Cái kết buồn của cuộc hôn nhân giả
Gần một năm nay, Hà (27 tuổi, ngụ Đồng Tháp) vẫn mòn mỏi chờ đợi để được đi Canada. Gia đình Hà có người thân đang làm việc bên ấy nên định hướng cho Hà sang để đổi đời.
Trước đó, Hà đã rất vất vả mới hợp thức hóa được thủ tục đăng ký kết hôn với Dũng Việt kiều Canada. Để có một cuộc hôn nhân trót lọt, gia đình Hà đã phải bỏ ra vài trăm triệu trả tiền “làm chú rể” cho Dũng.
Trên hợp đồng (miệng), Dũng chỉ được xuất hiện trong ngày cưới, chụp một bộ ảnh thật giống với cặp đôi đang yêu nhau để bổ sung vào hồ sơ và đánh lừa bà con chòm xóm. Tuy nhiên, khi lễ cưới vừa kết thúc, Dũng đơn phương phá hợp đồng và lớn tiếng tuyên bố có quyền “sở hữu” Hà.
Gia đình Hà rất tức giận, định nhảy vào đánh chàng rể hờ thì Dũng chỉ tay dọa: “Có muốn lộ bí mật không?”. Vậy là tất cả đành cắn răng nuốt cục tức vào trong. Những ngày sau đó, Dũng được thể làm tới mặc cho Hà khóc lóc van xin Dũng chấp hành nghiêm túc hợp đồng.
Trên thực tế, Dũng và Hà đã trở thành vợ chồng hợp pháp nên không ai làm gì được. Hà ngậm đắng nuốt cay, lỡ đâm lao phải theo lao, nếu sự việc vỡ lở thì vừa mất tiền vừa mang tiếng, thà rằng cứ im lặng, qua được “miền đất hứa”, chờ đủ thời gian quy định sẽ làm thủ tục ly hôn ngay với Dũng.
Tuy nhiên, gần một năm trôi qua, con đường “xuất ngoại” của Hà ngày càng mong manh. Dũng thì cứ ăn dầm nằm dề nhà Hà, bắt ép cô đủ thứ bởi Dũng hiểu rất rõ việc kết hôn là thật và cơ quan chức năng cũng không thể xử lý khi Dũng không quậy phá cũng không làm gì phạm pháp.
Mặc nhiên họ được pháp luật công nhận, bảo vệ và đương nhiên phát sinh các quyền và nghĩa vụ của vợ chồng, trong đó có quyền sống chung, cùng nhau xây dựng hạnh phúc gia đình. Không những hành hạ cuộc sống của Hà, Dũng còn đòi Hà phải sinh cho gã một đứa con. Đòi chia tài sản...
Cô gái Việt Nam chụp hình cưới với chồng người Trung Quốc. |
Hà buồn bã, chán nản bỏ nhà lên TP. Hồ Chí Minh thuê một căn nhà ở và lân la tìm “đường dây” hỗ trợ. Một chuyên gia nhận định, hồ sơ của Hà đã bị nghi ngờ thì rất khó trót lọt.
Mặt khác, Dũng lại không phải là người tử tế, không muốn giúp Hà. Vì vậy, cách tốt nhất bây giờ là nên ly hôn với Dũng để cắt đứt ràng buộc, tạo pháp lý rõ ràng cho mình, sau này có cơ hội tính tiếp.
Phương án này Hà cũng nghĩ tới nhưng cha mẹ thì khuyên nên chờ đợi, vì nếu ly hôn thì sẽ mất một khoản tiền rất lớn đã bỏ ra. Số tiền đó gia đình Hà đã phải bán mảnh vườn duy nhất và nợ ngân hàng đầm đìa. Lúc đầu, họ hy vọng đầu tư cho Hà qua Canada được thì sẽ làm ăn kiếm tiền, chẳng mấy mà thu hồi vốn. Bây giờ thì tan nát giấc mơ xứ người, lỡ làng tình duyên con gái.
