Gia đình xã hội
Cô bé 13 tuổi sang Campuchia cứu cha
Cô bé 13 tuổi bị cha lừa sang Campuchia gán nợ"… Kiều bị bố ruột của mình là Nguyễn Văn Lâm, lừa sang Campuchia nhằm trở thành vật thế chấp cho món nợ 100 triệu đồng mà Lâm đã vay của đám chủ sòng bạc để quẳng vào những trận đỏ đen.
1. Nhập nhoạng tối, tôi ngồi với bà nội Kiều trong căn nhà cũ, đợi mẹ con Kiều về. Kiều và mẹ đang làm việc tại UBND xã Thới Mỹ, chắc chính quyền địa phương muốn tham khảo thông tin từ Kiều xung quanh chuyện bị giam giữ gần 40 ngày tại phòng "cầm mạng" ở Campuchia.
Tối, mẹ con Kiều vẫn chưa về. Bà nội Kiều nhìn tôi ái ngại: "Chú ráng đợi thêm chút nữa, chắc cũng sắp xong rồi. Chứ giờ này chú về Sài Gòn, mai lại xuống thì mất công lắm". Tôi thưa với bà rằng, tôi làm nghề báo, việc đợi chờ, đêm hôm khuya khoắt, hay giông bão mưa gió gì đó chịu cũng đã quen, bà đừng lo.
Đêm ở miền quê thanh bình, tịnh không chút gió, chỉ có tiếng chó sủa trăng ngày đầu tháng Chạp là thứ âm thanh còn sót lại. Bà nội Kiều cặm cụi ngồi đan giỏ lát, mỗi cái giỏ nhỏ có giá 1.200 đồng. Vừa đan, bà vừa kể về những ngày đạn bom, về cuộc sống trước kia. Có đoạn bà kể về Lâm, bố Kiều.
Bà nói, thằng Lâm ngày còn theo tán tỉnh con Oanh (chị Đinh Thị Hoa, mẹ ruột Kiều - PV) hiền lắm. Mãi sau này, tui mới biết nó nghiện cờ bạc. Mà dẫu sao đi chăng nữa, thì ai lại lừa con gái mình sang Campuchia để thoát thân bao giờ. Chắc lần này, nó phải bỏ xứ đi, chứ mặt mũi nào mà nhìn bà con xóm giềng nữa.
Dở dang câu chuyện với bà, thì mẹ con bé Kiều về. Vừa gặp tôi, chị Oanh cười tít mắt. "Cứ như mơ vậy, anh ơi. Từ hôm bé Kiều về đến giờ, tui mừng không ngủ được", chị reo lên. Thấy khách lạ, Kiều chạy một mạch vào trong nhà, còn kịp nghe Kiều nói với mẹ "Con bình yên rồi".
Chị nói, sau hôm gặp tôi, nghe thông tin các cơ quan chức năng đang tích cực lên phương án giải cứu bé Kiều khỏi nhà giam giữ của bọn chủ sòng bạc tại Campuchia, chị hy vọng nhiều lắm. Nhưng sợ thì vẫn cứ sợ. Rồi chị nhận được điện thoại của cậu út, cậu út của Kiều đang làm việc ở Sài Gòn.
Cậu út bảo với chị rằng, mình chờ giải cứu thì cứ chờ, tuy nhiên nếu mình xoay sở được mang bé Kiều về nhà sớm thì vẫn tốt hơn. Chứ không may, tụi nó bán bé Kiều sang Thái Lan thì mình không thể nào tìm được.
Sau một hồi thảo luận, chị đồng ý theo cách của cậu út bé Kiều. Chị chạy vạy khắp nơi trong xã, mượn được 30 triệu đồng tiền hụi. Mỗi tháng, chị phải đóng 100 nghìn tiền lãi cho mỗi triệu. Nhẩm tính, số tiền lãi mà chị phải góp mỗi tháng là 3 triệu đồng, vượt xa khoản tiền lương là công nhân may của chị. Tôi tính hỏi là bé Kiều về rồi, chị sẽ trả nợ cho người ta như thế nào. Nhưng lại thôi. Cuối năm, ngồi nói chuyện nợ nần lo toan, sợ chị buồn.
Cậu út Kiều ở Sài Gòn, cũng xoay thêm tiền để góp vào khoản 30 triệu của chị để sang Campuchia giao cho chủ sòng bạc. May là, có một Mạnh Thường Quân giấu tên, biết chuyện nên giúp gia đình chị một số tiền chuộc bé Kiều về.
Phải bỏ bao nhiêu tiền để chuộc bé Kiều, tình thật là chị cũng không biết. Chị chỉ muốn con gái chị được trở về nguyên vẹn là đã quá nỗi mong chờ của chị.
Tối giữa tuần, chị nhận được điện thoại của cậu út. Cậu út thông báo, cậu đã đón được bé Kiều về lại. Hiện bé Kiều đang ở nhà cậu tại Sài Gòn. Thông tin khiến chị cả đêm không ngủ được. Sáng hôm sau, chị muốn nghỉ làm để lên Sài Gòn đón Kiều về lại Củ Chi, tuy nhiên, công việc không cho phép chị làm điều đó. Vậy là chị phải đợi đến giờ tan sở mới vội vã chạy lên phố đưa Kiều về nhà.
