Ngày 11/8, tại Hà Nội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã khai mạc Phiên họp thứ 30 dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng.
Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nêu rõ: Tại phiên họp này, UBTVQH sẽ cho ý kiến vào 13 Dự án luật, trong đó có 9 Dự án luật dự kiến thông qua tại kỳ họp thứ 8 như: Luật Đầu tư (sửa đổi), Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi)…
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu khai mạc phiên họp |
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, các Dự luật này phải được xem xét, thảo luận kĩ lưỡng, thể hiện đầy đủ tinh thần Hiến pháp năm 2013, đặc biệt là những nội dung liên quan đến Nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa, liên quan đến quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân.
Chưa hoàn thiện “linh hồn” của Luật Đầu tư (sửa đổi)
Ngay sau phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, UBTVQH đã cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật Đầu tư (sửa đổi).
Báo cáo trước UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cho hay, vẫn còn một số vấn đề lớn có nhiều ý kiến của dự án Luật này.
Trong đó, về lĩnh vực cấm đầu tư và lĩnh vực đầu tư có điều kiện, nhiều ý kiến đề nghị rà soát, quy định cụ thể các lĩnh vực cấm đầu tư, chi tiết danh mục ngành, nghề đầu tư có điều kiện vào dự án Luật. Một số ý kiến đề nghị quy định danh mục cấm đầu tư và danh mục cấm kinh doanh vào một danh mục và quy định trong Luật đầu tư để tránh chồng chéo. Có ý kiến đề nghị Chính phủ trình UBTVQH trước khi ban hành danh mục cấm đầu tư. Ý kiến khác đề nghị giao cho Chính phủ quy định về ngành, nghề đầu tư có điều kiện để đảm bảo tính ổn định, lâu dài của Luật.
Theo Chủ nhiệm Nguyễn Văn Giàu, hiện nay, danh mục cấm đầu tư, cấm kinh doanh và kinh doanh có điều kiện được quy định tại nhiều luật chuyên ngành. Do vậy, Ủy ban Kinh tế và Cơ quan soạn thảo đã yêu cầu các cơ quan có liên quan đang tiến hành rà soát các quy định của pháp luật về ngành, nghề cấm đầu tư, kinh doanh và đầu tư, kinh doanh có điều kiện, xem xét loại bỏ các quy định bất hợp lý, gây cản trở hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp và người dân. Quy định về các ngành, nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện không chỉ áp dụng đối với doanh nghiệp mà còn áp dụng đối với các đối tượng khác như hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân và các hợp đồng hợp tác kinh doanh, dự án hợp tác công - tư (PPP)…
Chủ nhiệm Nguyễn Văn Giàu cho hay, sau khi hoàn thiện, danh mục những ngành, nghề cấm đầu tư, kinh doanh sẽ được quy định cụ thể tại Điều 5 của dự thảo Luật. Đồng thời, dự án Luật đầu tư (sửa đổi) quy định tiêu chí, nguyên tắc để xác định danh mục ngành, nghề đầu tư có điều kiện áp dụng đối với nhà đầu tư trong nước, nhà đầu tư nước ngoài và giao Chính phủ rà soát, tập hợp, công bố Danh mục này sau khi báo cáo UBTVQH xem xét, cho ý kiến (Điều 6 và Điều 7 của dự thảo Luật).
Phát biểu tại Phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cho rằng, khi rà soát mà không hết các ngành nghề bị cấm đầu tư, kinh doanh thì sau khi xây dựng danh mục và thông qua Luật mà phát sinh nghề cấm đầu tư kinh doanh thì Chính phủ cần đề xuất UBTVQH báo cáo Quốc hội quyết định tại mỗi kỳ họp để đảm bảo tính kịp thời của hoạt động đầu tư, kinh doanh.
