(Congannghean.vn)-Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã có quyết định phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH Nghệ An đến năm 2020.
Để thực hiện quy hoạch, đạt mục tiêu trên tất cả các lĩnh vực, đòi hỏi tổng nhu cầu vốn đầu tư phát triển cho giai đoạn 2015 - 2020 là khoảng 400.000 tỉ đồng. Trong khi ngân sách Nhà nước còn hạn hẹp thì tăng cường xã hội hóa đầu tư, nhất là trong lĩnh vực giao thông nông thôn, y tế, giáo dục được xem là giải pháp quan trọng nhằm đa dạng hóa các hình thức huy động vốn.
Cầu vượt đường sắt Bắc - Nam trên QL46 được xây dựng nhờ nguồn vốn đầu tư của các doanh nghiệp. |
Trong thời gian qua, với sự vào cuộc quyết liệt, kịp thời của các cấp ủy, chính quyền địa phương, các ban, ngành, đơn vị, doanh nghiệp và cá nhân trên địa bàn, việc xã hội hóa phát triển cơ sở hạ tầng được Nghệ An xác định là hướng đi đúng đắn để thúc đẩy phát triển KT-XH.
Ông Hồ Ngọc Sỹ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Do ngành nông nghiệp có đặc thù riêng nên việc xã hội hóa còn gặp nhiều khó khăn. Từ trước đến nay, trên địa bàn tỉnh chưa có dự án, chương trình nào về nông nghiệp được xã hội hóa. Trong thời gian tới, Sở sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan thu hút các dự án xã hội hóa nhằm nâng cao hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp. |
Các dự án đầu tư phát triển hạ tầng bằng nguồn vốn xã hội hóa hiện nay thường được nhắc đến với tên gọi Hợp tác công - tư (PPP). Trên địa bàn tỉnh Nghệ An, nổi bật và hiệu quả nhất về các chương trình, dự án xã hội hóa chính là sự “thay da đổi thịt” về hạ tầng giao thông.
Trong vài năm trở lại đây, lượng vốn xã hội hóa tập trung vào hạ tầng giao thông đạt con số lớn nhất từ trước đến nay. Trong các dự án do Sở GTVT Nghệ An làm chủ đầu tư thực hiện xã hội hóa, QL1 được coi là hình mẫu về cách thức tổ chức cũng như thời gian thi công ngắn. Cùng với việc hoàn thành nâng cấp, mở rộng 73,8 km toàn tuyến, Sở GTVT đã chủ động đề xuất UBND tỉnh, Bộ GTVT và Chính phủ bố trí nguồn vốn mở rộng thêm 15 km QL1 đoạn Quán Hành - Quán Bánh để phục vụ cuộc sống của người dân và phát triển KT-XH khu vực đô thị Vinh.
Đây là điều kiện quan trọng giúp Nghệ An cũng như các tỉnh miền Trung đẩy mạnh phát triển KT-XH, đồng thời, QL1 mở rộng còn góp phần tăng cường đảm bảo TTATGT, giảm thiểu TNGT trên địa bàn tỉnh. Trong bối cảnh nguồn vốn đầu tư hạn hẹp, với sự giúp đỡ của các bộ, ngành, Sở GTVT Nghệ An cũng đã chủ động thu hút số lượng lớn nguồn vốn đầu tư của các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế vào lĩnh vực xây dựng hạ tầng giao thông như: Dự án tăng cường mặt đường tuyến tránh TP Vinh theo hình thức BOT, Dự án nâng cấp, mở rộng QL1 đoạn Nghi Sơn - Cầu Giát, mở tuyến Tây Nghệ An, xây dựng cầu vượt đường sắt QL46, cầu vượt QL48… và nhiều dự án đang chuẩn bị triển khai thực hiện như: Đại lộ Vinh - Cửa Lò giai đoạn 2, nâng cấp mở rộng QL7…
Song song với việc mở rộng mạng lưới đường bộ, thời gian qua, Nghệ An cũng đang tích cực phát triển hệ thống cảng nước sâu, mạng lưới đường hàng không, nhà ga sân bay, đường sắt nhằm tăng cường tính kết nối giữa các loại hình GTVT.
Năm 2015, ngoài việc Cảng hàng không Vinh được công nhận là cảng hàng không quốc tế, Nghệ An cũng đã hoàn thành việc nạo vét luồng vào cảng Cửa Lò, đảm bảo cho tàu có tải trọng 10.000 DWT đầy tải và 20.000 - 30.000 DWT có thể ra vào cảng an toàn.
