Kinh tế xã hội

Những thay đổi trong Luật Bảo hiểm y tế

Thuận lợi cho người khám chữa bệnh

09:36, 11/01/2016 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

Kể từ ngày 1/1/2016, việc tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) là điều kiện bắt buộc; kèm theo đó, quyền lợi BHYT sẽ được mở rộng về đối tượng người nghèo, người dân tộc thiểu số và những người có “thâm niên” tham gia BHYT sau 5 năm liền. Điều đáng chú ý trong Luật BHYT sửa đổi lần này là người sử dụng thẻ BHYT sẽ có quyền khám chữa bệnh ở các cơ sở y tế tuyến huyện trong cùng địa bàn tỉnh, không bị giới hạn bởi nơi đăng ký ban đầu mà vẫn được thanh toán theo đúng mức hưởng theo quy định.

Không giới hạn nơi khám chữa bệnh

Điểm mới của Luật BHYT sửa đổi được Quốc hội khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ 7 vừa qua là từ ngày 1/1/2016 sẽ mở thông tuyến khám chữa bệnh tuyến huyện, tuyến xã trong cùng địa bàn tỉnh. Nghĩa là khi người tham gia BHYT đăng ký khám chữa bệnh ban đầu ở trạm y tế xã, phòng khám đa khoa hoặc bệnh viện huyện thì sẽ được đi khám chữa bệnh ở các cơ sở khám chữa bệnh trong cùng huyện đó hoặc trong phạm vi một tỉnh. Điều đó đồng nghĩa với việc người dân không bị giới hạn bởi một cơ sở khám chữa bệnh ban đầu và được thanh toán theo quy định. Việc mở thông tuyến khám chữa bệnh BHYT được coi là bước đột phá của Luật BHYT sửa đổi lần này.

Luật BHYT sửa đổi hướng đến việc mở rộng đối tượng tham gia                                và thông tuyến khám chữa bệnh
Luật BHYT sửa đổi hướng đến việc mở rộng đối tượng tham gia và thông tuyến khám chữa bệnh

Trước đây, tại các bệnh viện tuyến huyện, nếu người dân đi khám chữa bệnh không đúng tuyến theo quy định thì quỹ BHYT sẽ thanh toán 70% chi phí. Nhưng lần này, quỹ BHYT sẽ thanh toán 100% chi phí cho những đối tượng khám chữa bệnh trong cùng địa bàn tỉnh. Nói cách khác, nếu bệnh nhân không đến nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu mà chọn cơ sở y tế khác thì vẫn được hưởng 100% chi phí.

Liên quan đến quy định này, Ban Thực hiện chính sách BHYT-BHXH Việt Nam cũng cho biết, toàn bộ bệnh nhân tuyến huyện được đi khám chữa bệnh và không cần giấy giới thiệu chuyển viện mà có thể chuyển từ huyện này sang huyện khác trên cùng địa bàn tỉnh. Quy định này sẽ mang lại cho người dân có thẻ BHYT rất nhiều quyền lợi. Theo quy định cũ, người dân có thẻ BHYT muốn chuyển từ tuyến xã lên tuyến huyện thì phải có giấy giới thiệu, nếu không sẽ thành trái tuyến. Nhưng theo Luật BHYT sửa đổi lần này, người dân có thể đến bệnh viện huyện để khám chữa bệnh mà vẫn được hưởng 100% chi phí.

Điểm mới trong Luật BHYT sửa đổi lần này đặt ra vấn đề là, quá trình thực hiện liệu có gây khó khăn cho các bệnh viện? Tuy nhiên, đại diện BHXH Việt Nam cho biết, sẽ không có khó khăn mà còn có tác dụng tích cực. Bởi điều này đòi hỏi các cơ sở phải nâng cao năng lực khám chữa bệnh, đổi mới các trang thiết bị y tế để thu hút được nhiều bệnh nhân. Bên cạnh đó, điểm mới trong Luật BHYT sửa đổi cũng không liên quan đến tình trạng quá tải tại các bệnh viện tuyến trên. Vì các điểm này chỉ liên quan đến việc chuyển giao trong tuyến huyện chứ không phải tuyến Trung ương nên không có gì đáng lo ngại. Bộ Y tế và BHXH Việt Nam đã yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh từ năm 2015 phải ước tính lượng bệnh nhân đến bệnh viện để tăng số lượng bàn khám, tạo điều kiện phục vụ người dân tốt hơn.

Mở rộng đối tượng tham gia

Điểm mới quan trọng của Luật BHYT sửa đổi lần này so với năm 2008 là việc quy định bắt buộc tham gia BHYT theo hộ gia đình và bổ sung thêm cơ chế khuyến khích nếu 100% thành viên trong gia đình tham gia BHYT thì sẽ được giảm mức đóng. Nếu làm được điều này, sẽ góp phần làm giảm tình trạng cấp trùng thẻ BHYT và tình trạng chỉ có người ốm, người bệnh mới tham gia BHYT.

Điểm đáng chú ý trong quá trình thực hiện Luật BHXH mới đó là quan tâm đến quyền lợi của người tham gia. Theo đó, các đối tượng người nghèo, người dân tộc thiểu số sẽ không phải đóng chi trả 5% khi khám chữa bệnh, giảm điều chỉnh mức chi trả đó từ 20% xuống còn 5% đối với một số nhóm thân nhân người có công và đối tượng cận nghèo. Luật cũng quy định thanh toán 100% chi phí khám chữa bệnh đối với người tham gia BHYT từ 5 năm trở lên và trong năm đó họ có số tiền cùng chi trả chi phí khám chữa bệnh lớn hơn 6 tháng lương cơ bản. Luật cũng quan tâm đến đối tượng là người dân sinh sống tại các xã đảo, huyện đảo.

Luật BHYT sửa đổi còn quy định trách nhiệm của UBND các cấp, trong đó UBND cấp xã lập danh sách cấp thẻ BHYT cho các nhóm đối tượng; cấp thẻ BHYT cho trẻ dưới 6 tuổi đồng thời với việc cấp giấy khai sinh, nhằm làm giảm đến mức thấp nhất tình trạng cấp trùng thẻ.

Rõ ràng, việc thực hiện Luật BHYT sửa đổi được Quốc hội thông qua lần này đã tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân tiếp cận với các dịch vụ khám chữa bệnh. Theo số liệu thống kê, đến nay, cả nước có khoảng 61 triệu người tham gia BHYT, đạt gần 69% dân số. Trong số đó có khoảng 14,3 triệu người nghèo và người dân tộc thiểu số, gần 2 triệu người cận nghèo có thẻ BHYT.                 

Xuân Thống

Các tin khác