Thứ Sáu, 12/06/2020, 10:00 [GMT+7]

Gắn bảo vệ, phát triển rừng với đảm bảo an sinh xã hội

(Congannghean.vn)-Gắn mục tiêu, giải pháp bảo vệ, phát triển rừng với hỗ trợ cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập, đảm bảo đời sống, việc làm, an sinh xã hội cho người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số vùng miền núi - Đó là yêu cầu của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An - ông Hoàng Nghĩa Hiếu - nhằm góp phần hiện thực hoá các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội về lĩnh vực lâm nghiệp năm 2020.

Việc chi trả tiền khoán bảo vệ rừng góp phần chấm dứt tình trạng phá rừng, tạo nguồn thu nhập ổn định,  cải thiện đời sống cho người dân
Việc chi trả tiền khoán bảo vệ rừng góp phần chấm dứt tình trạng phá rừng, tạo nguồn thu nhập ổn định, cải thiện đời sống cho người dân

Thời gian qua, công tác lâm nghiệp của tỉnh đạt được nhiều kết quả tích cực, đơn cử như các chỉ số tốc độ tăng trưởng ngành, độ che phủ rừng, tổng nguồn thực chi chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng... Bên cạnh đó, vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương các cấp, các chủ rừng, các lực lượng kiểm lâm, Công an, Quân sự, Biên phòng tiếp tục được phát huy. Công tác phối kết hợp bảo vệ rừng giữa các lực lượng nói trên và chủ rừng, chính quyền địa phương có nhiều chuyển biến tích cực, tạo sức mạnh tổng hợp ngăn chặn các hành vi vi phạm, các quy định quản lý, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản. Tình hình an ninh rừng cơ bản được giữ vững, không xảy ra các “điểm nóng” nổi cộm về công tác quản lý, bảo vệ rừng. Các vụ việc xảy ra đều được phát hiện và xử lý kịp thời.

Tuy nhiên, công tác lâm nghiệp thời gian qua vẫn còn một số hạn chế, tồn tại cần sớm khắc phục. Các cơ chế, chính sách khuyến khích bảo vệ, phát triển rừng và nguồn tài chính hỗ trợ người dân nơi có rừng còn hạn chế. Công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC) rừng vẫn chưa đảm bảo vững chắc, nguy cơ tiềm ẩn xảy ra cháy lớn vẫn còn rất cao. Việc triển khai thực hiện Đề án giao rừng gắn với giao đất lâm nghiệp và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018 - 2021 tại một số địa phương không thực hiện được hoặc đạt kết quả chưa cao. Các phát sinh trong quá trình thực hiện Đề án chưa được giải quyết kịp thời…

Từ thực tế nêu trên, theo yêu cầu của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nghĩa Hiếu, nhiệm vụ trọng tâm của ngành Lâm nghiệp trong thời gian tới là gắn mục tiêu, giải pháp bảo vệ, phát triển rừng với hỗ trợ cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập, đảm bảo đời sống, việc làm, an sinh xã hội cho người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số vùng miền núi. Theo đó, việc khai thác rừng trồng phải đảm bảo hợp lý, gắn với công nghệ chế biến, tiêu thụ sản phẩm để nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm rừng trồng. Đồng thời, tiếp tục quan tâm chỉ đạo trồng rừng gỗ lớn, phát triển lâm sản ngoài gỗ, dược liệu dưới tán rừng nhằm hướng tới phát triển lâm nghiệp bền vững. Cùng với đó, tiếp tục tập trung tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác lâm nghiệp; chỉ đạo các chủ rừng triển khai xây dựng phương án quản lý rừng bền vững. Trước mắt tập trung nguồn lực sẵn có để chỉ đạo xây dựng thí điểm phương án quản lý rừng bền vững ở một số đơn vị chủ rừng có điều kiện nguồn lực  tài chính và cơ sở vật chất, ranh giới, diện tích đất đai rõ ràng. Tiếp tục rà soát, bổ sung, hoàn thiện quy hoạch 3 loại rừng để tích hợp vào quy hoạch lâm nghiệp quốc gia; hoàn thiện Đề án thành lập “Khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao vùng Bắc Trung Bộ tại tỉnh Nghệ An” trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và tổ chức triển khai thực hiện. Đối với các ngành, địa phương, cần tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc thực hiện phương án bảo vệ rừng tại các địa phương và chủ rừng. Qua đó phát hiện kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ rừng, điều tra, xử lý nghiêm đối tượng vi phạm, đặc biệt là các vụ gây cháy rừng và thiếu tinh thần trách nhiệm, buông lỏng quản lý, để rừng bị khai thác, chặt phá, cháy rừng trên địa bàn.

Hiện đang là thời điểm nắng nóng gay gắt, nguy cơ cháy rừng thông là rất cao. Do vậy, tỉnh đang triển khai chế độ thường trực canh gác lửa rừng 24/24 giờ tại Ban chỉ huy PCCC rừng các cấp và chòi canh lửa. Các chủ rừng, UBND cấp xã bố trí lực lượng canh phòng kiểm soát người ra, vào rừng tại những khu vực rừng trọng điểm, tại các chòi canh lửa, trạm bảo vệ rừng có nguy cơ cháy cao để chủ động phòng ngừa, ngăn chặn lửa rừng. Để làm tốt công tác PCCC rừng, Chi cục Kiểm lâm yêu cầu các Hạt Kiểm lâm, chủ rừng tăng cường làm tốt công tác thông tin cảnh báo cháy rừng ngay tại địa bàn cơ sở. Đồng thời tham mưu Ban chỉ đạo huyện chỉ đạo các ngành chức năng phối hợp điều tra, thu thập chứng cứ, truy tìm, tố giác thủ phạm gây ra cháy rừng để xử lý nghiêm nhằm giáo dục, phòng ngừa răn đe chung.

.

Thùy Dương