Kinh tế xã hội

Hướng mở để phát triển du lịch (Kỳ 1)

08:56, 17/01/2016 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Nghệ An là tỉnh có nhiều tiềm năng trong phát triển ngành công nghiệp không khói. Tuy nhiên, những lợi thế này vẫn chưa được khai thác triệt để. Vì vậy, trong thời gian tới, tỉnh cần đẩy mạnh việc liên kết, hợp tác với các địa phương khác nhằm thúc đẩy sự phát triển của ngành du lịch tỉnh nhà.

Kỳ 1: Mới chỉ dừng lại ở xúc tiến, quảng bá

Từ năm 2013, du lịch Nghệ An đã đẩy mạnh liên kết đầu tư với một số tỉnh, thành như: Lâm Đồng, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và Thanh Hóa. Tuy nhiên, hiệu quả hợp tác, liên kết du lịch ngoại tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế. Theo ông Trương Hải Linh, Giám đốc Trung tâm thông tin xúc tiến du lịch tỉnh, hoạt động liên kết du lịch mới chỉ đạt được những kết quả bước đầu như tham gia các hội chợ tại các tỉnh mà Nghệ An có sự phối hợp.

Trong thời gian qua, đã có một số doanh nghiệp lữ hành tại một số tỉnh, thành đến tham quan, khảo sát tại địa phương, tuy nhiên vẫn chưa xây dựng được các tour, tuyến, sản phẩm du lịch chung. Bởi thực tế, ngoài sự vào cuộc của tỉnh và ngành du lịch trong việc quảng bá, xúc tiến du lịch, hoạt động của các địa phương có tiềm năng du lịch và các doanh nghiệp lữ hành vẫn chưa thật sự phát huy hiệu quả.

Nam Đàn là một trong những điểm đến thu hút một lượng lớn du khách trong hành trình về với xứ Nghệ. Tuy nhiên, trong những năm qua, chương trình hợp tác, liên kết du lịch của huyện còn bộc lộ nhiều hạn chế.

Khu di tích Kim Liên - địa chỉ đỏ trong những tour du lịch về nguồn
Khu di tích Kim Liên - địa chỉ đỏ trong những tour du lịch về nguồn

Ông Lê Công Nam, Phó phòng Văn hóa thông tin huyện Nam Đàn cho biết: “Doanh thu từ ngành du lịch chưa thật sự tương xứng với tiềm năng của huyện. Một số doanh nghiệp lữ hành đã tiến hành khảo sát nhưng chưa hình thành được tour, tuyến kết nối Nam Đàn với các tỉnh khác. Huyện đã có kế hoạch mời các đơn vị truyền thông về tham quan, quảng bá hình ảnh. Còn việc bắt tay với các doanh nghiệp ở tỉnh khác để xây dựng tour thì chủ yếu trông cậy vào kênh kết nối của tỉnh”. Khó khăn trong việc đầu tư làm mới các điểm đến là vấn đề kinh phí. Đơn cử như tại Khu di tích Kim Liên, ngành du lịch Nam Đàn đã đưa dân ca ví, giặm vào phục vụ du khách nhưng nguồn kinh phí để “nuôi” mô hình này vẫn còn là vấn đề trăn trở.

Về phía các doanh nghiệp lữ hành, phần lớn đều chủ động trong hoạt động kết nối tour, tuyến, điểm đến với các tỉnh. Đơn cử như Công ty Lữ hành quốc tế và thương mại NETVIET trong những năm gần đây đã tự khảo sát, phối hợp với các địa phương để xây dựng các tour Vinh - Thành nhà Hồ - Tràng An - Bái Đính - Khu di tích Đinh Lê hay Vinh - Phong Nha Kẻ Bàng - động Thiên Đường - Cố đô Huế - Bà Nà - Hội An - Thánh địa Mỹ Sơn.

Ông Nguyễn Văn Thông, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Công ty cho biết: “Hiện nay, việc liên kết xây dựng tour là do Công ty chủ động thực hiện mà không có sự hỗ trợ hay phối hợp của các địa phương trong tỉnh và cả ngành du lịch. Chúng tôi phải tự tìm cách kết nối với các công ty lữ hành của các tỉnh bạn”. Tuy nhiên, các tour ngoại tỉnh của Công ty còn khá đơn giản, khách đến Nghệ An cũng chỉ dừng chân tại TP Vinh.

Lý giải về điều này, ông Thông cho biết thêm, khó khăn nhất trong việc thu hút khách ngoại tỉnh đến với Nghệ An là các điểm du lịch ít được đầu tư về cơ sở vật chất; hầu hết các địa phương có điểm đến chưa chủ động phối hợp với các doanh nghiệp trong việc quảng bá và khai thác tiềm năng du lịch.

Nghệ An là địa phương có tiềm năng về ngành công nghiệp không khói. Tuy nhiên, trong những năm qua, sự phát triển của ngành du lịch tỉnh nhà chưa thực sự tương xứng với tiềm năng. Một số nơi có cảnh quan thiên nhiên đẹp có thể khai thác để hình thành các tour du lịch sinh thái như Thác Sao Va, lòng hồ thủy điện ở Quế Phong, Vườn quốc gia Pù Mát ở huyện Con Cuông, Hang Bua ở huyện Quỳ Châu... đến nay vẫn chưa được quy hoạch bài bản. Ngoài ra, chưa có công ty du lịch đứng ra tổ chức liên kết hình thành tour dẫn đến tiềm năng của những địa điểm này đang bị "bỏ ngỏ".

Phương Thủy

Các tin khác