Vậy đó, Kiều được an toàn trở về không phải là được giải cứu từ các cơ quan chức năng mà chính từ phía gia đình. Kiều trở về, nhờ số tiền mà người thân Kiều phải chạy vạy khắp nơi, nhờ vào lòng tốt của người ẩn mặt…
Nếu không có một biện pháp mạnh, rốt ráo và quyết tâm thực hiện nghiêm túc, thì có lẽ, sẽ còn rất nhiều bi kịch từ các sòng bạc tại Campuchia giáng xuống những gia đình tại Việt Nam.
Kiều về trong niềm hân hoan của gia đình. |
2. Kiều kể với tôi rằng, Kiều đang học thì thầy giáo đưa điện thoại cho Kiều bảo: "Ba muốn nói chuyện với em". Kiều vừa áp tai vào điện thoại, đã nghe tiếng ba khóc nức nở. Ba Kiều vừa khóc, vừa nói: "Con mang tiền qua đây cứu ba với, chứ người ta cứ hành hạ ba hoài". "Nhưng cứu ba làm sao, con đâu có tiền đâu", Kiều đáp. "Ba không cần nhiều tiền, ba chỉ cần con mang cho ba tiền xe thôi", giọng ba Kiều nài nỉ.
Hỏi Kiều: "Con không nghĩ được rằng, con sang Campuchia vậy, ở nhà mẹ và ngoại lo lắng cho con thế nào sao?". "Dạ, tại ba nói với con, con mang tiền xe qua cho ba. Nhiều lắm là chiều thì hai cha con sẽ về đến Việt Nam", Kiều trả lời.
Lâm hướng dẫn cho con gái cặn kẽ đến từng chi tiết cách thức sang Campuchia. Lâm còn bảo bé Kiều bán cái xe đạp đang dùng để đi học, lấy tiền làm lộ phí sang Campuchia với Lâm.
Sáng ấy, Kiều bán hoặc cầm xe đạp được 550 nghìn, đón xe ôm lên Gò Dầu (Tây Ninh), từ đây Kiều đi xe ôm đến cửa khẩu. Sau đó, Kiều gọi điện thoại cho ba. Lâm bảo với con gái rằng, sẽ có một chiếc xe ôm khác của sòng bạc đến chở Kiều chạy tránh cửa khẩu để đến nơi Lâm bị giam giữ. Cuốc xe ôm hết 250 nghìn, do Kiều trả.
Đến nơi là buổi chiều, người đàn ông xa lạ nói Kiều cần phải làm giấy vay nợ cho ba Kiều. Kiều còn nhớ rõ chi tiết đã viết giấy nợ cho ba Kiều như thế nào, cũng có cam đoan, có ngày vay tiền và ngày trả tiền nếu không thì "Ông Nguyễn Văn Lâm sẽ hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật". Trời ạ, pháp luật cũng tồn tại ở nơi này sao(?!).
Sau khi viết xong giấy ghi nợ, Lâm lăn tay điểm chỉ để làm tin. Hỏi, sao ba con không viết giấy nợ mà con phải viết. Vì chú nhớ, ba con học đến hết lớp 4 mới nghỉ, phải biết chữ chứ. "Dạ, tại ba con khai với người ta rằng ba con không biết chữ", Kiều đáp.
Hóa ra là vậy, Lâm có đủ mánh khóe vỉa hè để đối phó với đám chủ nợ tại Campuchia, kể cả việc lừa con gái sang để làm vật thế thân.
Tối đó, Kiều được ở cùng với ba. Lâm trấn an Kiều, sáng mai ba sẽ về Việt Nam. Ba nói nội bán đi cái nhà xong sẽ sang bên này đón con về. Chậm nhất là trong vòng 24 tiếng, ba con mình sẽ có mặt ở Củ Chi. Lần này, ba sẽ làm giấy ly dị với mẹ con, rồi ba làm cho con cái tài khoản ngân hàng, gửi vào đó cho con mấy chục triệu sau này con đi học.
Đã hết đâu, Lâm còn thủ thỉ gì đó với người thanh niên bị giam cùng với cha con Lâm để rồi, người thanh niên kia lấy hơn 2 triệu tiền còn sót lại đưa cho Lâm. "Ông cứ yên tâm, tui về nói bà già bán đất xong sẽ mang tiền lên đây chuộc con gái và chuộc ông về luôn. Anh em mình hoạn nạn có nhau mà", Lâm hứa.
Tuy nhiên, Kiều chỉ có một đêm duy nhất ở cùng ba mình. Sáng ngày 19/11, Lâm được phóng thích, từ đó cho đến ngày được về Việt Nam, Kiều không còn thấy ba mình nữa. Mãi sau này, Kiều có nghe được là ba Kiều đã cầm người cho một chủ sòng bạc khác.
Kiều bị giam trong căn phòng toàn là người Việt, những kẻ canh cửa cũng là người Việt. Phòng nào nhiều phụ nữ, có 2 người canh. Phòng nào nhiều thanh niên, có 4 người canh. Mỗi ngày, những người bị giam như Kiều được cho ăn hai bữa, trưa lúc 11 giờ 30 phút và chiều tầm khoảng hơn 18 giờ.
