Chủ Nhật, 26/05/2019, 10:23 [GMT+7]

Lao động để dạy nghề, hướng nghiệp cho phạm nhân

Ngày 22-5, trong phiên thảo luận tại hội trường dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi), một vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm được quy định tại Điều 33 của Luật, quy định về tổ chức cho phạm nhân lao động.
 
Đa số ý kiến tán thành việc dự thảo Luật bổ sung quy định cho phép trại giam phối hợp với doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân để tổ chức cho phạm nhân lao động và có thể tổ chức khu sản xuất, điểm lao động ngoài trại giam. Một số ý kiến cho rằng, việc tổ chức khu sản xuất, điểm lao động ngoài trại giam sẽ phát sinh phức tạp, dễ xảy ra tình trạng phạm nhân mang vật cấm vào trại giam và nguy cơ phạm nhân trốn.
 
Để có cái nhìn đa chiều, phóng viên Báo CAND đã phỏng vấn bà Văn Thị Bạch Tuyết, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh về vấn đề này.
 
Phóng viên: Thưa bà, khi thảo luận về Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi), một số đại biểu cho rằng phạm nhân đã phạm tội thì lấy trừng phạt là chính, không nên bắt buộc lao động và lao động họ phải đồng ý. Quan điểm của bà về vấn đề này như thế nào?
 
Đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết: Theo tôi, đã là con người thì phải có lao động, muốn giáo dục con người, đặc biệt là người từng phạm tội chắc chắn phải qua lao động. Sự tiến hoá của loài người cũng phải thông qua lao động. Từ lao động, con người biết suy nghĩ, tư duy, nhận thức và biết trân trọng giá trị của bản thân mình.
 
Đối với phạm nhân thì lao động là giải pháp cần thiết. Việc tổ chức cho phạm nhân lao động không chỉ nhằm cải tạo họ mà còn phục vụ mục tiêu tái hòa nhập sau này. Nếu không lao động, không tay nghề khi mãn hạn tù sẽ khó khăn trong tìm kiếm việc làm, mặc cảm, tự ti và dễ tái phạm. Thông qua lao động, phạm nhân cũng nâng cao sức khoẻ, nâng cao tay nghề, kỹ năng phục vụ cuộc sống sau này.
 
Phóng viên: Hiện nay, thực tế nhiều trại giam ở miền Bắc và miền Trung diện tích rất hạn hẹp, không đủ để làm nông nghiệp trong khi ngân sách chưa bố trí được để xây dựng nhà xưởng trong trại giam. Chính vì vậy, Bộ Công an đã tổ chức thí điểm cho phạm nhân lao động ngoài trại giam. Kết quả đã đa dạng hóa ngành nghề, tạo ra nhiều việc làm đồng thời giúp phạm nhân có nhiều cơ hội làm nghề, học nghề. Theo bà, để giải quyết vấn đề thiếu đất, thiếu kinh phí mà vẫn tạo cơ hội cho phạm nhân học nghề, lao động thì có nên luật hoá quy định cho các trại giam phối hợp với các doanh nghiệp, cá nhân để tổ chức cho phạm nhân lao động hay không?
 
Đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết: Về nguyên tắc thì tổ chức cho phạm nhân lao động trong trại giam là tốt nhất nhưng trên thực tế thì đúng là nhiều trại giam diện tích rất hạn hẹp nên Bộ Công an đã cho phép các trại liên kết với các doanh nghiệp tổ chức cho phạm nhân lao động ngoài trại giam. Theo cáo cáo của Bộ Công an, các điểm lao động đều được doanh nghiệp xây dựng theo mẫu thiết kế của trại giam nằm trong khuôn viên của doanh nghiệp có tường rào xung quanh tách biệt với khu dân cư. Việc phối hợp hợp với doanh nghiệp để tổ chức cho phạm nhân lao động bước đầu mang lại hiệu quả tốt, không xảy ra phức tạp về ANTT.
 
