Kinh tế xã hội

Khởi sắc nơi miền Tây xứ Nghệ

08:50, 23/01/2016 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Trong những năm qua, hệ thống cơ sở hạ tầng tại các huyện miền Tây xứ Nghệ được quan tâm đầu tư theo hướng đồng bộ và hiện đại hóa, tạo cơ sở vững chắc để các địa phương từng bước thoát nghèo. Nhờ triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, diện mạo miền Tây Nghệ An đang từng bước khởi sắc.

Theo số liệu của Cục Thống kê tỉnh Nghệ An, diện tích tự nhiên của vùng miền Tây Nghệ An là 13.709,01 km2, chiếm 83,15% tổng diện tích tự nhiên của toàn tỉnh. Dân số là 1.131.717 người, chiếm 36,93%. Tuy còn muôn vàn khó khăn nhưng những năm gần đây, các huyện miền Tây xứ Nghệ đang có sự chuyển biến mạnh mẽ, nhất là trên lĩnh vực phát triển kinh tế.

Những năm gần đây, phát triển loại hình du lịch sinh thái ở khu vực miền Tây được quan tâm đầu tư và có những bước phát triển mới. Vườn quốc gia Pù Mát, huyện Con Cuông trở thành điểm đến hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Ngoài ra, còn có nhiều địa danh nổi tiếng gắn với các hoạt động văn hóa dân gian như Hang Bua (Quỳ Châu), đền Chín Gian (Quế Phong), Làng Vạc (TX Thái Hòa), đền Cửa Rào (Tương Dương)...

 Mô hình trồng chanh leo cho thu nhập cao đang được triển khai rộng khắp ở huyện Quế Phong
Mô hình trồng chanh leo cho thu nhập cao đang được triển khai rộng khắp ở huyện Quế Phong

Thời điểm năm 2006, miền Tây có 9 xã chưa có đường đến trung tâm xã, 53/57 xã chỉ có đường đất vào trung tâm, 28/30 xã chưa được phủ sóng phát thanh, truyền hình và 80 xã thuộc diện đói nghèo, xã đặc biệt khó khăn; trong khi vốn đầu tư của tỉnh dành cho sự phát triển kinh tế - xã hội ở các tỉnh miền Tây chỉ chiếm 25,5% tổng vốn đầu tư hàng năm của tỉnh. Thế nhưng, đến nay, bức tranh kinh tế - xã hội của khu vực miền Tây đã có nhiều khởi sắc, đặc biệt là sau một thời gian triển khai các đề án, kế hoạch phát triển của Chính phủ và tỉnh Nghệ An.

Đặc biệt, trong năm 2015, khi Dự án xây dựng tuyến đường phía Tây Nghệ An và đường Châu Thôn - Tân Xuân có tổng chiều dài gần 300 km, trong đó có 41 cầu, đi qua các huyện biên giới: Quế Phong, Tương Dương, Kỳ Sơn được hoàn thành đã giúp rút ngắn khoảng cách giữa các huyện miền Tây xứ Nghệ; đẩy mạnh quá trình giao lưu, thông thương hàng hóa, tạo đà thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội một cách rõ rệt.

Cùng với đó, việc thực hiện Nghị quyết 30a đối với 3 huyện Kỳ Sơn, Tương Dương và Quế Phong đã mở ra rất nhiều cơ hội cho miền Tây trong việc thoát nghèo, đồng thời tạo tiền đề để các địa phương tận dụng các tiềm năng sẵn có, từng bước vươn lên làm giàu.

Theo thống kê, hiện nay, tỉ lệ hộ nghèo của các huyện miền Tây đã giảm xuống còn 16% theo tiêu chuẩn cũ. Bên cạnh đó, theo chủ trương chung của tỉnh, hiện nay, miền Tây Nghệ An đang tập trung hình thành và phát triển vùng cây nguyên liệu tập trung, quy mô lớn gắn với công nghiệp chế biến, chăn nuôi phát triển theo hướng cho hiệu quả kinh tế cao. Đời sống người dân từng bước được nâng cao; công tác đào tạo nghề, tạo việc làm đang có nhiều chuyển biến tích cực. Nhiều mô hình trang trại chăn nuôi kết hợp trồng rừng nguyên liệu… đang phát huy lợi thế, tiềm năng sẵn có để thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của cả vùng.

Có thể nói, ngoài việc quan tâm thực hiện các chính sách giảm nghèo đối với miền Tây xứ Nghệ, trong những năm qua, các cấp, ban, ngành của tỉnh đã có nhiều chủ trương định hướng cho các địa phương nói trên trong việc phát triển kinh tế - xã hội một cách hiệu quả, đồng bộ. Ngoài ra, thực hiện chủ trương chung trong việc nâng tầm diện mạo kinh tế - xã hội của miền Tây, việc chú trọng quy hoạch hệ thống giao thông, đường điện, công trình thủy điện, vùng nguyên liệu, công nghiệp và quy hoạch đô thị gắn với phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật cũng đang được chú trọng thực hiện.

Bên cạnh đó, công tác đào tạo nguồn nhân lực, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ cơ sở vững mạnh để nâng cao chất lượng đời sống và trình độ dân trí cho bà con nhân dân cũng được quan tâm kịp thời. Việc “đánh thức” các tiềm năng của vùng miền Tây xứ Nghệ nhằm thực hiện mục tiêu giảm nghèo từ 3 - 4%/năm để đến năm 2020, Nghệ An thực sự trở thành tỉnh khá của miền Bắc cũng đã được Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII thông qua.

Ngọc Thái

Các tin khác