cho cả người sản xuất và sức khỏe của cộng đồng.

      Năm 2015 là năm được Bộ NN&PTNT chọn là Năm an toàn thực phẩm, nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác đảm bảo sức khỏe cho nhân dân. Thế nhưng, sau gần một năm triển khai thực hiện, tình hình vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm không những không giảm mà còn có diễn biến hết sức phức tạp. Tại Hội nghị toàn quốc về công tác quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản do Bộ NN&PTNT tổ chức ngày 5/11/2015, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát đã phát biểu: “Sử dụng chất cấm là tội ác. Không thể để một người hạ độc nhiều người được...”.

 

Xuân Thống

Các tin khác