Kỳ I: Ra đường gặp... chợ
Với nhu cầu mua bán, thông thương theo xu hướng phát triển kinh tế - xã hội hiện nay, trong thời gian qua, nhiều chợ đầu mối trung tâm đã được xây dựng trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, bên cạnh đó, vấn đề nhức nhối hiện nay mà các cấp, ngành đang quan tâm là tình trạng chợ cóc, chợ tạm vẫn còn tồn tại tràn lan, “bủa vây” cả lòng, lề đường. Điều này không chỉ gây mất mỹ quan đô thị, ảnh hưởng tới bộ mặt nông thôn mới mà còn tiềm ẩn nguy cơ gây mất trật tự an toàn giao thông.
Dạo quanh các con đường, tuyến phố trên địa bàn TP Vinh hiện nay, rất dễ bắt gặp cảnh chen chúc, xô đẩy của người dân khi dừng xe ngay trên lòng đường để mua, bán. Đặc biệt, vào các giờ tan tầm, tại các tuyến đường sát các khu công nghiệp, trường đại học, cao đẳng, ngã tư, ngã 5…, cảnh họp chợ ở các chợ cóc, chợ tạm diễn ra nhan nhản, người mua, kẻ bán tấp nập. Tình trạng này đã tồn tại trong nhiều năm nay nhưng vẫn chưa thể dẹp bỏ hoàn toàn.
Chợ họp tràn ra đường Nguyễn Trãi, đoạn qua phường Quán Bàu, TP Vinh gây mất an toàn giao thông |
Trên đường Đặng Thai Mai, TP Vinh, đoạn đi qua trước cổng Công ty Maxtric, cứ tầm hơn 3 giờ chiều hàng ngày, người dân xung quanh khu vực lại đưa xe kéo, xe đẩy, bàn ghế… ra bày la liệt trên lòng, lề đường. Đến thời điểm công nhân tan ca, số lượng người lưu thông trên đường đông nhưng các chủ hàng quán vẫn vô tư bày bán, chiếm dụng hành lang an toàn giao thông.
Theo “phong trào”, từ một vài hàng quán chợ cóc, đến thời điểm hiện tại, theo quan sát của chúng tôi, tại đường Đặng Thai Mai, đoạn qua khu công nghiệp Bắc Vinh đã “mọc” lên hàng chục lều quán bán hàng, chủ yếu phục vụ công nhân ở đây, dẫn tới tình trạng ách tắc giao thông. Chính tại con đường này cũng đã xảy ra không ít vụ tai nạn giao thông do lấn chiếm lòng, lề đường để họp chợ.
Tại đường Hồ Tông Thốc, đoạn giáp với Đại lộ 3/2, nơi có Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa mới đưa vào hoạt động, tình trạng bày bán hàng quán đang tái diễn, gây mất mỹ quan đô thị và trật tự an toàn giao thông. Theo thống kê, trên địa bàn TP Vinh hiện có 31 tuyến đường chính thì hầu như đều bị người dân lấn chiếm để họp chợ, buôn bán.
Không chỉ riêng TP Vinh mà ngay tại các địa phương như huyện Diễn Châu, Quỳnh Lưu, TX Hoàng Mai cũng đang tồn tại không ít chợ cóc, chợ tạm lấn chiếm hành lang an toàn giao thông. Tại huyện Diễn Châu, theo thống kê, hiện nay trên địa bàn có 34 chợ ở các xã, thị trấn được quy hoạch xây dựng và đưa vào phục vụ nhu cầu của người dân. Tuy nhiên, có một số xã đã có chợ chính nhưng vẫn hình thành một khu chợ tạm, việc mua bán diễn ra còn tấp nập hơn chợ chính, gây mất trật tự ATGT, khiến dư luận rất bức xúc.
Đơn cử, tại chợ Sò cũ thuộc khối 6, thị trấn Diễn Châu, mặc dù đã được giải tỏa năm 2013 nhưng hiện nay, vẫn có tới hàng trăm tiểu thương đang kinh doanh, mua bán tại đây. Các hộ kinh doanh chủ yếu bán một số mặt hàng thực phẩm như rau, cá, hoa quả. Vào giờ cao điểm, hàng hoá được bày la liệt, chiếm dụng hoàn toàn lòng đường.
Nhiều tiểu thương bán hàng bằng xe thồ tràn ra vỉa hè, lòng QL1A. Thay vì phục vụ nhu cầu đi lại, những con đường này hiện đang biến thành những khu chợ nhộn nhịp, cản trở giao thông. Còn tại xã Diễn Thịnh, trên QL1A đoạn qua địa phận giữa xóm 1 và xóm 2, từ lâu đã tồn tại một chợ cóc. Nhiều hộ kinh doanh ở đây vẫn ngang nhiên bày bán hàng giữa đoạn đường chật hẹp và thậm chí là trên QL1A. Hàng ngày, cứ vào giờ trưa hoặc chiều tối, cảnh mua bán ở ngay lòng đường lại trở nên tấp nập hơn cả chợ chính.
Tại một số địa phương khác, tình trạng chợ cóc, chợ tạm lấn chiếm lòng, lề đường cũng diễn ra tương tự. Thời gian qua, các cơ quan chức năng đã nhiều lần ra quân đẩy đuổi, dẹp bỏ tình trạng này, tuy nhiên cũng chưa triệt để. Hơn bao giờ hết, để chấm dứt tình trạng chợ cóc, chợ tạm, các cơ quan chức năng cần “mạnh tay” hơn nữa. Và, điều quan trọng là vấn đề quy hoạch chợ, quy định nơi buôn bán cũng cần phải tính đến, tránh tình trạng quy hoạch hàng tỉ đồng đầu tư xây dựng chợ chính nhưng không họp, trong khi chợ cóc, chợ tạm lại lấn át chợ chính, gây ra nhiều hệ lụy về việc đảm bảo trật tự ATGT như hiện nay.
Kỳ II: Khó khăn trong việc giải toả chợ cóc, chợ tạm
.