Gia đình xã hội
Trung trinh một tình yêu với Đảng
(Congannghean.vn)-Nên duyên với nhau trong những năm tháng ác liệt nhất của cuộc chiến tranh, cùng trưởng thành từ lý tưởng tin yêu với Đảng, suốt hơn 7 thập kỷ qua, 2 ông bà đã nắm chặt tay nhau, yêu thương, thủy chung, cùng vẹn toàn thực hiện nhiệm vụ dựng xây và bảo vệ Tổ quốc. Niềm tin sắt son với Đảng chính là cội nguồn, động lực để 2 người vượt qua những gian khó, thử thách nhất của cuộc đời, viết nên quả ngọt cho ngày chiến thắng.
Bà Trần Thị Ngân (bên trái) bồi hồi nhớ lại kỷ niệm của 2 ông bà thời thanh xuân |
Chưa bao giờ nguội tắt
Gia đình cụ bà Trần Thị Ngân gắn bó với căn phòng nhỏ tại Khu tập thể B5 Quang Trung, TP Vinh đã hơn 50 năm nay. Căn hộ được sắp xếp gọn gàng, ngăn nắp, tĩnh lặng, dường như cách biệt hoàn toàn với cuộc sống ồn ã, xô bồ ngoài phố phường. Trong khói hương mà đồng đội, con cháu thắp lên anh linh cụ ông Phạm Mạnh Cương đã mất cách đây 2 tháng, bà Ngân nhẹ nhàng kể lại cho tôi bao sự kiện thăng trầm đã gắn liền với cuộc đời 2 người. Ông Cương mất, với bà là một mất mát lớn, khiến sức khỏe bị ảnh hưởng ít nhiều. Tình cảm với ông, tình yêu thương mà 2 người dành cho nhau cứ như mới diễn ra hôm qua, chưa bao giờ đổi thay, biến mất. Bao nhớ thương cứ dồn về, như mạch ngầm cứ thế trào tuôn mỗi lần nhắc đến.
Ông Phạm Mạnh Cương (SN 1928) xuất thân từ một gia đình nhà Nho ở xã Hưng Lam, huyện Hưng Nguyên. Giác ngộ cách mạng sớm, ông tích cực tham gia phong trào chống thực dân tại địa phương. Có tư chất, lại hoạt động tích cực, năng nổ, ông Cương sớm được đứng vào hàng ngũ của Đảng. Ngày 10/1/1949, ông Phạm Mạnh Cương được chính thức kết nạp Đảng. Cũng trong thời điểm này, ông quen và cảm mến người con gái Trần Thị Ngân ngoan hiền, đảm đang. Bà Ngân lúc này đang là ấn từ viên của xã. Trong cuốn nhật ký mà ông Cương viết cách đây ít lâu, vẫn kể lại rõ nét những ngày 2 người nên duyên: “Đã cùng xem kịch ở Đình Xuân Hòe (Hưng Long), đã cùng ngồi trao đổi tâm tình, đã từng ngồi tám chuyện những đêm trăng thanh”…
“Ngày xưa, chúng tôi yêu nhau kín đáo lắm, nếu có tình cảm, cũng không dám thể hiện mạnh dạn”, bà Ngân móm mém cười khi nhớ về những ngày đầu quen nhau. Trong lời hẹn ước, ngoài tình cảm sắt son, thủy chung để dựng xây gia đình hạnh phúc, còn là lời quyết tâm được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Và nhờ sự năng nổ, trách nhiệm trong các phong trào ở địa phương, tích cực trong công việc, ngày 23/5/1949, bà Trần Thị Ngân đã trở thành đồng chí của người mình yêu trong niềm vinh dự, tự hào của cả 2 gia đình.
Thấu hiểu và sẻ chia từ những ngày tháng hoạt động cách mạng sôi nổi, tình yêu của 2 người càng được vun đắp mạnh mẽ cùng niềm tin và lý tưởng cách mạng, với quyết tâm xây dựng, chiến đấu và bảo vệ Tổ quốc. Cuối năm 1951, 2 ông bà nên duyên vợ chồng.
Kết hôn một thời gian, ông được tổ chức phân công nhiều nhiệm vụ khác nhau. Phần lớn thời gian của cuộc đời làm việc, ông phải xa nhà, xa người thân, lúc thì ở Tổng cục Hậu cần (Bộ Quốc phòng), khi sang Trung Quốc học. Lúc này, bà Ngân làm nhiệm vụ trong ngành giáo dục. Những năm tháng ông biền biệt vắng nhà, khó có thể nói hết những vất vả mà bà đã phải trải qua. 1 năm sau ngày cưới, bà ra Hải Phòng, phụ trách lớp học của con em miền Nam tập kết ra Bắc. Một mình thân gái, vừa chăm con, vừa làm nhiệm vụ nơi đất khách quê người, bà Ngân luôn tự động viên mình phải nỗ lực, cố gắng hơn gấp bội.
