Gia đình xã hội
17701
Phủ Quỳ còn vang mãi lời Người
14:00, 05/01/2012 (GMT+7)
Trong cái rét ngọt cộng thêm sương sớm trải dài theo Quốc Lộ 48, chúng tôi tìm về thăm ông Nguyễn Khơ, nhân vật vinh dự được cùng dự bữa cơm trưa với Bác Hồ ở Nông trường Đông Hiếu ngày 10/12/1961. Đang cắt tỉa cây vạn tuế trước hiên ngôi nhà 3 gian cấp 4, thấy khách lạ đến, ông thong thả ra chào đón niềm nở. Sau vài câu chào hỏi xã giao bên ấm nước chè xanh vừa mới hãm sáng sớm, cuộc trò chuyện về cuộc đời hoạt động cách mạng, kỷ niệm về Bác Hồ thật rôm rả, thân tình cởi mở.
Ông Nguyễn Khơ có dáng người cao gầy, nay tuổi đã ngoài 80 nhưng đôi mắt vẫn còn tinh thông, trí tuệ hãy minh mẫn và hoạt bát. Ông Khơ nguyên là cán bộ tiền khởi nghĩa rồi sau đó được giao nhiệm vụ trưởng phòng hành chính, kế hoạch nông trường Đông Hiếu, Giám đốc Nhà máy điện Phủ Quỳ (Nghĩa Đàn - Nghệ An), người trực tiếp làm công tác chuẩn bị đón Bác Hồ về thăm Nông trường năm ấy.
Là một cán bộ nông trường, lại là người trực tiếp làm công tác chuẩn bị đón Bác nên sự kiện ngày ấy, nay được ông kể lại mà cứ ngỡ như mới hôm qua. Sự gần gũi, phẩm chất nhân văn và tấm gương đạo đức của Bác Hồ mà ông Khơ kể khiến câu chuyện về Người cứ hút lòng người nghe.
Sáng hôm đó, người dân cả vùng Phủ Quỳ hân hoan cờ hoa, băng rôn khẩu hiệu đón Bác tại một khoảng sân rộng (nay là trường cấp 1 Đông Hiếu, xã Đông Hiếu, Thị xã Thái Hoà). Ông Nguyễn Khơ, lúc đó cùng với một số đồng chí trong ban lãnh đạo Nông trường trực tiếp làm công tác chuẩn bị đón Bác Hồ. Mọi thứ đã được sắp sẵn rất chu đáo trước từ băng rôn, khẩu hiệu… đón Bác Hồ về thăm như những đứa con đón người cha của mình đi xa mới về.
Bác Hồ về thăm nông trường quốc doanh Đông Hiếu năm 1961
Đúng 9 giờ kém 15 phút ngày 10/12/1961, Bác Hồ vẫy tay chào bà con từ trên chiếc máy bay trực thăng xuống. Trong bộ áo quần giản dị, Người như vầng dương toả sáng giữa hàng người chật ních. Giữa cái không khí lạnh buốt của mùa Đông năm ấy ở nông trường, Bác về thăm như sưởi ấm lòng người. “Hồ Chủ Tịch muôn năm! Bác Hồ muôn năm!”, những lời đồng thanh hô vang lẫn trong những băng rôn, khẩu hiệu đón Bác của bà con như vang dậy cả núi rừng miền Tây xứ Nghệ.
Khi Bác Hồ vừa xuống trực thăng thì các đoàn xe ô tô của Tỉnh uỷ Nghệ An, của Văn phòng Trung ương Đảng cũng vào, riêng Nông trường Đông Hiếu điều một chiếc Gat 69 - BA 827 (của Liên Xô cũ sản xuất) do đồng chí Hoàng Vĩnh Khánh (cán bộ miền Nam tập kết) lái. Các xe của tỉnh và trung ương tươm tất chờ sẵn để đón Bác, chỉ riêng ô tô của nông trường đã cũ, mui trần. Thấy thế Bác hỏi đồng chí Trần Kim Mạnh, Giám đốc Nông trường.
- Bác đi xe này có được không?