Theo Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Đức Hiền, "linh hồn" của luật đầu tư là những vấn đề liên quan đến những ngành nghề đầu tư kinh doanh mà pháp luật cấm, cũng như có điều kiện chưa được thể hiện cụ thể trong dự thảo, mà vẫn còn phải “chờ”. Theo ông, cần quy định rõ trong luật này 2 điểm: một là những loại ngành nghề nào chưa quy định cụ thể thì phải có quy định rất rõ là những loại ngành nghề nào là có điều kiện; hai là những điều kiện để thực hiện ngành nghề đó là những điều kiện phải như thế nào. “Đề nghị Chính phủ trên cơ sở các nguyên tắc đó có thể quy định những ngành nghề trên cơ sở quy định về mặt nguyên tắc của Luật này hoặc tốt nhất nếu có thể thì rà soát lại sớm để đưa vào trong Luật” – Chủ nhiệm Hiền phát biểu.
Giải thích vì sao việc tập hợp danh mục cấm đầu tư chậm trễ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết, “những ngành nghề cấm kinh doanh “nằm” nhiều ở những ở bộ khác. Lẽ ra hôm nay phải có, nhưng các bộ vẫn chưa trả lời mặc dù chúng tôi đã nhắc nhiều lần”.
Không ghi ngành nghề trong đăng ký kinh doanh có dẫn đến lách luật?
Cũng trong sáng nay, UBTVQH cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi).
Nội dung nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các thành viên UBTVQH là Giấy ứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Qua thảo luận tại Kỳ họp quốc hội thứ 7 vừa qua, có ý kiến đề nghị giữ quy định về ngành, nghề kinh doanh trong Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp để phục vụ cho công tác hậu kiểm, thống kê và quản lý nhà nước nói chung. Tuy nhiên, Ủy ban Kinh tế cho rằng, theo Luật Doanh nghiệp hiện hành, doanh nghiệp đăng ký ngành, nghề kinh doanh và sau đó, được quyền kinh doanh theo đúng ngành nghề đã đăng ký và được ghi trong Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Như vậy, về thực chất, doanh nghiệp chỉ được quyền tự do kinh doanh những ngành, nghề đã đăng ký. Nếu doanh nghiệp muốn kinh doanh các ngành, nghề chưa ghi trong Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thì phải làm thủ tục bổ sung, điều chỉnh Giấy chứng nhận; nếu kinh doanh ngành, nghề không ghi trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh thì hoạt động kinh doanh bị coi là trái phép. “Quy định như vậy là không còn phù hợp với Điều 33 của Hiến pháp mới, theo đó, mọi người có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm. Do đó, Ủy ban Kinh tế đề nghị không ghi ngành nghề kinh doanh trong Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp” – Chủ nhiệm Nguyễn Văn Giàu cho biết.
Chủ nhiệm Giàu cũng phân tích, dự án Luật quy định không ghi ngành, nghề kinh doanh trong Giấy chứng nhận sẽ giảm đáng kể chi phí thực hiện thủ tục hành chính, giảm rủi ro, tăng tính an toàn pháp lý và tính chủ động, linh hoạt cho doanh nghiệp trong kinh doanh. Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn phải có nghĩa vụ kê khai, thông báo ngành, nghề kinh doanh với các cơ quan có thẩm quyền khi đăng ký kinh doanh hoặc khi bổ sung ngành, nghề kinh doanh để thực hiện nghĩa vụ của mình.
Không ủng hộ đề xuất bỏ danh mục ngành nghề trên giấy đăng ký kinh doanh, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cho hay, Hiến pháp quy định quyền tự do kinh doanh song bắt buộc phải có đăng ký ngành nghề kinh doanh, có đăng ký. Theo ông, nếu quy định không cẩn thận sẽ dẫn đến lách luật. Ông ví dụ, doanh nghiệp báo cáo là kinh doanh karaoke, sau khi được cấp phép thành lập doanh nghiệp lại mở sàn nhảy. “Kinh doanh nghề gì, xã hội có cần hay không vẫn phải ghi” – ông bày tỏ.
.