Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201809/song-kho-ben-nha-may-xi-mang-song-lam-812875/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201809/song-kho-ben-nha-may-xi-mang-song-lam-812875/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Sống khổ bên Nhà máy Xi măng Sông Lam - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Sáu, 07/09/2018, 10:48 [GMT+7]

Sống khổ bên Nhà máy Xi măng Sông Lam

(Congannghean.vn)-Từ khi đi vào hoạt động đến nay, dự án Nhà máy Xi măng Sông Lam liên tục bị hàng trăm hộ dân sinh sống xung quanh “tố” gây ô nhiễm môi trường. Thậm chí, báo cáo đánh giá tác động môi trường của Nhà máy được Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) phê duyệt cũng đã “bỏ sót” 126 hộ dân nằm trong phạm vi bị ảnh hưởng.

Dự án Nhà máy Xi măng sông Lam đang bị “tố” hành dân
Dự án Nhà máy Xi măng sông Lam đang bị “tố” hành dân

Thời gian vừa qua, người dân xã Bài Sơn, huyện Đô Lương và xã Minh Thành, huyện Yên Thành liên tục phản ánh tình trạng, Nhà máy Xi măng Sông Lam trên địa bàn gây ô nhiễm khói bụi, tiếng ồn, làm đảo lộn cuộc sống của người dân trong phạm vi bị ảnh hưởng. Những hệ lụy mà nhà máy nghìn tỉ này mang lại cho nhân dân, bao gồm tiếng ồn, khói bụi, nước bẩn vào vườn nhà, ngấm xuống giếng nước; đặc biệt là lượng nước thải dồn ứ mỗi khi trời mưa vì nền nhà máy xi măng hiện đã được đổ đất cao hơn nền nhà của nhiều hộ dân sống xung quanh.

Ngoài ra, khoảng 50 hộ dân xóm Thái Sơn, xã Bài Sơn phải chịu những đợt rung lắc, thậm chí trước đây còn có hiện tượng đá rơi vào nhà dân mỗi lần công ty nổ mìn khai thác đá vì các hộ dân này sinh sống chỉ cách mỏ đá nguyên liệu của Nhà máy Xi măng Sông Lam vài trăm mét.

Nhà máy Xi măng Sông Lam của Công ty CP Xi măng Sông Lam (thuộc Tập đoàn Xi măng The Vissai) được đầu tư với số vốn hơn 10.000 tỉ đồng, công suất 6.000 tấn clinker/dây chuyền/ngày. Mỗi năm, nhà máy cho ra lò 4 triệu tấn sản phẩm và giải quyết việc làm cho 2.000 lao động. Dự án đã được Bộ TN&MT phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường tại Quyết định số 297 ngày 4/2/2016 và chính thức đi vào hoạt động từ tháng 10/2016. Đóng chân trên địa bàn xã Bài Sơn, huyện Đô Lương nhưng từ khi đi vào hoạt động đến nay, nhà máy này liên tục bị người dân sống xung quanh “tố” gây ô nhiễm môi trường, ô nhiễm tiếng ồn khiến cuộc sống của hàng trăm hộ dân bị đảo lộn.

Trước ý kiến bức xúc của nhân dân, tháng 10/2017, Sở TN&MT đã thành lập đoàn kiểm tra, trên cơ sở các kết quả có được đã có công văn yêu cầu nhà máy xi măng phải có các biện pháp khắc phục những tồn tại liên quan nhưng không được như kỳ vọng.

Ngày 18/12/2017, UBND tỉnh tiếp tục có Công văn 9576 chỉ đạo các sở, ban, ngành liên quan và Công ty CP Xi măng Sông Lam, thực hiện việc đảm bảo môi trường và các vấn đề liên quan đến nhà máy. Tuy nhiên, do một số hạng mục đang trong quá trình hoàn thiện, gồm hệ thống xử lý nước thải của nhà máy và thiết bị quan trắc khí thải tự động, liên tục nên những tồn tại liên quan vẫn tiếp diễn.

Theo báo cáo đánh giá tác động môi trường do Bộ TN&MT phê duyệt, bán kính an toàn dân sinh của dự án Nhà máy xi măng Sông Lam cách lò nung khoảng 900 m và cách hàng rào nhà máy 600 m. Theo báo cáo này, có 32 hộ dân chịu tác động của nhà máy. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Trọng Hợi, Phó phòng TN&MT huyện Đô Lương, qua kiểm tra thực tế có đến 158 hộ dân nằm trong phạm vi cách hàng rào nhà máy xi măng 600 m.

Từ đầu năm 2018, Sở TN&MT Nghệ An đã liên tiếp có 2 công văn, xin ý kiến Bộ TN&MT về việc di dời các hộ dân này ra khỏi vùng bị ảnh hưởng của Nhà máy xi măng Sông Lam nhưng đến thời điểm hiện tại, Bộ vẫn chưa có công văn trả lời. Cụ thể, ngày 3/4/2018, Sở TN&MT gửi Công văn 1629 kèm theo danh sách các hộ và thửa đất nằm trong vùng ảnh hưởng do huyện Đô Lương rà soát xin ý kiến của Bộ TN&MT để di dời các hộ dân này ra khỏi vùng bị ảnh hưởng bởi Nhà máy Xi măng Sông Lam. Ngày 23/5/2018, Sở TN&MT tiếp tục gửi Công văn 2758 để xin ý kiến chỉ đạo đối với khoảng cách và số hộ dân cần thiết phải di dời do tác động môi trường của nhà máy.

Mới đây nhất, tại buổi làm việc với Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An vào sáng 4/9/2018, UBND huyện Đô Lương cũng đã kiến nghị việc cần sớm di dời 158 hộ dân ra khỏi vùng bị ảnh hưởng môi trường do Nhà máy Xi măng Sông Lam.

Ông Hoàng Văn Hiệp, Phó Chủ tịch UBND huyện Đô Lương cho biết thêm: Kiến nghị của các hộ dân về tác động môi trường của Nhà máy Xi măng sông Lam vì có hiện tượng nước chảy tràn ra khu dân cư và đồng ruộng, tiếng ồn, khói bụi, ô nhiễm do vận chuyển nguyên liệu phục vụ sản xuất của nhà máy. Do bị ảnh hưởng nên các hộ dân này đã nhiều lần đề nghị được di dời ra khỏi khu vực ô nhiễm, song đây là vấn đề vượt quá thẩm quyền của huyện. Thời gian vừa qua, huyện Đô Lương đã thành lập đoàn kiểm tra, kiến nghị lên UBND tỉnh và Bộ TN&MT có phương án di dời các hộ dân này nhưng đến nay, vẫn đang phải chờ đợi các phương án vì Bộ TN&MT chưa có văn bản trả lời.

.

Thiện Thành

.