Gia đình xã hội

Hàng chục nghìn ha đất thu hồi từ lâm trường, vì sao chưa giao cho dân?

10:02, 14/05/2019 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Tính đến nay, UBND tỉnh Nghệ An đã ra Quyết định thu hồi đất của 10 lâm trường, công ty nông nghiệp với diện tích hơn 14.000 ha để bàn giao cho người dân quản lý và sử dụng. Thế nhưng thực tế hiện nay, người dân vẫn mỏi mắt trông chờ, trong khi tình trạng thiếu đất sản xuất đang khiến cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn.

Rừng của lâm trường trên địa bàn huyện Quỳ Châu dù đã được thu hồi nhưng vẫn chưa thể bàn giao cho người dân
Rừng của lâm trường trên địa bàn huyện Quỳ Châu dù đã được thu hồi nhưng vẫn chưa thể bàn giao cho người dân
“Điểm nóng” Châu Bình
 
Ông Lô Văn Long trú tại bản Lầu 2, xã Châu Bình, huyện Quỳ Châu cho biết: Gia đình có 4 người con, nhưng đến nay đều phiêu dạt tứ xứ để mưu sinh, vì ở quê nhà không có đất sản xuất. Theo ông Long, tình trạng của gia đình ông cũng là thực trạng của hầu hết các hộ dân trong bản nói riêng và cả xã Châu Bình nói chung. Nguyên nhân là do rừng lâm trường ở sát nhà dân, bao bọc xung quanh đều là đất rừng lâm trường quản lý. Ông Nguyễn Bá Hải, Trưởng bản Lầu 2 cho biết thêm, dù sống với rừng nhưng 204 hộ dân của bản Lầu 2 chỉ có 13 hộ có đất nông nghiệp với 24 ha. Năm 2013, bản được giao 17 ha đất lâm nghiệp trên giấy tờ nhưng ra thực địa đo đạc chỉ được hơn 9 ha. Ngoài ra, bản còn có 29 ha đất trồng mía là diện tích đất do các hộ dân xâm canh đất Lâm trường Cô Ba để sản xuất.
 
Tương tự, theo ông Lô Mạnh Đường, Trưởng bản Lầu 1 thì cả bản có 151 hộ dân với 200 ha đất tự nhiên. Tình trạng thiếu đất rừng sản xuất diễn ra phổ biến. Từ năm 2013 đến nay, chưa có hộ dân nào trong bản được giao đất. Bản đã kiến nghị rất nhiều lần tại các cuộc họp, tiếp xúc cử tri nhưng chưa được giải quyết. Vấn đề này, ông Lương Văn Đại, Chủ tịch UBND xã Châu Bình phân trần, năm 2013 UBND tỉnh Nghệ An có quyết định thu hồi 1.135 ha chuyển từ đất của Lâm trường Cô Ba cho xã nhưng phần nhiều là rừng tự nhiên nên người dân chủ yếu bảo vệ, không sản xuất được. Năm 2017, Lâm trường tiếp tục trả 374 ha, xã đã huy động dân góp kinh phí để thuê đo đạc bản đồ, lập hồ sơ giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) (xã hội hóa việc giao đất, giao rừng - PV), phấn đấu giao trong quý I/2019 nhưng đến nay cũng chưa thực hiện được. 
 
Được biết, Lâm trường Cô Ba đóng trên địa bàn xã Châu Bình đang quản lý khoảng 5.000 ha đất rừng. Trong đó, rừng tự nhiên và rừng phòng hộ gần 4.000 ha, 1.100 ha là rừng sản xuất (gần một nửa là đất trồng cao su, còn lại trồng keo). Theo lộ trình từ năm 2017 - 2023, Lâm trường phải trả 900 ha đất cho địa phương. Theo báo cáo kết quả giao đất lâm nghiệp của huyện Quỳ Châu, xã Châu Bình có tổng diện tích phải cấp là 741 ha cho 621 hộ. Đến đầu tháng 3/2019, kinh phí người dân đóng góp theo hình thức xã hội hóa để thuê đo đạc gần 400 triệu đồng trong tổng số gần 600 triệu đồng.
 
Vì đâu nên nỗi?
 
Trên địa bàn xã Yên Hợp, huyện Quỳ Hợp đã thực hiện việc thu hồi đất của các nông, lâm trường để giao lại cho dân với diện tích hơn 1.600 ha, nhưng đến nay, UBND xã Yên Hợp mới chỉ giao được cho người dân gần 700 ha. 
 
