Kinh tế xã hội

Lưới điện hạ áp nông thôn cần được đầu tư

16:13, 20/09/2015 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Theo số liệu thống kê của Công ty Điện lực Nghệ An, đến nay, ngành điện lực đã tiếp nhận 416/422 xã bàn giao lưới điện hạ áp nông thôn. Tổng giá trị tiếp nhận là hơn 420 tỉ đồng; tổng chiều dài lưới điện hạ áp là hơn 15.000 km, trong đó lưới điện hạ áp nông thôn là hơn 11.600 km. Tuy nhiên, do thiếu nguồn vốn đầu tư nên công tác cải tạo, nâng cấp lưới điện hạ áp sau bàn giao gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến cuộc sống, sản xuất và sinh hoạt của người dân.

Ông Nguyễn Văn Đại, Bí thư chi bộ xóm 14, xã Long Sơn, huyện Anh Sơn cho biết: “Người dân chúng tôi sử dụng điện sinh hoạt từ năm 1995. Thời điểm đó, muốn có điện sử dụng thì người dân phải tự góp tiền để mua dây, dựng cột kéo điện về dùng. Theo thời gian, ngày càng có nhiều người có nhu cầu sử dụng điện, các thiết bị điện cũng tăng lên, trong khi đường dây không đủ tải nên điện yếu, chập chờn lúc có, lúc không. Năm 2013, lưới điện hạ áp nông thôn ở xã Long Sơn được bàn giao cho Điện lực Anh Sơn. Tuy nhiên, đến nay, tình trạng điện yếu, điện chập chờn ở xóm 14, xã Long Sơn vẫn chưa được khắc phục. Đường dây điện chưa được cải tạo hoàn thiện, cột điện vẫn đang mang tính tạm bợ”.

Lưới điện hạ áp nông thôn ngày càng xuống cấp, cần sớm khắc phục
Lưới điện hạ áp nông thôn ngày càng xuống cấp, cần sớm khắc phục

Theo quan sát của chúng tôi, hệ thống đường dây điện hạ áp nông thôn tại xóm 14, xã Long Sơn có nhiều chỗ đang xuống cấp nghiêm trọng, cần được cải tạo, thay thế. Đến nay, ngành điện lực đã sửa chữa một số hạng mục như thay thế dây điện mới nhưng hệ thống cột điện chưa được thay mới, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn.

Theo tìm hiểu của phóng viên, mạng lưới điện hạ áp nông thôn sau bàn giao chưa được cải tạo hoặc chỉ mới cải tạo được một phần đang là thực tế diễn ra ở nhiều địa phương. Tại một số xóm của các xã như Thượng Sơn, Hiến Sơn, huyện Đô Lương, người dân cũng đang lo lắng về đường dây điện mất an toàn do cột gãy đổ nhưng chưa được khắc phục.

Trao đổi với chúng tôi, ông Vương Đình Thành, Giám đốc Điện lực Đô Lương cho biết: “Điện lực Đô Lương đã hoàn thành việc tiếp nhận mạng lưới điện hạ áp nông thôn từ năm 2010. Hàng năm, chúng tôi đều tiến hành cải tạo, nâng cấp nhưng do nguồn vốn eo hẹp nên vẫn còn nhiều địa phương chưa hoàn thiện, hiện chỉ mới đáp ứng được gần 60% hệ thống. Trong 2 năm 2014 - 2015, chúng tôi đã đầu tư 100 tỉ đồng để củng cố lưới điện và xây mới các trạm biến áp”. Cũng theo ông Thành, hiện ngành điện chủ yếu đang thay thế dây điện mới, còn cột điện thì phần lớn vẫn đang sử dụng hệ thống cột cũ, do chưa có điều kiện thay thế. Hiện, để cơ bản hoàn thiện việc cải tạo lưới điện hạ áp, cần từ 300 - 400 tỉ đồng.

Nói về mạng lưới điện hạ áp nông thôn sau bàn giao, ông Vương Đình Dũng, Phó Trưởng phòng Kế hoạch - Đầu tư, Công ty Điện lực Nghệ An cho hay: Từ năm 2008, Điện lực Nghệ An bắt đầu tiếp nhận mạng lưới điện hạ áp nông thôn, đến nay đã có 416/422 xã hoàn thành bàn giao cho ngành điện quản lý. Tuy nhiên, lưới điện hạ áp sau tiếp nhận hầu hết đều đã cũ, không đảm bảo vận hành an toàn và tổn thất điện năng cao.

Sau khi tiếp nhận, Công ty Điện lực Nghệ An đã cố gắng tận dụng mọi nguồn vốn để thay thế công tơ không đảm bảo chất lượng đo lường và cải tạo sửa chữa tối thiểu. Tuy nhiên, do khối lượng tiếp nhận quá lớn nên đến thời điểm hiện tại, dù ngành đã đầu tư hơn 1.500 tỉ đồng cải tạo lưới điện hạ thế nhưng chỉ mới đáp ứng được 1/3 khối lượng cần cải tạo. Hàng năm, Công ty vẫn sử dụng nguồn sửa chữa lớn và sửa chữa thường xuyên để khắc phục những điểm trọng yếu nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu, vì vậy, ở nhiều nơi, các tuyến đường dây vẫn nguyên trạng như khi tiếp nhận.

Đ.T

Các tin khác