Nghe Bác hỏi, đồng chí Mạnh lễ phép - Vâng! xin mời Bác lên xe ạ!
Khi Bác Hồ đi ô tô từ nơi đỗ máy bay đến trụ sở Nông trường (khoảng hơn 2 km), bà con 2 bên Quốc Lộ 48 bây giờ cứ ngỡ là Bác đi xe của Trung ương hoặc xe tỉnh. Nào ngờ, khi ô tô của tỉnh và trung ương đi trước, Bác mới xuất hiện trên chiếc xe của nông trường và đưa tay vẫy chào bà con.
Sau đó, Bác xuống xe rồi nói chuyện với cán bộ, công nhân viên nông trường cùng đông đảo bà con rất cởi mở.
Người dặn:
- Hôm nay, Bác thay mặt Trung ương về thăm Nông trường. Nông trường có nhiều cái tốt nhưng không phải 100% cái gì cũng tốt. Từng cá nhân cho tới tập thể phải đoàn kết cố gắng hơn nữa.
Một lúc sau, Bác quay lại phía các cán bộ, công nhân nông trường:
- Các cô, các chú có thích ăn ớt không?
- Có ạ! - Cả loạt đồng thanh trả lời Bác.
- Thế thì mình phải tận dụng môi trường đất đai ở đây, bởi cây ớt rất dễ trồng và cho quả nhanh. Bác dặn tiếp.
- Ở đây, Hợp tác xã phải dựa vào nông trường, bởi nông trường có cơ sở vật chất. Ngược lại, nông trường phải quan hệ mật thiết với hợp tác xã. Phải biết đoàn kết, hỗ trợ nhau mới phát triển bền vững được!
Cũng buổi nói chuyện hôm ấy, Bác Hồ tặng 3 huy hiệu của Người cho các đồng chí Trần Kim Mạnh (Giám đốc Nông trường), Võ Trọng Tạo, Nguyễn Văn Lang (chiến sĩ thi đua). Bác nhắc nhở các đồng chí được tặng huy hiệu phải cố gắng hết sức mình cống hiến hơn nữa những thành tựu và chiến công đã đạt được. Đồng thời, Bác giơ ra một túi vải màu chàm (trong đó có huy hiệu của Người) và khuyến khích mọi người hãy lập nhiều thành tích cống hiến cho đất nước sẽ được nhận huy hiệu như 3 đồng chí hôm nay.
Buổi trưa hôm ấy, Nông trường làm cơm mời Bác. Trước đó, các đồng chí trong ban lãnh đạo Nông trường đã họp từ đêm qua bàn về kế hoạch đón Bác. Đến khâu chuẩn bị cơm, các đồng chí thống nhất dù lúc đó cán bộ công nhân phải ăn cơm độn nhưng phải chuẩn bị một bữa cơm trắng để mời Bác.
Ông Nguyễn Khơ kể chuyện Bác Hồ về thăm Nông trường Đông Hiếu
Lúc ăn cơm gồm có 27 người, trong đó có các đồng chí lãnh đạo Trung ương cùng đi, đồng chí Võ Thúc Đồng, Bí thư Tỉnh uỷ Nghệ An và các đồng chí lãnh đạo địa phương. Ông Nguyễn Khơ ngồi đối diện với Bác và cạnh đồng chí Mạnh. Bữa cơm hôm đó có thịt lợn, cá ao và rau nông trường tăng gia được.
Trước lúc ăn cơm, đồng chí Mạnh có đứng lên phát biểu thưa với Bác:
- Thưa Bác, bữa cơm hôm nay 100% là do nông trường chúng cháu tăng gia làm ra để mời Bác.
- Thế Bác hỏi chú: Muối các chú có làm ra được không?
Biết đồng chí Mạnh đang căng thẳng, Bác liền nói sang chuyện khác rất rôm rả. Sau đó, Bác lấy trong túi ra một nắm cơm có độn ngô xay nhỏ. Thấy vậy, mọi người mời Bác ăn cơm trắng.
