Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201808/tro-ve-sau-18-nam-bi-lua-ban-sang-trung-quoc-808787/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201808/tro-ve-sau-18-nam-bi-lua-ban-sang-trung-quoc-808787/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Trở về sau 18 năm bị lừa bán sang Trung Quốc - Báo Công An Nghệ An điện tử
Chủ Nhật, 12/08/2018, 11:32 [GMT+7]

Trở về sau 18 năm bị lừa bán sang Trung Quốc

(Congannghean.vn)-Nhẹ dạ cả tin, chị Phạm Thị Hằng (SN 1983) trú tại xóm Yên Xuân, xã Võ Liệt, huyện Thanh Chương đã nghe lời 1 người phụ nữ lên tỉnh Lạng Sơn để kiếm việc làm. Tuy nhiên, sau lời hứa hẹn mật ngọt đó, chị đã bị bán làm vợ cho 1 người đàn ông Trung Quốc. Sau 18 năm làm dâu tủi nhục bên xứ người, chị Hằng bỗng nhiên trở về trong niềm vui vỡ òa của người thân.

Đã gần 1 tháng nay, việc chị Phạm Thị Hằng mất tích 18 năm trước bỗng dưng trở về khiến nhiều người thân, hàng xóm hết sức vui mừng. Trong căn nhà cấp 4 cũ kỹ nằm khuất sau con hẻm của bà Nguyễn Thị Phái (mẹ chị Hằng) tràn ngập tiếng cười nói, chúc mừng khi nghe tin con gái bà đã trở về lành lặn sau 18 năm bị lừa bán làm vợ nơi xứ người.

Chị Hằng kể về 18 năm làm dâu xứ người đầy tủi cực
Chị Hằng kể về 18 năm làm dâu xứ người đầy tủi cực

Gạt những giọt nước mắt lăn dài trên má, bà Phái nghẹn ngào cho biết: “Ngày 13/7, khi gia đình chúng tôi đang chuẩn bị ăn cơm sáng thì bỗng có điện thoại gọi tới. Nghe giọng nói ú ớ nhưng linh cảm của một người mẹ, tôi biết đó là đứa con gái đã mất tích hơn 18 năm về trước. Hằng cho biết đã về tới Lạng Sơn và đang bắt xe về Vinh. Gia đình không ngờ, đứa con gái 18 năm biệt tích nay đã trở về khỏe mạnh, gặp nhau chỉ ôm nhau òa khóc vì sung sướng. Bây giờ, tôi có nhắm mắt cũng an lòng”.

Xa nhà đã hơn 18 năm nhưng trong thâm tâm Hằng luôn nhớ tới gia đình. Chị kể: Năm 2000, sau khi học xong lớp 10, để phụ giúp gia đình kiếm tiền, chị đã nghe lời bạn rủ ra rửa bát tại Hà Nội với tiền công 500.000 đồng/tháng. Tuy nhiên, cuộc sống xa quê vất vả, với số tiền công đó chị đã chi tiêu rất tiết kiệm nhưng cũng chẳng gửi về được cho gia đình là bao. Sau khi rửa bát thuê được gần 1 tháng, nghe lời dụ dỗ ngon ngọt của bà chủ quán ăn giới thiệu lên Lạng Sơn làm cho công ty giày da với mức lương 1 triệu đồng/tháng, một phần công việc nghe đỡ vất vả, phần khác muốn thêm thu nhập gửi về quê cho bố mẹ nên chị đã đồng ý.

Cứ tưởng sẽ kiếm được một công việc tốt hơn để có tiền phụ giúp gia đình nhưng khi lên đến Lạng Sơn, Hằng mới biết mình đã bị lừa bán sang Trung Quốc. Sau chuỗi ngày định mệnh đó, cuộc đời chị đã thay đổi hoàn toàn. Trong lúc bị bắt giam, chị thấy rất nhiều cô gái khác bị những gã thanh niên xăm trổ đầy mình áp giải bằng ôtô đi nhiều nơi, luân chuyển qua nhiều chuyến xe. Trên xe, họ cấm các cô gái nói chuyện với nhau nên họ chỉ biết nhìn nhau ứa nước mắt mà không biết số phận sẽ trôi dạt về đâu.

