(Congannghean.vn)-Dự án nâng cấp và cải tạo hào xung quanh Thành cổ Vinh hiện đang được tích cực triển khai phương án giải phóng mặt bằng (GPMB). Đây là công trình nằm trong đề án quy hoạch đô thị TP Vinh theo hướng hiện đại, văn minh và xứng tầm với phương hướng phát triển chung của trung tâm hành chính của tỉnh.
Ngay từ đầu năm 2002, UBND tỉnh đã có Quyết định số 588-QĐ/UB về việc phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng công viên Thành cổ Vinh và khôi phục các công trình văn hóa - lịch sử có niên đại hàng trăm năm. Đây được xem là cơ sở pháp lý đầu tiên của công tác khôi phục các giá trị di tích lịch sử Vinh sau này.
Tiếp đó, nhiều văn bản, cuộc họp liên quan đã được tổ chức nhằm tìm ra phương án tốt nhất để thực hiện công tác nâng cấp, cải tạo, trùng tu, bảo tồn Thành cổ Vinh đảm bảo tính nguyên vẹn. Nhiều khó khăn, vướng mắc liên quan đến công tác quy hoạch cũng được đưa ra bàn luận, giải quyết để đi đến thống nhất. Tuy nhiên, mặc dù đã quy hoạch cách đây hơn 10 năm nhưng đến nay vẫn chưa thể triển khai vì nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có vấn đề nguồn vốn.
Đến tháng 6/2013, khi Dự án “Phát triển các đô thị loại vừa - Tiểu dự án phát triển đô thị Vinh” được khởi công thì các hợp phần cũng được triển khai, trong đó có việc nâng cấp, cải tạo hào xung quanh Thành cổ Vinh. Theo đó, sẽ có 4 hợp phần được triển khai, gồm: Hợp phần 1 thực hiện cải thiện dịch vụ, nâng cấp cơ sở hạ tầng cơ bản; hợp phần 2 cải thiện vệ sinh môi trường; hợp phần 3 xây dựng đường và cầu đô thị; hợp phần 4 tăng cường năng lực và hỗ trợ kỹ thuật. Các phương án GPMB, mời gọi thầu, tăng cường nguồn vốn đối ứng theo yêu cầu của Ngân hàng Thế giới (WB) cũng được các cấp, ngành quan tâm chỉ đạo thực hiện.
Hệ thống hào xung quanh Thành cổ Vinh lâu nay trở thành ao bèo, nơi xả nước thải sinh hoạt của người dân nên cần sớm được cải tạo |
Đến thời điểm hiện nay, Dự án nâng cấp, cải tạo hào xung quanh Thành cổ Vinh với tổng diện tích quy hoạch 6,475 ha đã được bố trí kinh phí dự kiến khoảng 110 tỉ đồng. Dự án này cũng liên quan đến một số hợp phần của Dự án “Phát triển các đô thị loại vừa - Tiểu dự án phát triển đô thị Vinh”, đi qua các phường Quang Trung, Đội Cung, Cửa Nam. Theo đó, sẽ có 299 hộ bị ảnh hưởng, trong đó 50 hộ nằm trong Dự án sẽ phải di dời đến nơi tái định cư mới.
Ông Nguyễn Trung Dũng, Giám đốc Ban quản lý Tiểu dự án phát triển đô thị Vinh cho biết: Việc triển khai Dự án nâng cấp, cải tạo hào xung quanh Thành cổ Vinh là yêu cầu cần thiết để xây dựng đô thị Vinh xứng tầm với sự phát triển trong tương lai. Cùng với các hợp phần trong Tiểu dự án phát triển đô thị Vinh, đây là dự án góp phần giải quyết “bài toán” về hệ thống xử lý nước thải, nước sinh hoạt, nhất là vào mùa mưa.
Theo đó, hệ thống nước thải sinh hoạt trên địa bàn các phường Cửa Nam, Đội Cung và Quang Trung… sẽ được tách riêng với hào xung quanh Thành cổ Vinh. Mặt khác, việc nâng cấp, cải tạo hào xung quanh Thành cổ sẽ góp phần phục hồi di tích lịch sử cũ, tạo nét đặc thù riêng cho văn minh đô thị và thúc đẩy phát triển du lịch trong thời gian tới.
Cũng theo ông Dũng, hiện nay, đơn vị đang tích cực tham mưu UBND TP Vinh và các sở, ban, ngành đẩy nhanh công tác GPMB, triển khai việc đền bù cho người dân bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó, công tác hoàn chỉnh thiết kế thi công, phối cảnh tổng quan về Dự án để mời thầu cũng được thông báo rộng rãi. Nếu Dự án được triển khai theo đúng kế hoạch đề ra thì sẽ hoàn thành vào quý I/2017.
Tuy nhiên hiện nay, công tác kiểm kê, kiểm đếm, xác định nguồn gốc đất còn tồn tại nhiều vướng mắc, khó khăn do có nhiều sai lệch giữa hồ sơ và thực địa sử dụng. Vì vậy, để Dự án sớm được thực hiện, rất cần sự quan tâm, giúp đỡ của các cấp, ngành cũng như những hộ dân nằm trong khu vực bị ảnh hưởng.
Như vậy, cùng với các hợp phần thuộc Tiểu dự án phát triển đô thị Vinh, Dự án nâng cấp, cải tạo hào xung quanh Thành cổ Vinh sẽ tạo ra nhiều điều kiện thuận lợi để thành phố phát triển, xứng tầm là trung tâm kinh tế - văn hóa của vùng Bắc Trung Bộ. Công trình được hoàn thiện sẽ trở thành di tích đặc trưng của xứ Nghệ và là điểm tham quan du lịch độc đáo đối với du khách thập phương.
Theo sử sách ghi lại, vào năm 1803, Gia Long ra Bắc, chọn làng Vĩnh Yên nằm phía Tây Bắc Dũng Quyết (khu vực Thành cổ bây giờ) để xây trấn sở. Tuy nhiên, phải đến năm 1831, vua Minh Mạng mới cho xây lại Thành bằng đá ong theo kiểu vô băng. Thành có 6 cạnh, chu vi dài 2.412 m, cao 4,42 m, diện tích 420.000 m, bao xung quanh có hào rộng 28 m, sâu 3,2 m. Năm 1998, Thành cổ Vinh được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng là Di tích quốc gia. Năm 2004, UBND TP Vinh triển khai dự án tu bổ phục hồi 3 cổng thành. |