Hà cho biết, đã quyết định li hôn để giải thoát “vòng kim cô” với gã Việt kiều. Với những người kết hôn giả vì tiền thì tư cách của họ cũng có vấn đề. Họ hoàn toàn có thể trở mặt, vòi vĩnh thêm tiền…
Mòn mỏi chờ tin con
Trong căn phòng trọ ẩm ướt, u ám ở xã Đa Phước (Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh), bà Lê Thị Hường vừa ôm cháu ngoại vừa thở dài não nề.
Đã hơn một năm nay, Lê, con gái của bà đi xuất ngoại làm dâu bên Trung Quốc vẫn chưa có một dòng tin gửi về. Ngày Lê đi lấy chồng, cô đã khóc hết ước mắt tháo đôi bông tai gửi lại để mẹ ở nhà nuôi hộ con gái.
Sau thời gian mỏi mòn chờ đợi không có kết quả, Hà quyết định sẽ ly hôn để giải thoát cuộc tình giả. |
Quê bà Hường ở Thị xã Bình Minh (Vĩnh Long). Nhà ngay bên dòng sông Hậu. Năm ngoái, “hà bá” đã “ngoạm” vào vách nhà “nuốt” mất bậc thềm. Chính quyền khuyến cáo dân không nên ở vì với đà đã sạt lở khủng khiếp như vậy sẽ có ngày nước cuốn đi hết, kể cả con người.
Gia đình bà Hường dắt nhau lên thành phố thuê nhà trọ sinh sống, bắt đầu cuộc đời mới bằng nghề bán hủ tíu gõ. Lê lúc này vừa bỏ chồng, ẵm con về sống chung với cha mẹ. Con bé vừa cai sữa, Lê theo bạn đi làm công nhân. Làm được 5 tháng thì nghỉ vì công ty đóng cửa. “Đời con bé long đong như chiếc thuyền không bến. Nó đi làm ở đâu cũng dang dở”.
Bà Hường than thở. Nghĩ cảnh bĩ cực của gia đình, nhìn con bập bẹ học tiếng mà không có hộp sữa uống, Lê dằn vặt hàng đêm. Lê quyết định lấy chồng người Trung Quốc sau khi đã ngã giá với “môi giới” cho ứng trước 50 triệu.
Theo lời rao giảng của bà mai, chồng của Lê 50 tuổi, chưa lấy vợ lần nào, đang sống một mình và có trang trại trồng chanh. Lê sang bên đó ngoài làm vợ sẽ được cho tiền gửi về quê hàng tháng. Sau này ổn định có thể đón con sang đoàn tụ.
Trước mắt, nhà chồng hỗ trợ Lê 50 triệu gọi là quà cưới. Nhìn số tiền ấy, Lê hoa hết mắt, đời cô đã bao giờ có được ngần ấy tiền đâu. Lê đưa mẹ gửi tiết kiệm để cho con sau này đi học. Bảo bà Hường yên tâm, sang đó sẽ tìm cách gửi tiền về cho. Để tránh bị lừa, ép phải sinh con, trước khi đi Lê đã âm thầm “kế hoạch”.
Người “chồng” sang Việt Nam, tổ chức một bữa ăn linh đình ra mắt và xin phép đón Lê về bên kia làm vợ. Vợ chồng bà Hường được mời dự nhưng chẳng biết nói câu nào và cũng không nghe được bên thông gia nói gì. Tuy nhiên bà vẫn nhớ như in khuôn mặt “Trư bát giới” của thằng con rể, so với con gái của bà thì một trời một vực.
Nhưng rồi bà tặc lưỡi: “Gái một đời chồng thì đòi hỏi cao sang làm sao được, hơn nữa người ta cho mình tiền, lo cuộc sống cả đời”. Buổi tiệc cưới trôi qua chóng vánh, sự thân thiết, tình cảm bị ngăn cản bởi ngôn ngữ. Đêm ấy Lê phải ở lại với “chồng” để ngày mai ra sân bay sớm.
