Gia đình xã hội
Hãy tránh xa 'bóng cười', 'cỏ Mỹ'
10:30, 12/05/2019 (GMT+7)
Trong “bóng cười”, “cỏ Mỹ” đều có chất tác dụng mạnh trên thần kinh, tâm thần nhưng do chưa đưa vào danh mục cấm khiến một bộ phận giới trẻ vẫn ngộ nhận rằng đây không phải là ma túy nên sử dụng không sao. Nhưng thực chất có loại chỉ dùng một lần đã nhanh chóng dẫn tới dùng tiếp và gây nghiện. Tại Bệnh viện Bạch Mai, ngày nào cũng có bệnh nhân bị ngộ độc ma túy đến cấp cứu, thậm chí có bệnh nhân chưa kịp đến viện đã tử vong.
Để biết những chất chưa bị cấm này có tác hại thế nào đối với sức khỏe con người, phóng viên chuyên mục Trò chuyện chủ nhật đã có cuộc trao đổi với Ths.BS Nguyễn Trung Nguyên, phụ trách Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai.
PV: Tại Nghị định 82/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013 của Chính phủ về ban hành các danh mục chất ma túy và tiền chất thì “bóng cười” không phải là ma túy hay tiền chất. Do vậy, nhiều người ngộ nhận và đua nhau sử dụng. Xin bác sĩ cho biết, hậu quả của những ca ngộ độc phải vào viện cấp cứu do sử dụng “bóng cười”?
BS Nguyễn Trung Nguyên: Gần đây ngày nào Trung tâm Chống độc cũng tiếp nhận bệnh nhân bị ngộ độc do sử dụng ma túy. Đáng chú ý là việc sử dụng “bóng cười” có chứa khí N2O – loại khí độc gây ngạt khi sử dụng nhiều lần có thể dẫn đến tổn thương tủy sống, gây thiếu máu và giảm khả năng sinh sản hoặc sử dụng một lần nhưng quá nhiều dẫn đến ngộ độc nặng và tử vong.
Hiện chúng tôi đang điều trị cho 4 bệnh nhân vào cấp cứu khi sử dụng “bóng cười” chứa khí N2O. Các bệnh nhân này chủ yếu là thanh niên, sử dụng “bóng cười” trong thời gian dài, nhập viện trong tình trạng rối loạn cảm giác, tê bì, liệt chân tay và thậm chí cơ hô hấp có biểu hiện bị ảnh hưởng. Để điều trị cho các trường hợp này, chúng tôi phải tiêm thuốc giải độc nhưng với điều kiện khi về bệnh nhân phải ngừng sử dụng, nếu tiếp tục thì không có tác dụng.
Ths.BS Nguyễn Trung Nguyên. |
Người sử dụng “bóng cười” có chứa khí N2O tạo cảm giác “phê”, thậm chí lơ mơ, sững sờ, bản chất chính là có biểu hiện ngộ độc cấp tính nhưng một lát sau lại tỉnh. Khi một người sử dụng bóng cười trong tình trạng như vậy rất dễ bị vướng vào các vấn đề phức tạp tiếp theo, như bị trộm cắp, nữ giới bị lạm dụng, ngã hoặc gây tai nạn nếu đang lái xe mà vừa lái xe vừa hít bóng cười. Nhiều người chủ quan cho rằng sử dụng sẽ không bị “nghiện”.
Tuy nhiên, tại Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai phải điều trị nhiều trường hợp ngộ độc khí N2O mạn tính trên cơ thể như tổn thương dây thần kinh, tổn thương tủy sống, tổn thương não. Điển hình là bệnh nhân nam 26 tuổi ở quận Tây Hồ, Hà Nội do lạm dụng hít “bóng cười” trong thời gian dài đã bị rối loạn cảm giác và vận động, đồng thời có cảm giác tê bì bàn chân lan lên cổ chân và bàn tay, đi lại không vững.
Qua khám sàng lọc và xét nghiệm còn cho thấy bệnh nhân có biểu hiện tổn thương tủy sống cổ, mất chất liệu tủy sống. Các bệnh nhân dường như phần lớn là nữ.
Về cơ chế tác dụng trên cơ thể, khí N2O có chung với chất ma túy heroin về các vị trí đích tác dụng trên hệ thần kinh, tâm thần. Ở tất cả các bệnh nhân lạm dụng bóng cười trong quá trình sử dụng đều tăng dần liều lượng để đạt cảm giác “phê”. Ban đầu người dùng mỗi lần có thể dùng một vài quả bóng, sau tăng dần, phần lớn về sau mỗi lần sử dụng đến hết cả bình khí nén.
