Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201808/tai-xa-chau-tien-huyen-quy-chau-hang-chuc-ho-dan-bat-an-vi-sat-lo-bo-song-809432/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201808/tai-xa-chau-tien-huyen-quy-chau-hang-chuc-ho-dan-bat-an-vi-sat-lo-bo-song-809432/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Hàng chục hộ dân bất an vì sạt lở bờ sông - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Năm, 16/08/2018, 09:41 [GMT+7]
Tại xã Châu Tiến, huyện Quỳ Châu

Hàng chục hộ dân bất an vì sạt lở bờ sông

(Congannghean.vn)-Từ năm 2016 đến nay, có 22 hộ dân sinh sống tại bản Minh Tiến, xã Châu Tiến, huyện Quỳ Châu ngày đêm lo lắng vì bờ sông Hiếu bị sạt lở nghiêm trọng ở nhiều vị trí. Về lâu dài, cần có giải pháp chống sạt lở hữu hiệu, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người dân nơi đây.

Đêm 27/7/2018, bờ sông Hiếu sạt lở, cuốn theo nhiều tài sản của gia đình bà Nguyễn Thị Lục
Đêm 27/7/2018, bờ sông Hiếu sạt lở, cuốn theo nhiều tài sản của gia đình bà Nguyễn Thị Lục

Chúng tôi đến nhà bà Nguyễn Thị Lục ở bản Minh Tiến khi cả gia đình đang gấp rút dọn dẹp, vận chuyển đồ đạc còn sót lại sau trận sạt lở đất vào đêm 27/7 vừa qua. Bà Lục cho biết, sinh sống hơn 40 năm bên cạnh sông Hiếu nhưng chưa khi nào nơi đây bị sạt lở đất. Tuy nhiên, từ khi Nhà máy thủy điện Châu Thắng đi vào hoạt động, xả lũ thì bắt đầu có tình trạng sạt lở đất nghiêm trọng. Đêm 27/7, khi Nhà máy tiếp tục xả lũ, bờ sông Hiếu phía sau gia đình bà bị lở, lấn sâu vào móng nhà, cuốn trôi gia súc, gia cầm (3 con lợn, hàng chục con gà, vịt) và nhiều hàng hóa (giường, tủ) xuống dòng sông. Nghiêm trọng hơn, hiện tại, phía sau nhà bà Lục xuất hiện 1 đường nứt kéo dài theo móng nhà, nguy cơ ngôi nhà có thể sụt xuống lòng sông Hiếu bất cứ lúc nào!

Cạnh đó, gia đình bà Phan Thị Thành (71 tuổi) cũng hết sức lo lắng, bất an vì bờ sông Hiếu ngày càng lấn sâu vào đất ở. Bà Thành cho biết, sinh ra và lớn lên trên vùng đất này nhưng chưa khi nào thấy bờ sông Hiếu bị sạt lở như thời gian vừa qua. Sắp tới, gia đình bà phải bán mấy cây ăn quả và cây lát sát bờ sông, nếu không sẽ bị trôi mất.

Trước đó, trong đợt Nhà máy thủy điện Châu Thắng xả lũ vào ngày 10/10/2017, gia đình ông Phan Văn Ngọc ở bản Minh Tiến cũng bị sạt lở nghiêm trọng, hàng chục m2 đất, cây cối bị cuốn trôi xuống sông. Ông Ngọc cho biết, gia đình ông sinh sống ở xã Châu Tiến từ những năm 1960, đã nhiều lần chứng kiến các trận lũ lịch sử nhưng chưa bao giờ có tình trạng sạt lở bờ sông Hiếu.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, bản Minh Tiến hiện có hơn 50 hộ dân sinh sống bên bờ sông Hiếu, các hộ làm nhà bám theo Quốc lộ 48, phía sau lưng là sông Hiếu chảy về xuôi. Trong đó, có 22 hộ chịu ảnh hưởng sạt lở nghiêm trọng bờ sông Hiếu từ năm 2017 đến nay. Những hộ dân sinh sống ở đây cho biết, mấy chục năm qua, nhiều lần có lũ lớn nhưng bờ sông Hiếu chảy qua bản Minh Tiến không có tình trạng sạt lở như hiện nay. Thế nhưng, từ khi Nhà máy thủy điện Châu Thắng đi vào hoạt động (2017), mỗi khi Nhà máy xả lũ lại xuất hiện tình trạng sạt lở bờ sông. Theo người dân, khi xả lũ, mực nước sông lên cao hơn bình thường 5 - 7 m, sóng nước vỗ mạnh vào bờ, làm xói lở bờ sông, gây sạt lở.