Nguyên nhân, theo ông Lê Văn Thanh, Chủ tịch UBND xã Yên Hợp thì gần nửa diện tích thu hồi mà xã đã giao được đến tận hộ dân là đất mà người dân lấn chiếm canh tác trước đó, nay chỉ thống nhất giao theo hiện trạng sử dụng. Đối với diện tích chưa giao được là do đang xảy ra tranh chấp, lấn chiếm. Ngoài ra, một diện tích lớn đất rừng được bàn giao về xã là đất rừng nguyên sinh, đất núi đá, có độ dốc lớn, khó khăn trong canh tác nên sau khi nhận đất, UBND xã Yên Hợp tạm giao cho cộng đồng của các xóm quản lý. Tại các huyện khác như: Quế Phong, Thanh Chương, Anh Sơn, Nghĩa Đàn và Tân Kỳ sau khi UBND tỉnh thu hồi đất giao lại cho địa phương thì huyện cũng đã tiến hành giao cho người dân nhưng vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. 
Lực lượng chức năng kiểm tra thực trạng đất lâm nghiệp
Lực lượng chức năng kiểm tra thực trạng đất lâm nghiệp
Trước đó, thực hiện Nghị quyết số 30/NQ/TW ngày 12/3/2014 của Bộ Chính trị và Nghị định số 118/2014/NĐ-CP ngày 17/12/2014 của Chính phủ về nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng đất của các công ty nông lâm nghiệp, Sở TN&MT Nghệ An đã hoàn thiện thủ tục, hồ sơ và tham mưu, trình UBND tỉnh Nghệ An ban hành các quyết định thu hồi đất của 10 công ty nông, lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh với tổng diện tích 14.084 ha đất giao lại cho UBND các huyện, để các huyện giao đất sản xuất cho nhân dân. Đến nay, đã thu hồi được 9.957,36 ha, tập trung chủ yếu ở 6 huyện: Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Thanh Chương, Nghĩa Đàn và Anh Sơn. Theo kế hoạch, toàn bộ diện tích đất thu hồi nói trên sẽ được tổ chức bàn giao trên thực địa cho địa phương để làm cơ sở lập hồ sơ giao đất cho các hộ gia đình, cá nhân sử dụng. 
 
Tuy nhiên, theo đánh giá đến nay kết quả giao đất cho nhân dân sử dụng đạt được chưa cao. Nhiều địa phương đang trong quá trình lập phương án giao đất; đang tổ chức đo đạc bản đồ địa chính cụ thể, chi tiết để làm cơ sở giao đất, cấp giấy chứng nhận theo quy định. Việc lập hồ sơ giao đất cho nhân dân tại các địa phương gặp những khó khăn nhất định, như: Các khu đất thu hồi chưa được đo đạc bản đồ địa chính, số liệu diện tích đất thu hồi chủ yếu mang tính thống kê, vẽ sơ đồ; một số diện tích đất xa khu dân cư, phần lớn diện tích đất thu hồi nằm tại các huyện miền núi, ngân sách địa phương còn gặp nhiều khó khăn... Do đó, tính đến nay, trên địa bàn tỉnh Nghệ An đang còn 157.537 ha rừng và đất lâm nghiệp chưa giao cho người dân. 
 
Theo đánh giá, việc giao đất mới chỉ thực hiện trên thực địa, chưa đo đạc xong để lập bản đồ, cấp GCNQSDĐ. Đơn cử, tại huyện Quỳ Hợp, trong tổng số hơn 5.455 ha đất của 2 lâm trường Đồng Hợp và Quỳ Hợp đã được thu hồi, huyện này đã giao 3.968 ha đất cho dân sản xuất, diện tích 1.424,1 ha đất còn lại chưa giao cho dân mà do UBND các xã quản lý vì đất rừng tự nhiên, rừng phòng hộ, đất sông suối, đất xa khu dân cư. Ông Lê Sỹ Hào, Trưởng phòng TN&MT huyện Quỳ Hợp cho biết, huyện chỉ mới giao xong đất trên thực địa cho người dân, hiện đang tiến hành đo đạc, lập bản đồ hiện trạng đất giao cho người dân, còn việc cấp giấy chứng nhận thì chưa làm ngay được vì liên quan đến kinh phí. Theo đó, tổng số tiền chi phí cho việc đo đạc, lập bản đồ hiện trạng, cấp GCNQSDĐ trên địa bàn huyện Quỳ Hợp là khoảng 7 tỉ đồng. Chi phí này đối với huyện Quỳ Châu là 17 tỉ đồng. Số kinh phí này, huyện không thể kham nổi. 
 
Ngoài ra, nguyên nhân của việc đất thu hồi từ các lâm trường, công ty lâm nghiệp nhưng đến nay vẫn chưa thể bàn giao hết đến tận người dân, ngoài những khó khăn, vướng mắc do yếu tố chủ quan, còn có những bất cập như một số diện tích ở quá xa khu dân cư, đồi núi dốc; nhiều diện tích khác người dân xâm lấn dẫn đến vướng mắc trong giải phóng mặt bằng. Ngoài ra, đối với một phần diện tích các lâm trường đã trả lại, có không ít diện tích đất khô cằn, đất xấu hoặc ở quá xa khu dân cư, không thể canh tác được nên bà con không nhận. Đó là chưa kể đến một phần diện tích khác, khi được bàn giao là rừng nguyên sinh, người dân chỉ có thể bảo vệ, khoanh nuôi chứ không thể sản xuất khiến bà con cũng không mặn mà.

Thiện Thành

Các tin khác