Các đặc điểm này thực sự nguy hiểm và giống với các ma túy. Như chúng ta thấy, bóng cười đang được sử dụng tự do và rộng rãi ở nhiều thành phố. Tôi nghi ngại những người sử dụng nhiều lần bóng cười đã và đang bị tổn thương trên cơ thể, đặc biệt là trên tủy sống và dây thần kinh, vấn đề là người sử dụng không quan tâm và chỉ tới viện khám khi bệnh đã biểu hiện ra bên ngoài, tức là muộn.
PV: Mới đây tại Hà Nội đã phát hiện một nhóm học sinh sử dụng loại “cỏ Mỹ” có chứa chất 5F-MDMB-PICA khiến người sử dụng bị hoa mắt, chóng mặt, nhức đầu, có em còn bị ngất. Chất 5F-MDMB-PICA phát hiện ở nước ta vào tháng 8-2018 và chưa nằm trong danh mục các chất ma túy tại Việt Nam. Xin bác sĩ cho biết bệnh viện đã tiếp nhận những ca ngộ độc cấp tính tương tự thế này hay chưa?
BS Nguyễn Trung Nguyên: Các chất ma túy mới quá đa dạng, nhiều chất, thay đổi liên tục nên các xét nghiệm chẩn đoán không chạy theo kịp. “Cỏ Mỹ” là tên lóng chỉ một dạng ma túy chế tạo ra ở dạng gói chứa các mảnh cành lá cây vụn hoặc sợi thái được tẩm các chất ma túy.
Chúng tôi tiếp nhận nhiều trường hợp ngộ độc do sử dụng “cỏ Mỹ” vào viện trong tình trạng rất khác nhau, kích thích, vật vã, hoang tưởng, ảo giác, huyết áp tăng... Hiện có hàng trăm hoạt chất được tẩm vào “cỏ Mỹ” và thay đổi liên tục, mỗi chất gây nên một bệnh ngộ độc khác nhau nên người bác sỹ khi cấp cứu một bệnh nhân ngộ độc “cỏ Mỹ” nhưng thực ra lại đang đứng trước khả năng bệnh nhân mắc hàng trăm thứ bệnh khác nhau, trong khi các xét nghiệm nhanh phục vụ cấp cứu lại không thể “chạy theo” phát hiện được các chất ma túy này.
Các bệnh nhân vào cấp cứu có biểu hiện mười mươi nhưng xét nghiệm nhanh lại âm tính. Do vậy, muốn có kết quả chính xác thì phải xét nghiệm ở các labo và các phương pháp chuyên sâu.
Ngoài “cỏ Mỹ” Trung tâm còn cấp cứu cho các trường hợp ngộ độc các ma túy nhóm amphetamin (ma túy đá, thuốc lắc, ecstasy), cần sa, “ke” (ketamin), “nước biển” (GHB), nấm (có mấy loại chất gây ảo giác), ma túy tem (LSD), thậm chí các thuốc tân dược cũng đang bị lạm dụng thành ma túy và gần đây tiếp nhận 1 ca dương tính với cocain.
Cocain là chất gây nghiện mới ở Việt Nam nhưng lại phổ biến ở Nam Mỹ, Châu Mỹ, đặc biệt gây ngộ độc cấp tính đến tim mạch và dễ tử vong. Thực trạng hiện nay là rất báo động, ngày càng phức tạp nếu chúng ta không nghiêm khắc kiểm soát.
PV: Những ca nhập viện cấp cứu do sử dụng ma túy để lại di chứng gì thưa bác sĩ?
BS Nguyễn Trung Nguyên: Bệnh nhân đến viện trong các độ tuổi khác nhau, chủ yếu là người trẻ, đang trong độ tuổi đi học và lao động, thậm chí có cháu còn đang là học sinh cấp 3. Do có quá nhiều loại ma túy ở Việt Nam hiện nay nên các hậu quả cũng rất khác nhau và phức tạp. Dưới góc độ y tế, ma túy gây ra những hậu quả nặng nề đối với sức khỏe.
Thứ nhất các ma túy hiện nay nói chung đều là các chất độc cực mạnh với thần kinh, tâm thần, tim mạch và nhiều cơ quan khác nên người dùng hầu hết bị ngộ độc (khi người dùng bị “phê” thực ra là đang bị các tác dụng có hại hay nói cách khác là ngộ độc) và dễ dàng tử vong. Nguyên nhân tử vong do ma túy là loạn nhịp tim, nhồi máu cơ tim, co giật, hôn mê, xuất huyết não, thiếu máu não, suy hô hấp, tăng thân nhiệt và biến chứng suy đa tạng.