Trao đổi với phóng viên, ông Trần Văn Hoàng, Chủ tịch UBND xã Châu Tiến, huyện Quỳ Châu xác nhận: Từ năm 2017 đến nay, có 22 hộ dân bản Minh Tiến sinh sống dọc bờ sông Hiếu chịu ảnh hưởng của tình trạng sạt lở bờ sông. Về nguyên nhân sạt lở thì chúng tôi chưa thể khẳng định được, phải có các nhà chuyên môn đánh giá, tuy nhiên chúng tôi chỉ so sánh trước khi có thủy điện và sau khi có thủy điện mà thôi. Còn Chủ tịch UBND xã Châu Tiến khẳng định, người dân và lãnh đạo địa phương cũng đã nhiều lần kiến nghị với UBND tỉnh và các đại biểu Quốc hội có phương án xây dựng kè chống sạt lở, bảo vệ bờ sông và nhà cửa, đất đai của người dân nhưng chưa được chấp thuận.

Ông Lê Hải Lý, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Quỳ Châu cho biết, tình trạng sạt lở bờ sông Hiếu đã đe dọa nghiêm trọng đến đất đai, nhà cửa của 22 hộ dân sinh sống dọc bờ sông. Sau khi nhận được thông tin phản ánh, chúng tôi đã trực tiếp xuống kiểm tra hiện trường ghi nhận thực tế, tìm hướng khắc phục. Đồng thời, có văn bản báo cáo gửi UBND tỉnh, Sở NN&PTNT và Sở Công Thương đề nghị tỉnh thành lập đoàn liên ngành tiến hành kiểm tra, xác định rõ nguyên nhân sạt lở có phải do thủy điện Châu Thắng xả lũ hay không để có phương án giải quyết phù hợp nhất.

Về phía Nhà máy thủy điện Châu Thắng, ông Hồ Ngọc Thiết, Giám đốc cho rằng, chưa thể kết luận sạt lở bờ sông Hiếu là do Nhà máy xả lũ. Để kết luận chính xác việc này cần phải có sự kiểm tra, đánh giá khách quan của các nhà khoa học và cơ quan chức năng. Dòng sông Hiếu có 3 nhánh sông hợp lại, trong đó thủy điện Châu Thắng đóng trên sông Quàng. Ông Thiết khẳng định, việc xả lũ thời gian qua của Nhà máy là đúng quy định, quy trình đã được phê duyệt. Tuy nhiên, khi nhận được thông tin các gia đình bị sạt lở bờ sông, thiệt hại về tài sản và đất đai, phía Nhà máy đã xuống trực tiếp kiểm tra, ghi nhận tình hình. Qua đó, Nhà máy quyết định hỗ trợ gia đình bà Nguyễn Thị Lục 100 triệu đồng. Đây là hộ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, sạt lở nhà, đất và bị cuốn trôi tài sản.  

 Thực tế cho thấy, hàng chục hộ dân bản Minh Tiến đang sinh sống ven sông Hiếu bị ảnh hưởng do tình trạng sạt lở bờ sông là có thật. Để xác định Nhà máy thủy điện Châu Thắng có phải là “thủ phạm” gây ra tình trạng sạt lở bờ sông hay không, cần phải có đánh giá khách quan, khoa học của các cơ quan chức năng. Tuy nhiên, về lâu dài, bờ sông Hiếu đang cần được xây dựng hệ thống kè chống sạt lở khẩn cấp, nếu không tính mạng và tài sản của các hộ dân nơi đây sẽ luôn trong tình trạng bị đe dọa!

.

Đ. Thắng

.