Trong những tháng ngày ác liệt của bom đạn, chính những lá thư thấm đẫm yêu thương của ông Cương là cội nguồn sức mạnh, động lực để bà tiếp tục vững tin làm tròn nhiệm vụ. Lời nhắn nhủ ấm áp của tình vợ chồng, sự đồng điệu, thấu cảm từ tình đồng chí, niềm tin lý tưởng mãnh liệt trong mỗi lá thư luôn được ông Cương thể hiện sắt son suốt những năm tháng xa cách. Bà Ngân vẫn xem đó là động lực để mình trưởng thành thêm mỗi ngày, xứng đáng là người đảng viên cách mạng. 4 đứa con lần lượt ra đời, tiếp tục được ông bà nuôi dưỡng trong tình yêu với Đảng hòa quyện trong tình yêu gia đình.
Dòng nhật ký chan chứa tình cảm của ông Phạm Mạnh Cương |
Tiếp nối mạch nguồn truyền thống
Năm 1970, bà Ngân chuyển về Nghệ An công tác, tiếp tục thay chồng phụng dưỡng bố mẹ và nuôi dạy các con. Thời gian này, ông bà sinh thêm được 1 người con. Chiến tranh kết thúc, ông Cương về hưu, chính thức về gần nhà với vợ. Lúc này cuộc sống vẫn đang còn rất bộn bề khó khăn. Phát huy phẩm chất người lính bộ đội cụ Hồ, người đảng viên ưu tú, ông không nề hà bất cứ công việc gì. “Với ông nhà tôi, cứ công việc nào làm ra đồng tiền chân chính là ông nhận hết. Lúc mới về, thấy khu tập thể thiếu chỗ để xe, ông cùng 2 người trong khu mở chỗ coi xe kiếm thêm thu nhập”, bà Ngân trầm ngâm cho biết.
Đang là lãnh đạo bên Tổng cục Hậu cần, nay về hưu, lại đi làm lao động bình thường, hẳn không phải dễ dàng gì với nhiều người. Lý giải về điều này, ông tâm sự rõ ràng với bà, người đảng viên không chỉ thể hiện phẩm chất trong chiến đấu, bộc lộ phẩm chất cách mạng khi được tổ chức phân công mà càng phải thể hiện trong cuộc sống đời thường. Làm gì cũng được, miễn là chân chính, có ích cho gia đình, cộng đồng. Chính nhờ sự chung tay, vun đắp của 2 vợ chồng, 5 người con đều được nuôi dạy ăn học nên người. Sau này, do khu tập thể sắp xếp thay đổi, ông lại đi dạy tiếng Trung. Những người học trò được ông Cương dạy dỗ vẫn nhớ rõ về hình ảnh một người thầy mẫu mực, tận tụy, luôn thương yêu học trò.
Chiến tranh kết thúc, các con đều trưởng thành nên người, 2 ông bà mới có thời gian, điều kiện chăm sóc nhau. Tình cảm những ngày xa cách, tình yêu thương sắt son vẫn được 2 ông bà thủy chung, sắt son giữ gìn. Do sức khỏe bị ảnh hưởng bởi chiến tranh nên nhiều khi trái gió trở trời, ông Cương lại đau nhức. Thương ông, bà Ngân chăm cho ông từng chút một, bù lại, ông cũng đỡ đần, chu đáo với bà mọi lúc, mọi nơi.
Bà Nguyễn Thị Ngọc, người ở cùng ông bà bấy lâu nay tâm sự: Tôi chưa thấy cặp vợ chồng nào yêu thương, chăm sóc tận tình với nhau như vậy. Dù cuộc sống có nhiều thăng trầm, vất vả, 2 ông bà chưa bao giờ nặng lời với nhau một tiếng. Nếp truyền thống gia giáo, nề nếp tiếp tục được ông bà truyền lại cho con cháu. 5 người con của ông bà, nối mạch gia đình, ra sức phấn đấu để được vinh dự đứng vào hàng ngũ Đảng Cộng sản Việt Nam. Mặc dù sức khỏe yếu nhưng 2 ông bà vẫn quan tâm, động viên con cháu làm điều hay lẽ phải, luôn nêu tấm gương sáng của người đảng viên, phấn đấu đi đầu trong công tác từ thiện, giúp đỡ người nghèo, người khó khăn.
“Vui nhất, có đứa cháu mới được kết nạp Đảng gần đây, đó là món quà lớn nhất, là phần thưởng cao quý nhất mà đất nước, quê hương đã dành tặng cho gia đình tôi”, bà Ngân chia sẻ niềm tự hào trong ánh mắt lấp lánh rưng rưng.
Ngày 29/5/2018, ông Phạm Mạnh Cương và bà Trần Thị Ngân được đón nhận Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng. Sau đó ít lâu, vì tuổi già sức yếu, ông Phạm Mạnh Cương từ trần, hưởng thọ 91 tuổi. Suốt cuộc đời bôn ba, ông Cương đã luôn vẹn tròn tình yêu với Đảng, xem ánh sáng mà Đảng dẫn lối là kim chỉ nam cho mọi lẽ sống, việc làm. Tình yêu trung trinh với Đảng, với tổ chức, với người vợ thủy chung của ông, bà Trần Thị Ngân, luôn là cuốn hồi ký đẹp đẽ nhất, trong trẻo nhất. Trong dòng hồi ức cuộn chảy mỗi lần nhớ về ông, ngày được cùng ông gọi 2 tiếng thiêng liêng “đồng chí”, được hô vang quyết tâm trong hàng ngũ Đảng Cộng sản Việt Nam, bà Ngân mãi mãi không quên…
Trần Lâm