Kinh tế xã hội
Quản lý bảo đảm thị trường lành mạnh
Bộ Công Thương đang dự thảo Pháp lệnh Quản lý thị trường nhằm bảo đảm thị trường lành mạnh, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân kinh doanh, người tiêu dùng và tăng cường hiệu lực, hiệu quả của quản lý nhà nước trong lĩnh vực thương mại.
Ảnh minh họa |
Pháp lệnh Quản lý thị trường tạo lập cơ sở pháp lý cho việc xây dựng mô hình tổ chức và hoạt động của hệ thống cơ quan chuyên trách, chịu trách nhiệm chính và có vai trò đầu mối trong việc kiểm tra, giám sát thị trường, bảo đảm sự tuân thủ pháp luật và đấu tranh phòng, chống vi phạm pháp luật hành chính về thương mại ở thị trường trong nước.
Theo dự thảo, Quản lý thị trường là lực lượng chuyên trách được tổ chức thống nhất từ trung ương đến địa phương có chức năng kiểm tra, kiểm soát, thanh tra chuyên ngành và đấu tranh phòng, chống các vi phạm pháp luật của tổ chức, cá nhân trong hoạt động kinh doanh hàng hóa, dịch vụ trên thị trường.
Quản lý thị trường có nhiệm vụ xây dựng, ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các chương trình, kế hoạch, đề án, chuyên đề kiểm tra, kiểm soát, thanh tra chuyên ngành của Quản lý thị trường và tổ chức triển khai thực hiện. Thực hiện kiểm tra, thanh tra chuyên ngành đối với tổ chức, cá nhân khi phát hiện có vi phạm pháp luật, dấu hiệu vi phạm pháp luật trong hoạt động kinh doanh hàng hóa, dịch vụ trên thị trường và theo kế hoạch được phê duyệt; xử lý vi phạm hành chính, áp dụng các biện pháp ngăn chặn và đảm bảo xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.
Đồng thời, kết hợp hoạt động kiểm tra, kiểm soát và thanh tra chuyên ngành của Quản lý thị trường với tuyên truyền, vận động, thuyết phục các tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hoá, dịch vụ nhằm chủ động phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các vi phạm pháp luật trong hoạt động kinh doanh hàng hóa, dịch vụ trên thị trường theo quy định của pháp luật. Áp dụng các biện pháp ngăn chặn tại hiện trường, địa điểm sản xuất, buôn bán, tàng trữ, nơi cất giấu hàng hóa, tang vật và phương tiện sử dụng để thực hiện vi phạm pháp luật; tạm giữ phương tiện, tang vật, hàng hóa; thu thập tài liệu, vật chứng; lấy mẫu sản phẩm hàng hóa, trưng cầu giám định, kiểm nghiệm mẫu vật là hàng hóa, tài liệu, giấy tờ, vật chứng liên quan đến vi phạm pháp luật của tổ chức, cá nhân trong quá trình kiểm tra, thanh tra chuyên ngành…
Kiểm tra, thanh tra chuyên ngành Quản lý thị trường
Theo dự thảo, Quản lý thị trường có thể kiểm tra, thanh tra chuyên ngành việc chấp hành pháp luật của tổ chức, cá nhân trong hoạt động kinh doanh hàng hóa, dịch vụ trên thị trường hoặc trong các lĩnh vực quản lý nhà nước mà Quản lý thị trường có thẩm quyền kiểm tra, thanh tra chuyên ngành, xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật xử lý vi phạm hành chính.
Có thể kiểm tra, thanh tra theo kế hoạch hoặc đột xuất khi phát hiện có vi phạm pháp luật hoặc dấu hiệu vi phạm pháp luật của tổ chức, cá nhân hoặc văn bản chỉ đạo kiểm tra, thanh tra của Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cấp trên có thẩm quyền.
Về thời hạn kiểm tra, dự thảo nêu rõ, thời hạn một cuộc kiểm tra không quá 5 ngày làm việc, được tính từ thời điểm công bố quyết định kiểm tra đến thời điểm kết thúc việc kiểm tra trực tiếp tại nơi kiểm tra.
Trường hợp vụ việc kiểm tra phức tạp thì thời hạn một cuộc kiểm tra có thể kéo dài, nhưng không quá 10 ngày làm việc kể từ ngày công bố quyết định kiểm tra. Việc kéo dài thời hạn một cuộc kiểm tra do người đã ban hành quyết định kiểm tra quyết định bằng văn bản.
Dự thảo nêu rõ, thời gian tổ chức, cá nhân được kiểm tra hoặc người có liên quan của tổ chức, cá nhân được kiểm tra trì hoãn hoặc trốn tránh việc kiểm tra không tính vào thời hạn kiểm tra nêu trên.
Nguồn: Chinhphu.vn