"Trong phòng có toalét. Có 2 cái giường cho tụi con ngủ, mấy ông canh chừng ngủ dưới đất. Toàn là mấy ông xăm mình, có hút xì ke, đập đá. Mấy ổng hút ngay trước mặt tụi con", lời của Kiều.
"Con có bị đánh đập không?", hỏi Kiều. "Dạ, con còn nhỏ, nên không bị đánh. Chỉ có mấy người lớn bị đánh. Họ bị đánh bất cứ khi nào mà mấy người canh giữ muốn. Có chị mở cửa phòng, chắc là định trốn. Mấy người canh giữ bắt được, dùng nón bảo hiểm đánh vào mặt và đầu chị đến vỡ nón bảo hiểm, tét mắt. Lần khác, có người đang gọi điện thoại về cho người thân mang tiền lên chuộc, người canh giữ đứng phía sau, đập thẳng cái nón bảo hiểm vào đầu. Chắc là người ta muốn người nhà nghe được tiếng khóc lóc, gào thét mà mau mang tiền sang chuộc", Kiều nói.
Nơi Kiều bị giam giữ là căn nhà có 5 tầng, phía dưới là sòng bạc, phía trên là nơi canh giữ những người đã cầm mạng.
Có chị, cầm mạng 47 triệu. Gọi điện thoại hoài mà người nhà không mang tiền lên chuộc. Chị gọi điện thoại về cho con gái, con gái của chị cũng trạc tuổi Kiều. Chị nói gì đó, con gái chị sang Campuchia ở cùng mẹ. Có con gái trong tay, chị gọi điện thoại cho người thân. Ngay lập tức, họ mang tiền lên để chuộc chị về.
Đó là một chiêu rất mới của những người mê đỏ đen đến mức u muội.
Bà ngoại Kiều đã có thể nở nụ cười. |
3. Kiều ở nơi đó đủ lâu để biết về những câu chuyện mà đáng nhẽ, ở tuổi mình Kiều không nên biết.
Kiều kể cho mẹ nghe, ở bên Campuchia, sau khi làm đủ mọi cách mà người cầm mạng không có tiền để chuộc về. Chủ sòng sẽ bán họ qua khu vực Svay Rieng để làm đủ thứ chuyện. Đàn ông, được tính tiền công 42 nghìn/ngày, phụ nữ thì đắt hơn một chút 100 nghìn/ngày. Cứ ở vậy cho đến khi trả hết nợ.
Mà giờ Kiều mở miệng không gọi Campuchia nữa, chỉ gọi ở bên Cam, ở bên Cam... Nghe có gì đó lạ lẫm.
Kiều về đi học lại, thầy cô thương nên chia nhau dạy lại phần kiến thức mà em bỏ dở trong những ngày sang Campuchia thế mạng giúp ba mình. Kiều phải học rốt ráo để còn thi lại những môn trong kỳ thi giữa học kỳ, kỳ thi mà tất cả bạn bè Kiều đã hoàn thành. Mấy hôm rồi, thông tin về Kiều tràn ngập mặt báo, Kiều bỗng dưng trở thành tâm điểm của cả trường một cách bất đắc dĩ.
Kiều về, để cuộc sống trong căn nhà nhiều khốn khó có thêm nụ cười. Để cuối năm, không khí lạc quan lại xuất hiện trên gương mặt của ngoại, của mẹ Kiều. Dẫu cho món nợ 30 triệu vẫn cứ lơ lửng không biết khi nào mẹ Kiều mới trả dứt được.
Chỉ có điều, từ nay có thể Kiều sẽ không sang nhà bà nội nữa. Bởi mẹ Kiều giận bà không giúp đỡ trong hành trình giải cứu Kiều về Việt Nam. Chị giận có cái lý của chị, tôi chỉ thương về nước mắt của bà Sáu Phụng trong hôm ngồi trò chuyện với tôi cách đây mấy ngày. Tôi nghĩ, bà thương Kiều đến xé lòng, nhưng mà bà nghèo quá, bà đâu biết phải làm sao để cứu cháu. Có khi, cái nghèo, sự túng quẫn khiến bà có những lời nói làm chị Oanh đau lòng...
Còn Lâm, tôi không biết phải nghĩ về người đàn ông này như thế nào. Dẫu cũng muốn biện hộ cho anh ta vài chữ, mà không biết phải biện hộ ra sao cho hợp lý.
Trước lúc chào nhau ra về, hỏi chị Oanh rằng, nhiều năm sau này, khi chị đến lúc ngồi sui với ai đó. Giả như chị biết Lâm ở đâu, chị có gọi anh ta về để bé Kiều có đủ mặt cha mẹ trong ngày trọng đại của mình không.
Chị trả lời không đắn đo: “Không, không bao giờ có chuyện đó. Tui với ổng đã không còn gì hết. Mãi mãi không còn gì”.
Tôi hoàn hoàn không ngạc nhiên về lời khẳng định ấy của chị