Kinh tế xã hội
Dấu ấn từ Chương trình 135
(Congannghean.vn)-Thực hiện Chương trình phát triển KT-XH ở các xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2011 - 2015 (gọi tắt là Chương trình 135 giai đoạn 3), hàng chục công trình được đầu tư xây dựng đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, đem lại diện mạo mới về cơ sở hạ tầng cho các huyện miền núi, góp phần quan trọng thúc đẩy sự phát triển KT-XH các địa phương cũng như của tỉnh.
Nghệ An là tỉnh có diện tích lớn nhất cả nước với 16.493,7 km2, vùng miền núi dân tộc chiếm trên 83% diện tích của cả tỉnh, với dân số 1.197.628 người (chiếm 41%), trong đó đồng bào các dân tộc thiểu số là 442.787 người, chiếm 15,2% dân số toàn tỉnh và 36% dân số trên địa bàn miền núi. Thực hiện Chương trình 135 giai đoạn 3, Nghệ An có 107 xã khu vực III, xã biên giới và 55 xã khu vực I, II; 184 thôn, bản thuộc diện được đầu tư.
Bể nước sinh hoạt xã Nậm Càn, huyện Kỳ Sơn được xây dựng từ Chương trình 135 |
Trong những năm qua, cùng với sự phát triển của tỉnh, vùng miền núi dân tộc đã nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn để đạt được những thành tựu quan trọng. Tuy nhiên, kết quả đạt được chưa tương xứng với tiềm năng và yêu cầu cuộc sống của nhân dân; KT-XH chậm phát triển, chủ yếu là thuần nông, cơ cấu chuyển dịch chậm; công tác giảm nghèo tuy đã đạt kết quả nhất định nhưng chưa bền vững, tỉ lệ hộ đói nghèo còn cao. Tình trạng du canh du cư, phát rừng làm nương rẫy vẫn còn tồn tại. Chất lượng giáo dục, đào tạo, chăm sóc sức khoẻ cộng đồng chưa được quan tâm, đầu tư đúng mức.
Thực hiện Chương trình 135, đến nay, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất đã triển khai với số vốn 114.850.000 đồng cho các hợp phần tập huấn khuyến nông, lâm, ngư nghiệp; hỗ trợ mua giống cây trồng, vật nuôi, thiết bị máy móc, tham quan các mô hình sản xuất. Trên 706 tỉ đồng được đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng với 1.014 công trình; duy tu, sửa chữa trên 300 công trình tại các xã, thôn, bản. Cùng với đó, Chương trình đã dành trên 9,8 tỉ đồng hỗ trợ nâng cao năng lực cán bộ cơ sở và cộng đồng. Toàn tỉnh đã huy động các nguồn lực đóng góp thực hiện Chương trình như nguồn từ ngân sách tỉnh, nguồn huy động đóng góp của các doanh nghiệp trên địa bàn và nguồn đóng góp của nhân dân nơi được hưởng lợi. Tổ chức lồng ghép với Chương trình xây dựng nông thôn mới và các dự án, chính sách khác. Tranh thủ sự hỗ trợ, giúp đỡ của các bộ, ngành TW và các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Huy động đóng góp vật tư, giải phóng mặt bằng, ngày công của nhân dân ước tính khoảng 45 tỉ đồng...
Có thể thấy, qua 5 năm, cùng với việc triển khai thực hiện các chính sách, chương trình, dự án phát triển KT-XH trên địa bàn, trong đó có Chương trình 135 giai đoạn 3, kinh tế vùng miền núi và dân tộc tỉnh Nghệ An tiếp tục phát triển; đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các xã đặc biệt khó khăn được cải thiện; giảm dần khoảng cách phát triển giữa các vùng, các dân tộc trong tỉnh; ANTT tiếp tục được giữ vững; số hộ nghèo sau 5 năm giảm xuống còn 16,54%, bình quân mỗi năm giảm 2,94%...
Đánh giá về hiệu quả của Chương trình 135, ông Lương Thanh Hải, Trưởng ban Dân tộc tỉnh cho biết: Nguồn vốn Chương trình dành cho các xã đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh đã góp phần giảm nhanh tỉ lệ hộ nghèo, diện mạo nông thôn, vùng sâu, vùng xa thay đổi đáng kể, đời sống đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng được nâng lên. Ngoài nguồn vốn từ Chương trình 135, các địa phương còn thực hiện các dự án hỗ trợ bằng việc lồng ghép các chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ nghèo ở các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn.
Cùng với đó, tiêu chí của Chương trình 135 đã được nâng cao hơn, gần với các tiêu chí Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, là điều kiện tốt để các xã, thôn phấn đấu thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn. Kết thúc giai đoạn 3, có 4/172, xã hoàn thành mục tiêu Chương trình (trong đó có 1 xã 30a).
Xuân Thống