Nhớ nhà, nhớ bố mẹ, nhiều đêm chị chỉ biết gào khóc, nước mắt đã cạn, sức lực yếu đi vì những trận đòn của bọn buôn người, chị đành phó mặc cho số phận. Khoảng 1 tuần sau khi bị lừa sang Trung Quốc, Hằng được đưa đến 1 ngôi nhà hẻo lánh, vắng vẻ. Nhiều người đã đến “xem mặt” chị và ngã giá với bọn buôn người. Cuối cùng Hằng bị bán cho 1 người đàn ông Trung Quốc hơn chị 9 tuổi, làm nghề thợ xây ở khu vực miền núi heo hút thuộc tỉnh Hà Bắc. Những ngày sau đó, nhiều lần chị có ý định chạy trốn nhưng đều bị bắt lại. Phần do bất đồng ngôn ngữ, mặt khác lại bị quản thúc chặt, đường về quê hương lại xa nên chị đành chấp nhận cuộc sống hôn nhân này.

Thời gian dần trôi, gia đình chồng không còn quá lo lắng về việc chị bỏ trốn, nhưng do không có giấy tờ tùy thân, lấy chồng không hôn thú, không được nhập tịch nên những năm tháng làm dâu “chui” ở xứ người, chị Hằng phải sống chui lủi, khổ cực. “Nhiều lúc tôi đã tìm đến cái chết nhưng lại nghĩ bố mẹ và người thân ở quê nhà đang tìm kiếm, chờ đợi nên phải cố gắng sống”, chị Hằng tâm sự.

“Ở nhà, sau nhiều tháng không liên lạc được với Hằng, gia đình đã nỗ lực tìm kiếm trong vô vọng. Mất con, chồng tôi suy sụp, suốt ngày tìm đến rượu như để quên đi tất cả và ông đã mất sau đó ít lâu. Còn tôi thì ốm đau, bệnh tật tưởng chừng như không thể trụ nổi. Thế rồi, giữa năm 2017, gia đình nhận được mẩu giấy, trong đó có ghi số điện thoại và địa chỉ của Hằng ở bên Trung Quốc. Nó thông báo với gia đình vẫn sống tốt và đã lấy chồng. Nghe tin Hằng trở về, các anh chị em sinh sống khắp mọi miền Tổ quốc cũng đã về quê để gặp mặt đoàn tụ. 18 năm mong đợi, nay con gái đã trở về, tôi mừng lắm. Giờ đây, ở bên kia thế giới chắc ông ấy cũng an lòng”, bà Phái nghẹn ngào cho biết.

Thấm thoát đã gần 18 năm làm dâu nơi xứ người, trải qua biết bao khổ cực, chị Hằng mong muốn được trở về quê nhà thăm bố mẹ. Sau nhiều lần cố gắng liên lạc với gia đình, chị được biết bố đã mất, mẹ bệnh nặng. Chính vì thế, mong muốn được trở về chăm sóc mẹ càng thôi thúc chị. Khi biết tình cảnh gia đình chị ở Việt Nam, người nhà chồng đã đồng ý và cho chị một ít tiền để làm lộ phí về quê. Tuy nhiên, để trở về được Việt Nam, chị Hằng phải nhờ 1 người đàn ông Việt thường xuyên qua Trung Quốc làm ăn chỉ “mối” đưa qua đường tiểu nghạch với chi phí 5 triệu đồng. “Trên chuyến xe trở về Việt Nam, tôi phải mất 3 ngày 2 đêm từ Hà Bắc về đến cửa khẩu Lạng Sơn. Đi bộ hàng tiếng đồng hồ, vượt qua nhiều đồi núi mới qua được biên giới Việt - Trung. Khi về đến Lạng Sơn, tôi hỏi nhờ đường bắt xe ôtô về Vinh rồi gọi người nhà ra đón”, chị Hằng cho biết.

Nói về những kẻ nhẫn tâm bán con gái mình sang Trung Quốc, bà Phái cho biết, sự việc xảy ra cũng đã lâu, hơn nữa, gia đình cũng không biết kẻ bán con mình là ai nên không làm đơn tố cáo lên cơ quan chức năng. Vì vậy, bà muốn thông qua báo chí đưa tin để cảnh báo cho những cô gái nhẹ dạ, cả tin không “mắc bẫy” của kẻ buôn người.

Trao đổi với chúng tôi, ông Bùi Xuân Lĩnh, Chủ tịch UBND xã Võ Liệt cho biết: Sau khi nhận được thông tin chị Phạm Thị Hằng trở về sau 18 năm lưu lạc ở Trung Quốc, UBND xã đã cử cán bộ các ngành, đoàn thể xuống thăm hỏi, động viên, tư vấn cho gia đình các thủ tục cần thiết.

.

Nguyễn Quỳnh

.