Gia đình xã hội
Trầm cảm xuất hiện nhiều ở lứa tuổi vị thành niên
14:40, 12/05/2019 (GMT+7)
Theo khuyến cáo của TS Loan, nếu thấy con có dấu hiệu kéo dài từ 2 tuần trở lên có cảm giác buồn bã, trống rỗng hoặc vô vọng; giận dữ, cáu kỉnh hoặc thất vọng chỉ với những việc rất nhỏ... cha mẹ phải đưa con đến ngay cơ sở y tế để sàng lọc, tư vấn và hỗ trợ.
Du học sinh bị trầm cảm phải về nước điều trị
Đến Khoa Sức khỏe vị thành niên, Bệnh viện Nhi Trung ương vào một buổi chiều, chúng tôi không khỏi đau lòng khi nhìn những đứa trẻ vốn hoạt bát, đáng yêu nay lâm vào bệnh trầm cảm.
Điều càng ít người ngờ tới, có những học sinh đi du học ở nước ngoài phải quay về nước điều trị bệnh trầm cảm. Đây là một thực tế mà những gia đình đã hoặc sẽ cho con đi du học phải tính tới khả năng để lường trước hậu quả.
Trò chuyện với chúng tôi, TS.BS Đỗ Minh Loan, Phụ trách Khoa Sức khỏe vị thành niên, Bệnh viện Nhi Trung ương chia sẻ về trường hợp chị đang điều trị cho bệnh nhân 19 tuổi. Gia đình bệnh nhân sang Mỹ định cư từ khi cậu bé học cấp 2. Lên cấp 3 chàng trai phát triển bình thường, vui vẻ với các bạn trong lớp, học tập tốt.
Nhưng khi bước vào đại học khoảng 1 năm, tinh thần chàng trai bắt đầu sa sút, thường xuyên trầm buồn, ít giao tiếp với người trong gia đình, không muốn đi học. Lo lắng, họ xin bảo lưu kết quả học tập của con và đưa con về Việt Nam để thay đổi môi trường.
TS Loan cho hay, qua chia sẻ của bệnh nhân thì được biết, chính môi trường ở đại học do không có bạn thân khiến bệnh nhân thấy mình lạc lõng. Mỗi khi bạn bè trò chuyện, cười đùa vui vẻ, do khác biệt về văn hóa nên bệnh nhân không hiểu bạn nói gì và càng ngày càng cảm thấy cô đơn.
Điều trị cho bệnh nhân này, ngoài dùng thuốc và những liệu pháp về tâm lý, bác sĩ hướng bệnh nhân tiếp xúc nhiều hơn với thế giới xung quanh. Sau một năm trị liệu, bước đầu bệnh nhân đã trò chuyện, tiếp xúc, giao tiếp với mọi người.
“Cuối tháng 5 này cháu sẽ quay lại Mỹ để tiếp tục việc học. Hy vọng cháu đã sẵn sàng chuẩn bị tâm lý để hòa nhập với việc học tập tốt” - TS Loan chia sẻ.
Theo TS.BS Đỗ Minh Loan, trong quá trình công tác, chị đã gặp không ít bệnh nhân đến khám và điều trị căn bệnh trầm cảm là du học sinh. Gặp nhiều là các trường hợp được gia đình cho đi du học sớm từ khi các cháu là học sinh đầu cấp 3 mà không dự liệu tâm lý cho trẻ.
Có trẻ sang nước ngoài đã không thích ứng được với văn hóa nước bạn, yếu đuối, tự ti về bản thân, cô đơn khi xung quanh không có người thân, bạn bè nên đã rơi vào trầm cảm. Có trường hợp rất đáng tiếc như du học sinh 16 tuổi, vốn dĩ học rất giỏi. Khi sang Úc du học, gia đình thuê riêng cho con 1 căn phòng để ở.
Trẻ trầm cảm có dấu hiệu không thích vui chơi, trò chuyện với người xung quanh. Ảnh minh họa. |
Chỉ sau 6 tháng, do không hòa nhập được với môi trường sống mới, ở một mình cô độc, học sinh này trở nên buồn bã, cô đơn. Từ một người hoạt bát, học sinh này trở lên tự ti về bản thân, coi mình là người “bất tài, kém cỏi” và chán học, thích thu mình, những việc cá nhân đơn giản luôn lưỡng lự, không tự quyết định.