Bác Hồ bảo: - Các đồng chí cứ ăn cơm tự nhiên! Không phải Bác chê cơm nông trường đâu, nhưng đi đường Bác luôn chuẩn bị sẵn cơm nắm, quen rồi.
Bữa cơm hôm đó tuy rất ấm cúng, vui vẻ nhưng mọi người chỉ dám ăn một bát. Ăn cơm xong một lúc, mọi người mời Bác vào phòng “đặc biệt” nghỉ trưa. Nói là phòng đặc biệt nhưng thực ra đó là phòng để dành riêng cho các đoàn chuyên gia và lãnh đạo về thăm. Phòng có chăn nệm ấm. Tuy vậy nhưng khi nằm nghỉ Bác cuộn lại chăn nệm và chỉ dùng độc một chiếc chiếu cói. Sau giờ nghỉ trưa, Bác đi thăm một số cơ sở sản xuất của Nông trường.
Trước lúc Bác về, đồng chí Mạnh có đem biếu Người 5 trái cam đầu mùa, 2 kg cà phê loại I, 2 chai mật ong, tất cả do Nông trường tự tăng gia lấy. Thấy vậy, Bác chỉ lấy 3 quả cam rồi tặng lại cho 2 đồng chí phi công Liên Xô (trong số đó, có một đồng chí có vợ và một con Bác tặng 2 quả, còn đồng chí phi công chưa vợ còn lại Bác tặng 1 quả để đem về cho người yêu); 2 chai mật ong Bác chỉ lấy một và còn 1 chai tặng lại Nông trường để khen thưởng cho đồng chí nào xuất sắc trong dịp tổng kết thi đua cuối năm, còn cà phê thì Bác lấy 1 kg, còn lại Bác gửi lại để góp vào lô hàng xuất khẩu của Nông trường. 4 giờ kém 15 phút, Bác Hồ lên máy bay trở về Hà Nội. Hàng vạn bà con vẫn dõi theo cho đến khi chiếc trực thăng bay xa hẳn trong sắc Xuân năm ấy.
Kể từ ngày Bác Hồ về thăm Nông trường Đông Hiếu đến nay đã 50 mùa Xuân trôi qua nhưng hình ảnh Bác vẫn còn mãi trong mỗi người dân nơi đây. Đối với ông Nguyễn Khơ, vẫn nhớ mãi hình ảnh nắm cơm độn của Bác Hồ buổi trưa hôm ấy ở Nông trường. Chỉ một nắm cơm độn ngô của Người khiến ông suy nghĩ mãi và rút ra được một bài học quý báu vận dụng vào sau này. Đó là làm một cán bộ phải đồng cảm với quần chúng: đồng bào ăn rau, ăn cháo thì mình cũng ăn rau, ăn cháo. Suy cho cùng, không nên coi mình là một cán bộ thì nhất nhất phải được chế độ sinh hoạt cao hơn. Có như vậy mới gần dân, hiểu dân và đồng lòng cùng dân.
Năm 1966, đồng chí Nguyễn Khơ được cử đi học Đại học Kinh tế rồi năm 1976 ông về giữ chức vụ Giám đốc nhà máy điện Phủ Quỳ cho đến khi nghỉ hưu. Trong quãng thời gian công tác, lãnh đạo, ông vẫn khắc ghi lời dạy của Bác Hồ về khơi dậy phong trào thi đua yêu nước trong tập thể, cá nhân vươn lên trên lao động và học tập. Là một cán bộ tiền khởi nghĩa, 63 năm tuổi Đảng, đã từng kinh qua bao chức vụ nhưng trên cương vị nào ông vẫn hoàn thành tốt nhiệm vụ Đảng giao, làm trọn lời Bác dạy.
Mỗi lần con cháu tập trung sum họp, ông lại nhắc nhở họ sống tốt hơn bằng những câu chuyện kể về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh để thế hệ mai sau noi theo. Lúc chia tay, chúng tôi vẫn còn vang mãi lời ông nói: “Với tôi, tư tưởng Bác Hồ luôn là vầng ánh dương mãi mãi toả sáng trong tim!”.
Ngọc Thái