Thứ Hai, 09/09/2019, 09:49 [GMT+7]
Vụ tàu cá bị chìm ở Quảng Bình khiến 2 ngư dân mất tích

4 ngư dân sống sót kỳ diệu sau 25 giờ chống chọi trên biển

(Congannghean.vn)-Hơn 2 tháng trôi qua, nỗi đau của những người thân trong vụ tai nạn tàu cá ở đảo Bạch Long Vỹ vẫn chưa hết nguôi ngoai thì nay người dân biển Quỳnh lại đón nhận tin dữ. Sau nhiều ngày tránh bão tại khu vực lạch Giang, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, chiếc tàu cá mang số hiệu NA-93010TS ra khơi trở về quê nhà thì gặp tai nạn, tàu bị sóng đánh chìm khiến 7 thuyền viên gặp nạn. 5 người may mắn được tàu hàng và tàu cứu hộ cứu sống, còn 2 người hiện vẫn đang mất tích trên biển.

Cuộc trùng phùng đầy nước mắt

Từ trưa 7/9, nhận tin Bộ đội Biên phòng (BĐBP) sẽ đưa những ngư dân còn lại về bàn giao cho gia đình, người nhà các ngư dân và rất đông bà con xã Sơn Hải, huyện Quỳnh Lưu đã có mặt ở UBND xã để chờ đợi. 13 giờ, chiếc xe chở Đoàn cán bộ Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh Quảng Bình cùng 3 thuyền viên về tới trụ sở UBND xã. Gia đình của các ngư dân chạy ào tới ôm chầm lấy người thân may mắn sống sót, nước mắt mừng mừng tủi tủi.

Chiều 7/9, BĐBP Quảng Bình đã bàn giao 4 ngư dân được cứu sống cho gia đình và chính quyền địa phương
Chiều 7/9, BĐBP Quảng Bình đã bàn giao 4 ngư dân được cứu sống cho gia đình và chính quyền địa phương

Từ ngày nghe tin cơn bão số 5 về trên biển đến nay, những người thân của họ ở quê nhà đã trải qua biết bao cung bậc cảm xúc, từ lo âu thấp thỏm đến đau đớn, tuyệt vọng cho đến ngày hôm nay, khi được đón các con sống sót trở về, họ vỡ òa trong niềm hạnh phúc. 3 ngư dân được lực lượng BĐBP đưa về lần này là Trần Văn Cường (16 tuổi), Ngô Văn Xô (17 tuổi) và Lê Văn Chiến (17 tuổi), cùng trú tại xã Sơn Hải, huyện Quỳnh Lưu. Trước đó, sau khi nhận tin tàu cứu hộ cứu được 4 ngư dân, gia đình anh Phạm Văn Hoàng trú tại xã Quỳnh Thọ, huyện Quỳnh Lưu đã vào Quảng Bình đón con trai trở về trước.

Nghe tin con trai trở về, bà Hàn Thị Lý, mẹ ngư dân Lê Văn Chiến đã chờ đợi ở đây gần 2 tiếng đồng hồ. Con trai vừa bước xuống xe, bà chạy lại ôm chầm lấy con, nấc lên từng tiếng: “May quá con ơi, kỳ diệu quá con ơi, gia đình tôi, cả xã này cảm ơn các anh bộ đội nhiều lắm. May có các anh, nếu không giờ này không biết các con đang trôi dạt ở đâu nữa”. Bà Lý cũng như tất cả những người mẹ, người vợ ở làng biển này, mỗi lần tiễn chồng, con ra khơi đánh cá, ngoài việc mong ngóng những chuyến tàu trở về đầy khoang, điều họ mong mỏi nhất là được đón người thân trở về an toàn.

Tiếp nhận 3 ngư dân, lãnh đạo UBND xã Sơn Hải đã thăm hỏi, động viên, tặng quà hỗ trợ cho gia đình các ngư dân, đồng thời bày tỏ lòng biết ơn đối với lực lượng BĐBP tỉnh Quảng Trị đã nỗ lực tìm kiếm các ngư dân trong những ngày qua. Phía địa phương cũng mong muốn lực lượng cứu hộ tiếp tục tìm kiếm 2 ngư dân còn lại vẫn đang mất tích.

25 giờ vật lộn trên biển

Trở về sau chuyến tàu bão táp, những ngư dân vẫn chưa hết hoảng sợ, lo lắng. Nhớ lại quãng thời gian vật lộn trên biển suốt 25 giờ, ngư dân Trần Văn Cường (16 tuổi) người ít tuổi nhất trên chuyến tàu này vẫn không thể tin mình và mọi người có thể sống sót để trở về. Cường cho biết: “9 giờ ngày 5/9, sau nhiều ngày neo đậu tránh bão, tàu rời lạch Giang trở về quê. Khi tàu cá vừa di chuyển ra khỏi khu vực lạch Giang, cách đất liền 2 hải lý thì gặp sóng to, nước xoáy ập vào thuyền, đánh chìm con tàu, tất cả 7 thuyền viên trên tàu đều bị nhấn chìm. Ngoài 3 anh em chúng tôi còn có bác Trần Quang Thiện, bác Đậu Ngọc Cầm, anh Phạm Văn Hoàng và thuyền trưởng Nguyễn Văn Thắng”.