Ông Đậu Huy Hoàn, Phó Giám đốc Sở Y tế: Xã hội hóa góp phần quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả, chất lượng khám chữa bệnh cho người dân, nhằm giúp người bệnh tự lựa chọn dịch vụ kỹ thuật y tế, hệ thống bệnh viện ngoài công lập trên địa bàn tỉnh phát triển mạnh, xếp thứ 3 cả nước về số lượng (sau TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh). Kế hoạch ngành Y tế đặt ra trong thời gian tới là phát triển mạnh hệ thống bệnh viện tư tại các huyện miền núi, đa dạng hóa loại hình dịch vụ khám, chữa bệnh. Để đạt được mục tiêu này, cần rất nhiều yếu tố, nguồn lực huy động của các đơn vị, doanh nghiệp; ngành Y tế cũng cần nâng cao chất lượng công tác quản lý, thanh, kiểm tra. |
Hiện, Nghệ An cũng đang xúc tiến đầu tư xây dựng cảng Đông Hồi, khảo sát khai thác tăng cường các đường bay quốc tế đi Campuchia, Thái Lan… Vừa qua, UBND tỉnh đề ra chính sách hỗ trợ nhằm khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước thực hiện đầu tư xây dựng các bến xe khách, bãi đỗ xe vận tải đường bộ (cấp thành phố và cấp huyện). Nội dung hỗ trợ bao gồm kinh phí khảo sát lựa chọn địa điểm, san lấp mặt bằng, xây dựng hạ tầng ngoài hàng rào dự án...
Bên cạnh hạ tầng giao thông, 5 năm qua, xét trên các phương diện, Nghệ An là một trong những địa phương thực hiện tốt nhiều nội dung, kế hoạch trên lĩnh vực xã hội hóa y tế. Nhằm tạo điều kiện cho các bệnh viện tư phát triển, giảm gánh nặng cho các bệnh viện công lập, ngành y tế đã chuyển dần cơ sở y tế công lập sang hoạt động theo cơ chế tự chủ.
Theo đó, đến năm 2014, có 100% bệnh viện công thực hiện tự chủ theo Nghị định 43/2006/NĐ-CP của Chính phủ và đã huy động được 133,3 tỉ đồng ngoài ngân sách Nhà nước, đạt 37,9% so với tổng ngân sách đầu tư toàn ngành y tế. Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa tỉnh giai đoạn 2 hoạt động theo phương thức hóa công tư (bệnh viện tư trong bệnh viện công).
Trong năm 2014, số giường bệnh tăng lên 1.037 giường (đạt 3,5 giường bệnh/1 vạn dân). Riêng năm 2015, đã đưa vào hoạt động Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinh tại xã Nghi Phú, TP Vinh, quy mô 200 giường bệnh. Ngoài ra, dự kiến Bệnh viện Đa khoa Minh An tại xã Quỳnh Giang, huyện Quỳnh Lưu có quy mô 135 giường bệnh, tăng số giường bệnh tư nhân lên 1.372 giường. Trong 5 năm qua, đã có 1.909.362 lượt bệnh nhân khám, chữa bệnh tại các bệnh viện ngoài công lập.
Trong thời gian tới, để đẩy mạnh thu hút nguồn vốn đầu tư, các bộ, ngành liên quan cần công bố rộng rãi về các dự án cần "gọi" vốn đầu tư và tình hình thực hiện, nhu cầu vốn đầu tư. Từ đó, lựa chọn các nhà đầu tư có tiềm lực tài chính, khả năng thu xếp đủ vốn tự có để đầu tư dự án.
Đồng thời, tích cực hỗ trợ đẩy nhanh việc hoàn thiện thủ tục đất đai, cấp giấy chứng nhận đầu tư, giải phóng mặt bằng... để hoàn thiện cơ sở pháp lý của dự án, đảm bảo tiến độ và hiệu quả của các dự án, thu hút các ngân hàng thương mại cho vay với các dự án giao thông và có cơ chế hỗ trợ chủ đầu tư về các rủi ro phát sinh, giúp các ngân hàng kiểm soát rủi ro khi cho vay đối với các dự án.
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, yếu tố quan trọng hàng đầu là các dự án PPP phải đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư và người dân. Trong khi đó, các dịch vụ công đều hướng đến người dân, mang lại tiện ích, thuận tiện nhất cho nhân dân khi đưa vào sử dụng. Vì thế, cần nâng cao năng lực quản lý, hiệu quả vốn đầu tư, chú trọng chất lượng phục vụ, dịch vụ, nhằm góp phần nâng cao mức hưởng thụ, tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy sự phát triển KT-XH của địa phương.