Theo quy định của pháp luật hiện nay thì đã cho phép trại giam được kết hợp với doanh nghiệp để tổ chức cho phạm nhân lao động nhưng mới chỉ ở trong khuôn viên trại giam. Nội dung cho phép phạm nhân lao động ngoài trại giam mới được đưa vào tại khoản 3, Điều 33 của Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi) lần này. Theo tôi, lao động trong hay ngoài trại giam cũng phải khẳng định bản chất và mục tiêu của việc kết hợp với doanh nghiệp tổ chức cho phạm nhân lao động không phải vì kinh tế, đây là để dạy nghề, hướng nghiệp cho phạm nhân tạo cho họ có nhiều cơ hội lao động. Từ đó cơ hội cải tạo giúp phạm nhân hoàn lương, trở thành người có ích càng lớn.
Bà Văn Thị Bạch Tuyết, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh.
Bà Văn Thị Bạch Tuyết, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh.
Chính vì vậy, tôi ủng hộ quan điểm cho phép trại giam kết hợp với các doanh nghiệp, cá nhân tổ chức cho phạm nhân lao động cả ở trong và ngoài trại giam. Tuy nhiên, cần có đánh giá tác động thật kỹ về vấn đề này, bởi vì việc đưa phạm nhân ra ngoài lao động phải có những điều kiện cụ thể nhất định, phạm nhân phải quản lý, cách ly khỏi cộng đồng để họ có thời gian ăn năn hối cải. Việc tổ chức ra ngoài lao động thì phải làm sao phải quản lý chặt chẽ được họ và có điều kiện rõ ràng, cụ thể và  phải đảm bảo an ninh, an toàn.
 
Phóng viên: Theo bà, cụ thể vấn đề an ninh, an toàn đối với việc đưa phạm nhân ra ngoài lao động như thế nào?
 
Đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết: Theo báo cáo của Bộ trưởng Bộ Công an thì khi xây dựng khu giam trong hay ngoài phạm vi trại giam đều có sự thống nhất giữa trại giam với doanh nghiệp và chính quyền, nhất là các địa phương, khu vực các trại giam, giam giữ đều có thiết kế mẫu  đảm bảo an ninh, an toàn.
 
Trại giam phải phân công cán bộ có trách nhiệm để quản lý những khu vực này và những phạm nhân đi lao động tại khu vực này cũng phải được chọn, có những điều kiện nhất định, có cơ chế quản lý như trong trại giam, khi đi lao động cũng biên chế thành tổ đội và quản lý, vẫn thực hiện chế độ như là trong khu vực trại giam. Thực hiện các quy định về quản lý giam giữ như điểm danh, kiểm diện, không đi lại trong phạm vi đó, giam giữ, gặp gỡ, tiếp xúc, thăm thân đều phải tuân thủ theo quy định của trại giam.
 
Điều đó có thể cho thấy, bản chất vấn đề an ninh, an toàn của việc đưa phạm nhân ra ngoài lao động không thay đổi, vẫn chịu sự giám sát của Viện Kiểm sát. Nếu làm đúng tất cả các quy định này thì tôi nghĩ việc đưa phạm nhân ra ngoài lao động không có vấn đề gì bởi chúng ta vẫn đạt mục đích giáo dục, cảo tạo họ nhưng lại tận dụng được cơ sở vật chất, nghề nghiệp, việc làm của doanh nghiệp để phạm nhân lao động.
 
Phóng viên: Một vấn đề cũng được nhiều người quan tâm, đó là đối tượng phạm nhân được đưa ra ngoài lao động. Theo bà, những tiêu chuẩn phạm nhân như thế nào thì được đưa ra ngoài lao động?
 
Đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết: Khi đưa phạm nhân ra ngoài lao động thì phải cân nhắc đối tượng phạm nhân. Đối tượng nào được đưa ra ngoài, đối tượng nào phải lao động trong khuôn viên trại giam.
 
Cụ thể, theo tôi, phạm nhân phạm các tội nhẹ và còn thời gian giam giữ ngắn thì có thể tổ chức cho họ ra ngoài lao động, còn các phạm nhân phạm tội nghiêm trọng thì tôi cho rằng cần có các biện pháp áp dụng như hiện nay, nghĩa là lao động, cải tạo trong trại giam.
 
Đối với các phạm nhân được phép lao động ở ngoài trại giam thì dù họ không cải tạo trong trại nhưng họ vẫn là phạm nhân, không thể có quyền như người bình thường được mà cách tổ chức quản lý chặt chẽ. Phương án của Bộ Công an đặt ra tôi thấy phù hợp. Vấn đề là khi thực hiện thì phải làm đúng quy định.
 
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn bà!
.

Nguồn: CAND

.