Bà Hường không hiểu tại sao phải đến và đi nhanh như thế, chẳng khác nào cướp dâu, mà cũng không làm thủ tục đăng ký ở Việt Nam. “Hôm sau tôi nghe một bà chuyên môi giới kể lại là do thủ tục xuất ngoại gặp vấn đề nên họ phải đưa Lê đi đường tiểu ngạch”- bà Hường kể.
Vậy là hơn một năm Lê đi làm dâu xa xứ, bà Hường mòn mỏi chờ mong. Đứa con bây giờ đã biết đi, biết nói tròn vành rõ tiếng mà không nhớ mặt mẹ. Tết năm 2017, bà Hường có người bà con đi buôn bán ở Trung Quốc về ghé thăm và kể chuyện rất nhiều cô gái Việt Nam bị lừa bán sang Trung Quốc lấy chồng.
Trong số những cô bị lừa bán, chỉ số ít có cuộc sống bình yên, không bị bạo hành, không phải lao động nặng nhọc. Nhiều cô không thể chịu nổi đã tìm cách trốn về. Người trót lọt thì may mắn, người bị bắt trở lại thì số phận xem như “đóng đinh” vào cột.
Nghe xong, bà Hường nôn nao như người ngồi trên đống lửa, càng nghĩ càng thương con. Cho đến giờ này bà vẫn không biết con gái lấy chồng ở phương trời nào, liệu cuộc sống có bình yên?
Bà Hường tìm mấy bà mai mối để hỏi nhưng họ đã lặn mất tăm, không để lại dấu vết. Về lai lịch người chồng của con gái, bà Hường chỉ nhớ mỗi khuôn mặt toàn thịt và khối người ục ịch, nặng nề như đồ vật. Tên tuổi, địa chỉ ở đâu bà hoàn toàn không biết.
Bà Lê Thị Nền, người phụ nữ may mắn trốn thoát sau 6 năm bị lừa bán sang Trung Quốc. |
Nhiều tấn bi kịch đã được phơi bày về chuyện lấy chồng nước ngoài nhưng thực trạng này vẫn diễn ra nhiều ở Việt Nam, trong đó, TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh Tây Nam bộ chiếm tỷ lệ cao. Nhiều gia đình tán gia bại sản, gánh nặng tâm lý, con cái chia lìa trong những “ước mơ đổi đời”.
Thiếu tướng Lê Tấn Tảo, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an) cho biết: Hơn 80% số vụ mua bán người ra nước ngoài, tập trung chủ yếu qua các tuyến biên giới giữa Việt Nam với Campuchia, Lào và nhất là Trung Quốc.
Tình hình hoạt động của tội phạm mua bán người, trong đó môi giới hôn nhân trái phép với người nước ngoài sẽ còn diễn biến phức tạp. Vì vậy, các cơ quan, ban ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội cần có cơ chế phối hợp chặt chẽ trong công tác đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật về mua bán người.
Đồng thời cần đẩy mạnh công tác truyền thông, làm thay đổi nhận thức, chuyển biến hành vi, xóa bỏ trào lưu thích lấy chồng ngoại. Các địa phương cần đẩy mạnh cuộc vận động xóa đói giảm nghèo, xây dựng gia đình văn hóa ở khu dân cư, thanh niên lập nghiệp... để phụ nữ thoát nghèo bền vững, có kiến thức, thông tin về các hiểm họa đối với bản thân.
Bên cạnh đó, cần tăng cường hợp tác quốc tế với các nước, tổ chức quốc tế trong việc trao đổi thông tin, phối hợp đấu tranh bắt giữ, chuyển giao tội phạm mua bán người, giải cứu và hồi hương nạn nhân, bảo hộ, giúp đỡ cô dâu Việt Nam kết hôn ở các nước sở tại.