Điều trị cho bệnh nhân này, theo BS Loan rất khó khăn và phải kiên trì. Hiện du học sinh vẫn đang trị liệu trầm cảm tại Khoa Sức khỏe vị thành niên.
Kiên trì điều trị
Theo TS.BS Đỗ Minh Loan, trầm cảm là vấn đề hay gặp và phổ biến trong giai đoạn vị thành niên. Yếu tố gia đình, các sự kiện xảy ra trong cuộc sống, yếu tố cá nhân được coi là một trong những nguyên nhân có tác động đến trầm cảm vị thành niên.
Theo số liệu tại buổi trò chuyện “Trầm cảm –chuyện không của riêng ai” tổ chức mới đây ở Hà Nội, qua nghiên cứu của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc, khoảng 8-29% trẻ em vị thành niên Việt Nam mắc các bệnh về sức khỏe tâm thần. Còn theo báo cáo của nhiều nghiên cứu trong nước, 87% số trẻ em trong mẫu nghiên cứu có vấn đề về tâm lý.
Nghiên cứu với 202 trẻ em, trong đó có 22,8% số trẻ em trầm cảm; 23,7% số trẻ muốn tự tử, 10,4% tâm thần; 4% tự kỷ và 2,5% lo âu. Như vậy, ước tính Việt Nam có ít nhất 3 triệu thanh niên, thiếu niên có các vấn đề về sức khỏe tâm lý, tâm thần nhưng chỉ có khoảng 20% trong số đó được nhận hỗ trợ y tế và điều trị cần thiết.
Điều trị cho nhiều ca trẻ vị thành niên bị trầm cảm, Ths tâm lý Dương Thị Xuân, Khoa Sức khỏe vị thành niên kể cho chúng tôi nghe về trường hợp bệnh nhân tự sát nhiều lần cắt cổ tay bất thành. Đây là trường hợp bệnh đã ở thể nặng, điều trị thuốc uống và tâm lý phải rất vất vả, cần sự phối hợp tích cực của gia đình.
Theo gia đình bệnh nhân, cách đây rất lâu, con họ có dấu hiệu ẩn mình trong phòng, ít giao lưu, tuyệt đối không giao tiếp bằng mắt nhưng gia đình lại không coi đó là bất thường. Đến khi trẻ cắt cổ tay tự sát mới hốt hoảng đưa tới viện.
Khi chúng tôi hỏi về nguyên nhân dẫn tới một đứa trẻ bình thường bỗng dưng mắc bệnh, Ths Xuân cho biết, cháu bé này từ nhỏ đã được gia đình chiều chuộng, đáp ứng mọi đòi hỏi, mọi nhu cầu. Đây có thể là một yếu tố khiến trẻ khó thích nghi, khó điều chỉnh với các mối quan hệ xung quanh, dễ gây sốc tâm lý nếu trẻ gặp chuyện không như ý.
Ca bệnh này được phát hiện và đưa tới viện khá muộn, bởi bệnh tâm lý tuy dấu hiệu âm thầm nhưng diễn biến khá nhanh. Việc phát hiện bệnh sớm, điều trị sớm (tùy vào từng người bệnh) đóng vai trò quyết định cho sự tiến triển của bệnh.
Theo khuyến cáo của TS Loan, nếu thấy con có dấu hiệu kéo dài từ 2 tuần trở lên có cảm giác buồn bã, trống rỗng hoặc vô vọng; giận dữ, cáu kỉnh hoặc thất vọng chỉ với những việc rất nhỏ; hoặc những việc đơn giản nhưng con không đưa ra được quyết định; thường lo lắng, bồn chồn, suy nghĩ chập chạm, kém tập trung; luôn có cảm giác vô dụng hoặc mặc cảm, cảm giác có tội… cha mẹ phải đưa con đến ngay cơ sở y tế để sàng lọc, tư vấn và hỗ trợ.
“Trầm cảm là bệnh có thể điều trị và kiểm soát được nếu phát hiện và điều trị sớm. Cha mẹ có con mắc bệnh phải tuân thủ quá trình điều trị, không nên thấy đỡ mà ngừng, bệnh sẽ gián đoạn rất dễ khó điều trị sau này. Cha mẹ cũng cần chuẩn bị sẵn sàng về mặt tâm lý để hỗ trợ con cả quá trình điều trị, có thế mới mang lại kết quả cao” – TS Loan khuyến cáo.
Nguồn: CAND