Theo lời kể của các ngư dân, khi tàu bị sóng đánh, những chiếc phao dù, những mảnh xốp của thùng đá trên tàu bung ra, 5 anh em đã bơi đến và bám vào những vật dụng đó để cầm cự ngoi lên bờ. Thuyền trưởng Nguyễn Văn Thắng cố bơi ra phía xa hơn để lấy chiếc phao khác thì không may bị sóng biển đánh ra xa. Anh Thắng sau đó may mắn được một tàu chở hàng đi qua cứu vớt.

Trong số 4 thuyền viên, Cường, Xô, Chiến là những người mới đi biển nên kinh nghiệm đi biển chưa nhiều. Thuyền viên Ngô Văn Xô  nhớ lại: “Chúng em đã trải qua 25 giờ vật lộn giữa biển nước, chịu cái lạnh đến thấu xương và lả đi vì đói. Mỗi lúc người lả đi, lại được các anh kéo lên. Để cầm cự, chống chọi được trên biển chừng ấy thời gian, em nghĩ chúng em thật sự quá may mắn”. So với các thuyền viên, sức khỏe và kinh nghiệm đi biển của Xô không thể bằng nên trong quá trình vật lộn trên biển, Xô nhiều lần ngất xỉu, các thuyền viên thay nhau đẩy Xô lên và kéo em lên tấm gỗ để hồi sức.

Anh Phạm Văn Hoàng cho biết: “Tàu bị đánh chìm vào 9 giờ sáng, đến 3 giờ sáng ngày hôm sau, tôi phát hiện một số khúc gỗ bị nước lũ cuốn ra biển đã buông tay khỏi phao để bơi ra giữ lại kết làm bè. Lúc này quần áo, dây thun trên người các thuyền viên được cởi ra để cột từng khúc gỗ vào nhau rồi đặt tấm xốp lên trên. Chúng tôi cứ thế tiếp tục bám trụ, hy vọng sẽ có tàu cứu hộ ra cứu. Ai nấy đều mệt lả, hai hàm răng rung cầm cập, va vào nhau, vừa đói, vừa lạnh. Chúng tôi phải lấy bèo tây ăn để có sức cầm cự. Rất may, trong đám bèo tây bị trôi dạt, có hộp sữa tươi, mấy anh em thấy quá hạn sử dụng nhưng bấm bụng chia nhau uống để còn có sức chiến đấu”.

Giây phút sinh tử cũng là lúc các thuyền viên đoàn kết, động viên nhau cố gắng bám trụ để không bị chìm. Cho đến 9 giờ ngày 6/9, mọi người phát hiện có chiếc tàu cứu hộ đang di chuyển ở xa nên đã phát tín hiệu nhờ giúp đỡ. “Lúc này, mọi người đỡ Cường đứng lên chiếc bè, lấy áo vẫy và cố hét thật to. Vài phút sau, chiếc tàu cứu hộ của Đồn Biên phòng Cồn Cỏ (BĐBP tỉnh Quảng Trị) đã tới cứu vớt chúng tôi lên tàu và đưa về bờ. Lúc đó mấy anh em mới dám tin rằng mình đã sống sót”, anh Phạm Văn Hoàng kể lại.

Nỗi đau chồng nỗi đau

Gia đình nạn nhân mất tích đau đớn thấp thỏm chờ đợi ở quê nhà
Gia đình nạn nhân mất tích đau đớn thấp thỏm chờ đợi ở quê nhà

Hiện nay, ngoài 5 ngư dân may mắn được cứu sống thì 2 ngư dân còn lại vẫn đang mất tích là ông Trần Quang Thiện và ông Đậu Ngọc Cầm. Mỗi ngày trôi qua, gia đình, người thân 2 ngư dân này lại càng thêm đau đớn bởi hy vọng tìm kiếm ngày một ít hơn. Đã mấy ngày qua, nỗi đau bao trùm lên cả 2 gia đình và cả miền quê nghèo. Bà con lối xóm thay nhau túc trực ở nhà 2 thuyền viên, động viên gia đình vượt qua nỗi đau. Trong gian nhà đơn sơ, bà Ngô Thị Huệ, vợ thuyền viên Đậu Ngọc Cầm đã mấy ngày liền không ăn, không ngủ. Bà lả đi vì mệt, mỗi lúc tỉnh dậy bà lại đau đớn gọi tên chồng trong vô vọng.

Đau xót hơn khi nghe tin anh trai mất tích, chị Đậu Thị Vân, em gái của ông Cầm vì quá đau đớn đã khóc ngất liên tục dẫn đến bất tỉnh. Chị Vân vốn bị cao huyết áp, mặc dù gia đình đã đưa đến bệnh viện cấp cứu nhưng chị Vân đã qua đời vào sáng 7/9. Theo những người hàng xóm, hoàn cảnh của ông Cầm rất khó khăn. Ông Cầm có chị Vân là em gái, là mẹ đơn thân, có con trai đi xuất khẩu lao động ở Đài Loan. Khi chị Vân nhập viện, người thân đã báo tin cho con trai chị và cháu đã tức tốc mua vé máy bay về nhà. Chiều 7/9, người thân và bà con láng giềng đã tổ chức lễ an táng cho chị Vân.

Hiện nay, công tác tìm kiếm đang được tiến hành khẩn trương. Ông Hoàng Sơn, Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Hải cho biết: “Sau khi nhận được tin, lãnh đạo địa phương gồm Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Sơn Hải đã vào tỉnh Quảng Bình, nơi các ngư dân mất tích để phối hợp với ngành chức năng Quảng Bình tìm kiếm”.

.

Huyền Thương

.