Kinh tế xã hội
Thị trường hàng hóa dịp cuối năm: Đảm bảo bình ổn giá
(Congannghean.vn)-Vừa qua, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch dự trữ hàng hóa, bình ổn thị trường dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2016. Kế hoạch nhằm góp phần cân đối cung - cầu hàng hóa, ổn định giá cả thị trường, nhất là các mặt hàng thiết yếu; đáp ứng nhu cầu sản xuất, tiêu dùng của nhân dân và góp phần kiềm chế lạm phát, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.
Theo đó, UBND tỉnh giao cho 5 doanh nghiệp dự trữ hàng bình ổn phục vụ Tết Nguyên đán 2016, gồm: Công ty CP Đầu tư hợp tác kinh tế Việt - Lào, Công ty TNHH TM&DV Đức Thành, Công ty Nông sản XNK Nghệ An, Công ty CP Hữu Nghị và Công ty CP XNK lương thực Thành Sang.
Các mặt hàng thiết yếu nhằm bình ổn thị trường trong dịp Tết Nguyên đán 2016 gồm: Gạo nếp 100 tấn, gạo tẻ 800 tấn, dầu ăn 550.000 lít, với tổng giá trị hàng hóa dự trữ trên 26,7 tỉ đồng. Các doanh nghiệp được hỗ trợ 100% lãi suất tiền vay ngân hàng để mua hàng hóa dự trữ từ ngày 15/12/2015 - 15/3/2016.
Người tiêu dùng có thể yên tâm về nguồn hàng và giá cả trong dịp Tết Nguyên đán bởi UBND tỉnh Nghệ An đã có nhiều kế hoạch bình ổn giá |
UBND tỉnh cũng yêu cầu các doanh nghiệp tham gia chương trình dự trữ hàng hóa bình ổn thị trường dịp Tết phải đảm bảo các nội dung về: Đăng ký giá bán hàng bình ổn với Sở Tài chính, Sở Công thương, thực hiện niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết hàng hóa dự trữ, chuẩn bị đủ số lượng, đảm bảo chất lượng, VSATTP, văn minh thương mại và các quy định pháp luật đối với hàng hóa; đảm bảo cung ứng hàng khi thị trường có biến động. Trong đó, yêu cầu mỗi doanh nghiệp, đơn vị phải có ít nhất 3 điểm bán hàng bình ổn. Tại các điểm bán phải treo biển hiệu và băng rôn “Điểm bán hàng bình ổn giá”. Hàng hóa được niêm yết giá, bày bán trên giá kệ, sắp xếp gọn gàng, thuận tiện cho việc mua sắm.
Ngoài ra, nếu có các mặt hàng khác bán cùng hàng bình ổn giá thì phải được bố trí ở vị trí riêng biệt. Đặc biệt, giá cả các mặt hàng này phải thấp hơn ít nhất từ 5 - 10% so với giá thị trường tại cùng thời điểm của sản phẩm có cùng quy cách, chất lượng.
Theo bà Võ Thị An, Phó Giám đốc Sở Công thương, thực hiện chủ trương hỗ trợ lãi suất 100% vay vốn của UBND tỉnh, các doanh nghiệp đã chủ động tăng lượng hàng hóa dự trữ so với lượng hàng hóa được giao và chủ động bình ổn nhóm hàng thiết yếu; đồng thời để các doanh nghiệp trên địa bàn biết tới chủ trương này của tỉnh, tránh tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá dịp Tết. Trên cơ sở nguồn cung hàng hóa dồi dào, sức mua ổn định và gần đây giá xăng dầu giảm, dự báo thị trường Tết Nguyên đán năm nay không có hiện tượng tăng giá đột biến.
Sở cũng đã chỉ đạo Chi cục QLTT tỉnh tiến hành kiểm tra từng nhóm hàng, tăng cường đấu tranh chống buôn lậu và gian lận thương mại dịp trước, trong và sau Tết để đảm bảo VSATTP, ngăn chặn hàng giả, hàng kém chất lượng, đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo kịp thời các đơn vị, địa phương đảm bảo cân đối cung - cầu hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu. Đảm bảo hàng hóa thông suốt từ sản xuất đến tiêu dùng; tích cực tổ chức các chuyến hàng lưu động phục vụ nhân dân tại các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, miền núi và hải đảo trong dịp Tết; đồng thời tạo điều kiện để các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường, giá cả, chuẩn bị dự trữ hàng hóa; gắn kết các hoạt động kết nối cung -cầu, đưa hàng Việt về nông thôn với việc thực hiện cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam". |
Xuân Thống