Khi dùng nhiều lần sẽ để lại nhiều hậu quả trên thần kinh (tổn thương não, di chứng của xuất huyết não, thiếu máu não), tim mạch (suy tim, bệnh cơ tim, hẹp mạch vành nhiều vị trí), tâm thần (trầm cảm, các dạng rối loạn tâm thần),…Như vậy, ma túy gây bệnh và tử vong ở nhiều người trẻ, đồng thời cũng biến người trẻ sử dụng ma túy trở nên “già sớm”, không khác các cụ già bị đái tháo đường, bệnh mạch vành, suy tim, tăng huyết áp hay sa sút trí tuệ.
PV: Dưới góc độ y tế, theo bác sĩ có nên đưa “bóng cười”, “cỏ Mỹ” vào danh mục ma túy hay không? Bác sỹ có những khuyến cáo gì cho giới trẻ trong việc tham gia vui chơi, giải trí lành mạnh?
BS Nguyễn Trung Nguyên: Ở Mỹ, cơ quan quản lý thuốc và thực phẩm (FDA) đã cấm sử dụng N2O cho mục đích giải trí. Ở Anh, N2O cũng đã được đưa vào danh sách cùng với các chất ma túy và cấm sử dụng để giải trí. Chất 5F-MDMB-PICA là một trong những loại cần sa tổng hợp có trong “cỏ Mỹ” đã được Nhật Bản và Singapore đưa vào danh mục quản lý về ma túy.
Tại Việt Nam, tôi thấy cần phải đưa khí N2O vào dạng chất cấm không cho phép sử dụng cho mục đích giải trí. Cho tới nay, trong y văn chưa khẳng định có thể chữa khỏi hoàn toàn các tổn thương trên tủy sống, dây thần kinh cho các trường hợp ngộ độc do sử dụng khí N2O hay không.
Tôi được biết, các đơn vị chức năng nghiên cứu, báo cáo đề xuất cơ quan có thẩm quyền đề nghị Chính phủ bổ sung chất 5F-MDMB-PICA cùng với một số chất ma túy mới khác vào danh mục các chất ma túy tại Việt Nam theo quy định tại mục 3, Điều 3 Nghị định số 73/2018/NĐ-CP ngày 15-5-2018 của Chính phủ. Với tốc độ xuất hiện nhanh chóng các chất ma túy mới và lây lan như hiện nay, chúng ta cần liên tục cập nhật danh mục các chất ma túy mới của các nước khác và có biện pháp chuẩn bị trước, không nhất thiết phải đợi cho tới khi phát hiện có ở Việt Nam thì đã quá muộn.
Đối với giới trẻ, tuyệt đối tránh xa các chất ma túy, kể cả bóng cười, ngay cả khi sử dụng một lần cũng không được, một lần dùng cũng đã là có vấn đề thực sự lớn. Kể cả dùng một lần cũng có thể tử vong vì độc tính rất mạnh. Người dùng rất dễ sử dụng lần hai, lần ba sẽ thành nghiện hoặc để lại tác hại lâu dài cho cơ thể và rất nhiều hậu quả khác về bản thân, gia đình, xã hội.
PV: Xin cảm ơn bác sĩ!
Hà Nội chuẩn bị kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật liên quan đến sử dụng, kinh doanh “bóng cười”, “shisha”, “cỏ Mỹ”, “tem giấy”: Tại Văn bản số 1650/UBND-KGVX của UBND TP Hà Nội vừa ban hành, chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã tại Hà Nội chịu trách nhiệm trước UBND TP nếu trên địa bàn để xảy ra các vụ việc lợi dụng các sự kiện, lễ hội, hội chợ, điểm vui chơi công cộng tập trung đông người… để tổ chức sử dụng, chứa chấp, lôi kéo sử dụng trái phép chất ma túy, “bóng cười”…
Công an TP chỉ đạo Công an các quận, huyện, thị xã phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường phòng ngừa, phát hiện, xử lý đối với các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động kinh doanh N2O. Sở GD&ĐT có trách nhiệm chỉ đạo các trường học truyên truyền đến phụ huynh và học sinh tác hại của việc sử dụng “bóng cười” và các chất gây nghiện “núp bóng” các vỏ bọc, hình thức như: Tem giấy, bùa lưỡi, trà sữa, bánh quy và nghiêm cấm học sinh sử dụng các sản phẩm này…
Trần Hằng