Kinh tế xã hội
Còn xem nhẹ công tác quản lý
(Congannghean.vn)-Hiện nay, không chỉ ở Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới, các loại hóa chất đang được sử dụng rộng rãi trong sản xuất nông nghiệp với mục đích bảo vệ cây trồng và tăng sản lượng lương thực. Tuy nhiên, vấn đề quản lý hóa chất lâu nay còn bị xem nhẹ, gây ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường sinh thái và đời sống con người.
Sản xuất nông nghiệp là ngành truyền thống trong cơ cấu nền kinh tế của nước ta. Trong bối cảnh dân số tăng, việc diện tích đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp đã tác động trực tiếp đến vấn đề an ninh lương thực.
Sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật gây ảnh hưởng đến con người và môi trường - Ảnh minh họa |
Để thực hiện mục tiêu tăng sản lượng và năng suất, nâng cao hiệu quả canh tác, thời gian qua, nước ta đã chú trọng nâng cao trình độ thâm canh, quay vòng sử dụng đất, nhất là sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật. Thực tế cho thấy, việc bón phân hợp lý trong sản xuất nông nghiệp không chỉ đảm bảo năng suất, chất lượng sản phẩm cây trồng mà còn góp phần bảo vệ môi trường sinh thái.
Trong những năm gần đây, ngành công nghiệp nói chung và công nghiệp hóa chất nói riêng trên địa bàn tỉnh đã góp phần tích cực trong việc thúc đẩy phát triển KT-XH của địa phương và không xảy ra sự cố nghiêm trọng liên quan đến hóa chất. Tuy nhiên, bên cạnh đó, hoạt động này vẫn còn một số tồn tại, như không đảm bảo an toàn sản xuất, vận chuyển, an toàn vệ sinh lao động và bảo vệ môi trường sinh thái. Cụ thể: Một số doanh nghiệp thực hiện chưa nghiêm túc các quy định của pháp luật về hóa chất; kho cất giữ hóa chất chưa đáp ứng đủ điều kiện an toàn; chưa thực hiện nghiêm các quy định về phòng cháy, chữa cháy; công tác bảo vệ môi trường, chế độ báo cáo định kỳ, đăng ký sử dụng hóa chất; sử dụng lao động chưa qua đào tạo, huấn luyện về an toàn hóa chất... theo quy định của pháp luật còn bộc lộ một số hạn chế, bất cập.
Việc xây dựng kế hoạch hoặc biện pháp phòng ngừa, ứng phó với sự cố hóa chất chưa thật sự mang lại hiệu quả. Một số đơn vị kinh doanh hóa chất tập trung ở khu vực đông dân cư có nguy cơ ảnh hưởng lớn khi xảy ra sự cố. Bên cạnh đó, công tác quản lý Nhà nước về hoạt động hóa chất trên địa bàn tỉnh chưa được quan tâm đúng mức so với tốc độ phát triển cũng như nhu cầu sử dụng hóa chất trên địa bàn...
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế trên, đồng thời tăng cường công tác quản lý Nhà nước về hoạt động hóa chất trên địa bàn nhằm đảm bảo an toàn cho người, tài sản, phục vụ sự phát triển bền vững của xã hội, các ngành chức năng, nhất là ngành công thương cần đẩy mạnh phổ biến, hướng dẫn, tuyên truyền cho các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh và sử dụng hóa chất trên địa bàn tỉnh thực hiện nghiêm túc các quy định hiện hành của pháp luật về hoạt động liên quan đến hóa chất. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan chuyên môn cũng như các địa phương trong việc quản lý các điều kiện hoạt động của doanh nghiệp liên quan đến hóa chất theo quy định.
Đặc biệt, cần tăng cường phối hợp với các sở, ngành, cơ quan và địa phương có liên quan trong hoạt động thanh, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về hoạt động hóa chất của các tổ chức, cá nhân hoạt động liên quan đến lĩnh vực này và tăng cường xử lý các vi phạm theo quy định. Cùng với đó, ngành tài nguyên - môi trường cần tăng cường công tác quản lý trong việc chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường của các đơn vị hoạt động hóa chất; chú trọng kiểm tra, quản lý việc xử lý, thải bỏ hóa chất và xử lý nghiêm các đơn vị hoạt động hóa chất gây ô nhiễm môi trường.
Xuân Thống