(Congannghean.vn)-Thời gian qua, tại các địa phương trên cả nước nói chung và Nghệ An nói riêng, công tác phòng, chống bạo lực gia đình (BLGĐ) đã nhận được sự quan tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị thông qua việc triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp phù hợp với điều kiện thực tế. Trong đó, câu lạc bộ (CLB) phòng, chống BLGĐ được xem là một trong những mô hình hoạt động hiệu quả, góp phần đẩy lùi, ngăn chặn và hàn gắn những hậu quả do BLGĐ gây ra.
Các tổ chức, đoàn thể và CLB phòng, chống BLGĐ đến tận nhà người dân tuyên truyền về công tác phòng, chống BLGĐ |
Lĩnh Sơn là xã thuần nông của huyện Anh Sơn, nhân dân chủ yếu sản xuất nông nghiệp, đời sống còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Vì thế, một bộ phận người dân chưa nhận thức đầy đủ về BLGĐ, đặc biệt nhiều phụ nữ mặc dù bị chồng có hành vi bạo lực nhưng không dám lên tiếng tố cáo.
Trước thực trạng đó, nhằm phấn đấu hướng tới đạt được mục tiêu xây dựng gia đình Việt Nam ấm no, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh, thực sự là tổ ấm của mỗi người, là tế bào lành mạnh của xã hội, Ban Chỉ đạo (BCĐ) xã đã phối hợp Phòng VH&TT và Sở Văn hóa - Thể thao tổ chức tập huấn công tác gia đình và phòng, chống BLGĐ cho các CLB và 14 nhóm phòng, chống BLGĐ. Đến nay, công tác phòng, chống BLGĐ đã được triển khai trên địa bàn toàn xã và tiến hành thành lập các CLB gồm: CLB phòng, chống BLGĐ; CLB gia đình hạnh phúc; CLB 5 không 3 sạch; CLB liên gia bảo vệ môi trường; CLB phụ nữ nuôi con khỏe dạy con ngoan...; đồng thời mỗi thôn có 1 “Địa chỉ tin cậy tại cộng đồng”.
Được duy trì sinh hoạt 2 tháng 1 lần gắn với các buổi sinh hoạt thôn, xóm, các CLB là nơi tuyên truyền, chia sẻ những kiến thức, kỹ năng về phòng, chống BLGĐ, góp phần nâng cao nhận thức cho người dân về phòng, chống BLGĐ. Sau khi CLB đi vào hoạt động, số vụ việc BLGĐ giảm rõ rệt, các nạn nhân được tư vấn kịp thời, các đối tượng có hành vi BLGĐ được giáo dục và các vụ việc đều được giải quyết tại thôn. Đặc biệt, trong 2 năm 2018 và 2019, trên địa bàn xã không có tình trạng ly hôn, ly thân do BLGĐ gây ra.
Với sự vào cuộc của các cấp, ngành, đoàn thể chính trị đã tạo sự lan tỏa trong cộng đồng, người dân tích cực tham gia phòng, chống BLGĐ, một số hình thức như bạo lực thân thể, bạo lực tinh thần đã được nạn nhân khai báo và được can thiệp kịp thời. Công tác bố trí nơi tạm lánh, hỗ trợ tư vấn và khám, chữa bệnh cho nạn nhân BLGĐ được quan tâm thực hiện. Việc can thiệp các vụ BLGĐ chủ yếu do các tổ tự quản, tổ hòa giải của thôn và Nhóm phòng, chống BLGĐ thực hiện kịp thời, tránh được những mâu thuẫn, xô xát lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến thân thể và tinh thần của nạn nhân.
Được thành lập vào tháng 7/018, sau hơn 1 năm đi vào hoạt động, đến nay, mô hình CLB phòng, chống BLGĐ ở xã Nghĩa Thọ, huyện Nghĩa Đàn đã có 30 thành viên. Quá trình hoạt động, CLB đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các tổ chức, đoàn thể để tiến hành hoà giải, tư vấn, tuyên truyền lồng ghép nội dung về phòng, chống BLGĐ.
Theo đó, được sự quan tâm chỉ đạo của Sở Văn hóa - Thể thao và Phòng Văn hóa - Thông tin huyện về công tác gia đình, triển khai Luật Phòng, chống BLGĐ, CLB và các ban, ngành, đoàn thể trên địa bàn xã đã có sự phối hợp đồng bộ trong việc thực hiện công tác phòng, chống BLGĐ. Cùng với đó, phối hợp tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, phổ biến thiết thực như hội thi, hội diễn, gặp mặt, tọa đàm, truyền thông, phổ biến… để tuyên truyền đến cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và quần chúng nhân dân; từng bước phát huy những giá trị, truyền thống quý báu, tốt đẹp của gia đình Việt Nam, gìn giữ và phát huy những chuẩn mực của gia đình nhằm góp phần xây dựng bản sắc văn hóa dân tộc; đồng thời, từng bước nâng cao nhận thức của cấp ủy Đảng, chính quyền trong việc quan tâm lãnh đạo chỉ đạo về công tác gia đình.
Từ khi CLB phòng, chống BLGĐ đi vào hoạt động, ý thức của người dân đã được nâng lên rõ rệt. Tình trạng BLGĐ đã được khắc phục, không có những vụ bạo lực nghiêm trọng xảy ra, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân. Bên cạnh đó, CLB hoạt động hiệu quả đã góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng gia đình “ít con, ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc” gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ngày càng được chú trọng và phát triển mạnh mẽ, góp phần quan trọng trong việc triển khai thực hiện Luật Phòng, chống BLGĐ.
CLB phòng, chống BLGĐ tại xã Lĩnh Sơn, huyện Anh Sơn và xã Nghĩa Thọ, huện Nghĩa Đàn chỉ là 2 trong rất nhiều mô hình phòng, chống BLGĐ trên địa bàn tỉnh Nghệ An hoạt động hiệu quả trong thời gian qua. Đặc biệt, tại các địa phương như Nghi Lộc, Cửa Lò, Diễn Châu, Quỳnh Lưu cũng có nhiều mô hình được duy trì hoạt động thường xuyên và tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của người dân về công tác phòng, chống BLGĐ.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, tại các địa phương vẫn còn gặp một số khó khăn như: Kinh phí đầu tư cho công tác gia đình nói chung và hoạt động phòng, chống BLGĐ còn hạn chế, trong khi đó các văn bản hướng dẫn chi cho công tác gia đình và phòng, chống BLGĐ rất cụ thể, như quy định về hỗ trợ cho địa chỉ tin cậy, nhóm phòng, chống BLGĐ, BCĐ xã... Bên cạnh đó, công tác phát hiện, hòa giải các vụ xung đột, mâu thuẫn trong gia đình chưa được thực hiện thường xuyên, kịp thời nên vẫn còn tình trạng bạo hành gia đình kéo dài. Việc hỗ trợ, giúp đỡ nạn nhân bị BLGĐ chưa đạt yêu cầu đề ra. Hoạt động hòa giải ở cơ sở để đáp ứng nhiệm vụ của pháp luật về hòa giải mâu thuẫn và hòa giải tranh chấp giữa các thành viên trong gia đình vẫn còn hạn chế…
Trước thực trạng nói trên, để mô hình tiếp tục hoạt động hiệu quả trong thời gian tới, cần tăng cường sự quan tâm lãnh đạo chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền về công tác xây dựng các CLB phòng, chống BLGĐ, nhân rộng và triển khai đồng bộ, toàn diện. Thường xuyên mở các lớp tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác gia đình; biên tập và cung cấp tài liệu hoạt động cho CLB và Nhóm phòng, chống BLGĐ. Đặc biệt, cần có chính sách hỗ trợ kinh phí duy trì hoạt động của CLB cũng như kịp thời biểu dương khen tưởng các tập thể, cá nhân xuất sắc trong công tác phòng, chống BLGĐ.